Ghi chép từ Cambodia: Những mảnh vụn cảm xúc

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 05:56:00 +07:00

"Soursdey thngai thmei". Đó là câu chào khi bắt đầu ngày mới. Và với tôi, nó là một cảm nhận rõ rệt về sự phát triển của Cambodia...

Các thành viên thuộc văn phòng VTC Online tại Cambodia

Soursday, Cambodia!

Căn phòng nơi tôi ở, một cửa sổ lớn ở phía Đông không bao giờ đóng. Tôi thường thức dậy lúc 6 giờ, khi những tia nắng đầu tiên chiếu thẳng vào mặt đánh thức dậy. Kể từ khi sang đây, tôi bỏ thói quen ngủ muộn. Thay vào đó, tôi dậy sớm và bắt đầu ngày mới trên một đất nước mới.

Bữa sáng của tôi thường bắt đầu bằng mỳ tôm mang từ Việt Nam sang. Không phải vì tiết kiệm mà bởi vì nó có vị quen thuộc. Cũng có khi, tôi đổi món bằng hủ tiếu, nếu không thì bằng một chiếc bánh kẹp trong một tiệm fastfood trên đường đến văn phòng. Bước chân vào công ty, các nhân viên người Cambodia thường hay chào nhau “Suorsday” và tôi cảm thấy rất dễ chịu với câu chào ấy.

Văn phòng VTC Online tại Cambodia khởi động từ tháng 9. Vài tháng sau đó tôi chính thức nhận quyết định công tác dài hạn ở đây. Thời gian đầu văn phòng chỉ có 20 nhân viên, trong đó một nửa là người Cambodia. Giờ đây số lượng đó là 40 với chủ chương tăng cường người bản địa, đặc biệt trong mảng marketing, thị trường. Nhân sự Cambodia phần lớn sinh năm 1985, 100% nói tiếng Anh tốt, trong số đó, ¼ quân số là nữ và hầu hết chưa lập gia đình.

Mặc dù các lĩnh vực hoạt động của VTC Online khá mới mẻ, xong các bạn Cambodia của tôi bắt nhịp với công việc khá nhanh và hào hứng. Có một điểm khá đặc biệt là ở Cambodia có rất nhiều ngày nghỉ lễ. Ngày đầu, cứ đến đúng giờ là tất cả nhân viên người Cambodia ra về, và nghỉ trong tất cả các ngày lễ. Càng về sau, hiểu hơn về mục đích và tính chất công việc, họ càng chủ động ở lại muộn hơn để làm việc. Việc làm thêm giờ, làm vào Chủ nhật hoặc ngày lễ đã dần trở nên quen thuộc, điều mà trước đó, với họ là rất khó chấp nhận. Nhìn cảnh tượng các nhân viên ở lại văn phòng và cặm cụi làm việc lúc này, ở đây tôi thấy giống như mình đang ở trụ sở chính của VTC Online tại Hà Nội - Cũng những người trẻ tuổi ấy, cũng nhiệt huyết và sự cần mẫn ấy.

Người Cambodia không ngại học hỏi, cũng không quá giữ ý. Họ thường xuyên hỏi về những điều mình không biết hoặc khác biệt với văn hóa Cambodia ví dụ như văn hóa kinh doanh, cách thức thanh toán tiền, hoặc những hành động cư xử khó hiểu của đồng nghiệp người Việt. Đặc biệt, họ rất chịu khó tranh thủ học tiếng Việt thông qua giao tiếp hàng ngày. Một số học rất nhanh, nói và nghe tiếng Việt thành thạo. Vài nhân viên Cambodia của tôi có cha mẹ hoặc ông bà đã từng sống, học tập ở Việt Nam. Điều đó càng thôi thúc họ học tiếng Việt. Ngược lại, chúng tôi cũng tranh thủ học tiếng Cambodia, tất nhiên chưa thể thành thạo được.

Tom, một người bạn khá thân với tôi nói tiếng Việt không khác gì người Việt nói tiếng Việt. Cậu từng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Cùng với Tom, ở công ty cũng có một số người Cambodia có vợ là người Việt Nam. Điều đó dường như khiến giữa chúng tôi có một sợi dây gắn kết thân hữu nào đó. Họ đều là những người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều ngày từ thuở VTC Online mới đặt những viên gạch đầu tiên trên đất nước Cambodia.

Một ngày của tôi thường kết thúc lúc 8h tối. Sau đó, mọi người cùng chờ nhau về. Ở nhà đã có một cô giúp việc giúp chúng tôi dọn dẹp và nấu nướng chờ sẵn. Thỉnh thoảng chúng tôi đổi gió, ra ngoài ăn món Nhật hoặc Hàn, hay ăn món bò nướng rất nổi tiếng ở Cambodia. Sau khi ăn xong chúng tôi ai rút về phòng người đấy. Thi thoảng, một bạn người Cambodia tên là Kaeo lại đến đón chúng tôi đi chơi, ăn kem. Tôi thì thích ra ngoài sau 10h tối, ra bờ sông uống bia, chơi bi a, nghe một band nhạc Philipine... Trong mắt mọi người, tôi là gã hay “lọ mọ” nhưng quan điểm của tôi đi cũng giúp ích rất nhiều cho công việc, đặc biệt trong lĩnh vực giải trí và dịch vụ. Chúng tôi cũng tranh thủ đi du lịch để thêm hiểu biết. Tôi đến Angko Wat 3 lần, ngoài ra cũng đi nhiều tỉnh khác của Cambodia. Tất cả đều rất thú vị!

 

 Một buổi Party

Phnom Penh - ấn tượng khó phai

Thời gian đầu khi mới sang, tôi dành nhiều thời gian để đi tất cả các ngóc ngách của Phnom Penh. Nhớ mãi lần đi thuê xe máy. Chủ cửa hàng tưởng tôi là người Hàn Quốc nhưng khi xem hộ chiếu, họ quyết định không cho tôi thuê nữa. Hỏi ra mới biết là người Việt Nam sang thuê xe và đi mất nhiều quá. Một ấn tượng khiến tôi không khỏi buồn. Về sau, tôi nhờ một người bạn Cambodia thuê hộ, một con Crossbike, xe cào cào, tôi đi tất cả các ngóc ngách từ chợ đến siêu thị, từ những khu văn phòng sạch sẽ, sang trọng đến các khu lao động nhếch nhác...  Và hết một tuần thì có một cảm nhận rõ ràng về Phnom Penh. Đó là nơi có một sức phát triển rất rõ rệt. Bất cứ một nhà đầu tư nào cũng có thể nhìn ra điều ấy. Nó giống hệt như cảm giác về Đà Nẵng ở Việt Nam vậy. Nhớ lại, trước đó cách đấy một tuần, lần đầu tiên tôi sang Cambodia đã có một kết luận vội vàng rằng, Phnom Penh giống Sài Gòn nhưng nhỏ hơn. Sau này nhìn lại, mới thấy rằng kết luận đó là sai. Đa phần người Việt Nam chỉ biết đến Cambodia qua bóng đá. Những thông tin về sự bất ổn của trật tự xã hội từ 3, 4 năm về trước chỉ là do nhiều người thích thêu dệt truyền cho nhau nghe.

Thực tế Cambodia có rất nhiều điểm tiến bộ đáng học tập. Ví dụ như ý thức công cộng của người Phnom Penh rất tốt, trong cả vệ sinh đường phố và giao thông. Người Cambodia cởi mở mà chừng mực chứ không vồ vập để rồi sau đó thờ ơ như người một số nước. Có thể thấy ngay là nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc trên đất nước này một cách thực sự. Họ được tạo điều kiện như một người dân Cambodia thứ thiệt.

Cambodia rất sẵn sàng cho quốc tế hóa nhưng các giá trị truyền thống cũng được duy trì rất tốt, đặc biệt là trong kiến trúc và sinh hoạt. Vừa rồi tôi đi dự đám cưới của một cậu trong công ty, rất vui. Nhà chú rể cách thành phố 40km, phải đi qua đò. Cô dâu và chú rể mặc đồ truyền thống rất đẹp. Đám cưới của người Cambodia như tôi đã chứng kiến khá đơn giản nhưng vui vẻ. Mỗi người đến dự đám cưới đều nhận được một chiếc nồi be bé bằng đất trong đó có kẹo để tượng trưng cho sự ngọt ngào và hạnh phúc. Cô dâu và chú rể đi 3 vòng quanh một chiếc bàn trên đó có dừa, nhãn, mít, chuối. Nghe cha mẹ dặn dò, bóc nhãn cho nhau ăn. Sau đó tất cả mọi người nhảy múa quanh chiếc bàn đó, ăn uống no say, chụp ảnh cùng cô dâu chú rể, rồi bắn pháo hoa.

Ở Phnom Penh rất ít hàng quán cafe và không có quán vỉa hè như ở Việt Nam. Các hàng cafe chủ yếu dành cho khách nước ngoài và đều tập trung ở một nơi. Dân Cambodia ít có thói quen uống cafe ở ngoài hàng, họ có một thắc mắc là tại sao người dân Việt Nam hay uống cafe đến thế. Các quán bia riêng biệt cũng không có, không có luôn cả những quán nhậu độc quyền của đàn ông. Thay vào đó là những hàng cơm gia đình hoặc cho một nhóm bạn. Ở đây, phổ biến nhất là các tiệm fastfood. Các quán hàng đêm, cafe, bar, pub tập trung ở khu vực bờ sông chủ yếu dành cho khách du lịch. Số quán ăn đêm rải rác trong thành phố phần nhiều là của người gốc Hoa mở. Con gái nhà lành thường về nhà trong khoảng từ 8 giờ đến 8h30 tối. Nam nữ ít thân mật ở những nơi công cộng. Nhưng đó là trước đây, bây giờ thời gian đó có thể lùi xuống 9 giờ đến 10 giờ và cũng có những con đường dành cho các đôi tình nhân.

Những lúc thảnh thơi sau giờ làm việc, nhìn Phnom Penh lên đèn, tôi lại nhớ Hà Nội, Việt Nam da diết, nhớ những nơi bạn bè thân hữu hay tụ tập. Rồi những lúc uống bia trong những pub kiểu Âu hoặc bia chai nhà hàng lại thấy thèm một cốc bia hơi ở một góc nhỏ Hà Nội kinh khủng. Tôi chợt nhận ra rằng, nếu có ngày nào đó phải rời xa Cambodia, tôi cũng sẽ nhớ nhiều như thế, đất nước này, những con người này.

 
Hà Hùng từ Cambodia - H.T ghi

Bình luận
vtcnews.vn