• Zalo

Gia cảnh ông Đoàn Văn Vươn sau ngày vướng vòng lao lý

Thời sựThứ Hai, 17/08/2015 03:30:00 +07:00Google News

Vụ cưỡng chế Tiên Lãng đã xảy ra hơn 3 năm, ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý phải đi tù. Những người phụ nữ thay chồng lo gia đình sau vụ cưỡng chế Tiên Lãng.

(VTC News) - Hơn 3 năm sau vụ cưỡng chế Tiên Lãng, những người phụ nữ của ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý phải gồng mình, tần tảo sớm hôm nơi bờ sông bãi sú thay chồng lo cho gia đình.

Liên quan đến vụ cưỡng chế Tiên Lãng thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (ở khu bài triều Cống Rộc, xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) xảy ra ngày 5/1/2012, ông Đoàn Văn Vươn (SN 1963) và em trai là Đoàn Văn Quý (SN 1966) bị TAND Tối cao xét xử phúc thẩm, tuyên án 5 năm tù về tội “Giết người chưa đạt” và “Chống người thi hành công vụ”. 
Tháng 7/2013, sau phiên tòa ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý phải thụ án tại trại giam Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
c
Chị em bà Thương, bà Hiền phải thay những người đàn ông lo việc đầm áng - Ảnh MK 
Ở nhà, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý), vừa phải làm tròn bổn phận người mẹ, vừa phải thay người cha và người đàn ông trong một gia đình nuôi day các con, quán xuyến công việc, mưu sinh ngay chính nơi đầm vùng đã bị cưỡng chế.
Hiện nay, bà Thương, bà Hiền đang phải gồng mình lo toan cho 10 người trong một đại gia đình và thăm nuôi hàng tháng với ông Vươn, ông Quý tại trại giam.

Hai khu đầm rộng mênh mông, 2 chị em bà Thương, bà Hiền chỉ đủ sức cáng đáng 1 đầm, khu đầm còn lại phải tạm thời cho người khác mượn làm trả sản lượng. Hai chị em cũng phải nhờ một người cháu ngoại làm giúp thêm mới cáng đáng nổi việc trông coi, nuôi thả và thu hoạch đầm vùng.

Các con, cháu ông Vươn đã biết vượt lên học tập trước sự ly tán của gia đình khi vướng vào vòng lao lý - Ảnh MK
Các con, cháu ông Vươn đã biết vượt lên học tập trước sự ly tán của gia đình khi vướng vào vòng lao lý - Ảnh MK 
Do sức khỏe yếu, bà Thương phụ trách việc đưa đón các cháu đi học, nấu ăn và các việc vặt trong nhà. Bà Hiền phải cáng đáng những việc lớn hơn như đầm áng, đối nội, đối ngoại, lo toan việc theo kiện suốt mấy năm kể từ khi xảy ra vụ cưỡng chế Tiên Lãng.

Giờ bà Hiền lại phải lo tính chuyện làm ăn, gom góp để trang trải các khoản nợ của gia đình do việc vay mượn để đắp đầm từ nhiều năm về trước. 
Bà Hiền cho biết, bình quân phải chi cho cả một gia đình mất 30 triệu đồng/tháng, đây là số tiền lớn nên hai người phải gồng mình để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Trước khi chưa xây được nhà trên làng, những ngày mưa bão, hai chị em bà Hiền cùng với đứa cháu ngoại phải chuyển hết trẻ con lên gửi trên làng. Đêm hôm phải mặc áo phao thức trắng đêm lo đầm có bị vỡ không, nước có đang lên ngập lụt không...

Khu đất này trước đây là nhà ông Quý, đã bị đoàn cưỡng chế đập phá ngày 5/1/2015, giờ chỉ còn là đóng đất, cỏ mọc um tùm - Ảnh MK
Khu đất này trước đây là nhà ông Quý, đã bị đoàn cưỡng chế đập phá ngày 5/1/2012, giờ chỉ còn là đống đất, cỏ mọc um tùm - Ảnh MK 
“Nhiều khi đêm mưa bão gió to hai chị em đi trên bờ đầm suýt bị gió cuốn phăng xuống đầm. Nghĩ lại mà thấy sợ. Cũng may nhờ trời, mấy năm làm đầm không bị thất bát, không được thu lớn nhưng cũng có đồng ra đồng vào, đủ trang trải cho việc thăm nuôi ông Vươn, ông Quý trong trại và lo cho các cháu học hành, công việc đối nội, đối ngoại trong gia đình." - bà Hiền chia sẻ.
Con lớn ông Vươn, cháu Đoàn Xuân Quỳnh (SN 1995) đã cùng gia đình vượt qua những năm tháng sóng gió sau vụ cưỡng chế Tiên Lãng và thi đỗ vào trường Đại học Hải Phòng khoa Công nghệ sinh học, hiện đang học năm thứ 3.
Cuối năm 2013, chị em bà Thương, bà Hiền cũng mua được đất, cất được 2 ngôi nhà khang trang cạnh nhau ở thôn chùa Trên, xã Vinh Quang.

“Vì không muốn cho các cháu cứ sống mãi cảnh bờ sông bãi sú nên hai chị em tôi phải cố gắng, cộng với vay mượn thêm bên ngoài để xây được cái nhà cho các cháu ăn ở. Còn chị em tôi cứ chạy đi chạy về từ nhà ra đầm” - bà Hiền chia sẻ.
Hàng chục héc ta đầm vùng gia đình đang chờ ông Vươn, ông Quý trở về cải tạo lại để nuôi trồng thủy sản - Ảnh MK
Hàng chục héc ta đầm vùng gia đình đang chờ ông Vươn, ông Quý trở về cải tạo lại để nuôi trồng thủy sản - Ảnh MK
Bà Hiền cho biết, từ ngày thụ án, hai anh em ở cùng nhau được vài tháng, sau đó ông Vươn chuyển sang K1, ông Quý ở K3 tại trại giam Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh, Hải Dương). Hàng ngày hai anh em làm tiền vàng, tích cực lao động, thực hiện tốt nội quy và các phong trào của trại giam, được cán bộ trại giam và các bạn tù quý mến. 
Sức khỏe của hai anh em ông Vươn, ông Quý vẫn tốt. Ông Vươn thì vẫn lạc quan, vui vẻ khi thấy có người thân đến thăm. Còn ông Quý vẫn giữ tính cách ít nói. 
Bà Hiền cũng cho biết thêm, mỗi lần vào thăm, ông Vươn, ông Quý nói sẽ cố gắng lao động, chấp hành tốt quy định của trại, để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống sau những tháng ngày lao đao vì vướng vòng lao lý.
“Từ ngày biết tin các anh ấy được đề nghị xét đặc xá, gia đình vui lắm. Hai chị em cũng như các cháu mong từng ngày từng giờ. Sau mấy năm thiếu vắng, các cháu sắp được đón bố chúng nó trở về.” - bà Hiền xúc động.
Video: Bức tường 1 tỷ đồng ở Hà Nội sặp bị thu hồi

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn