(VTC News) – Hoàng Thị Diệu Thuần, tác giả tự truyện “Như hoa hướng dương” vừa được ghép thành công tủy từ anh trai.
Sinh năm 1987 tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Nghệ An, Diệu Thuần luôn phải vượt khó trên con đường học tập và luôn nuôi trong mình những ước mơ cháy bỏng về tương lai. Thuần từng là học sinh chuyên Nga, và thi đỗ vào Ðại học Quốc gia Hà Nội. Diệu Thuần tặng cuốn tự truyện cho GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW
Khi mới bước chân vào năm đầu tiên ĐH, cô phát hiện ra mình bị ung thư máu.Từ đó đến nay đã 7 năm chiến đấu với bệnh ung thư máu.
Diệu Thuần bị bệnh Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, một dạng ung thư máu hay còn gọi là bệnh máu trắng. Đặc trưng của bệnh là tổn thương nhiễm sắc thể đặc hiệu PH1, do đột biến gene.
Và cơ hội duy nhất của Thuần là ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy). Tuy nhiên, ghép tế bào gốc tạo màu đồng loại tỷ lệ thành công 60-70%, tỷ lệ biến chứng cũng lên đến 30%.
Bản thân Thuần đã từng gặp được một nhà văn Israel nhận lời giúp đỡ Diệu Thuần qua đất nước này để điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Anh trai của Diệu Thuần sẵn sàng hiến tế bào gốc cho em gái.
Tuy nhiên, chỉ số giữa người cho và người nhận đạt 5/6 allen, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho yêu cầu cấy ghép (chỉ số 6/6 allen là chỉ số tương đồng hoàn toàn, an toàn cho việc cấy ghép). Bệnh của em lại nặng nên cuối cùng không được ghép.
15/9/2012, viện Huyết học và truyền máu vẫn tiến hành ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân. Diệu Thuần
Sau ghép 15 ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy có xuất hiện mọc các mảnh ghép mới. Theo dõi tiếp sau 30 ngày ghép, các xét nghiệm tủy đều cho kết quả khả quan. Các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần như bình thường, đặc biệt xét nghiệm về tổn thương di truyền như cấy nhiễm sắc thể tủy PH1 âm tính.
Hôm nay, Thuần được xuất viện nhưng vẫn tiếp tục điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Đồng thời, trong 3 tháng đầu thì định kỳ kiểm tra 2 tuần một lần, sau đó là hàng tháng. Sau 6 tháng ổn định bệnh nhân sẽ được dừng thuốc và sẽ chỉ theo dõi các xét nghiệm.
Cách đây vài ngày, bệnh nhân Lê Thị Phương 44 tuổi ở Hà Nội được ghép tế bào gốc từ em gái cũng đã xuất viện.
Chị Phương nhập viện trong tình trạng giảm tiểu cầu và xuất huyết dưới da, qua các xét nghiệm bệnh nhân được xác định là bị Lơxêmi cấp thể M2 (Ung thư máu) và được điều trị 03 đợt hóa chất, sau đó bệnh nhân được tiến hành ghép tủy lấy từ người cho là người em ruột.
Sau hơn hai tháng nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Ghép tế bào gốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hôm nay 2/11/2012 bệnh nhân Lê Thị Phương được xuất viện trong niềm vui sướng của gia đình và người thân.
Theo Th.S. Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ: “Ung thư máu chiếm khoảng 50% trong các bệnh về máu. Ngày trước bệnh nhân ung thư máu thường điều trị hóa chất liều cao, liều càng cao thì hiệu quả càng tốt, nhưng nó là con dao 2 lưỡi, có thể tốt đối với người khỏe mạnh, nhưng cũng có thể gây tử vong với người yếu. Việc ghép tề bào gốc giúp giảm tác dụng phụ và vẫn đạt tối đa tác dụng chính.
Đặc biệt, nếu bệnh nhân ung thư máu chỉ điều trị hóa chất liều cao thì có thể kéo dài sự sống thêm 5 năm đạt 30%, còn dùng phương pháp này thì bệnh nhân sống được thêm 5 năm đạt 60%”.
Cho đến tháng 10/2012 Viện Huyết học – Truyền máu TW đã ghép được 50 ca (trong đó ghép Tế bào gốc tự thân là 40 ca, ghép Tế bào gốc đồng loại là 10 ca). Nhiều bệnh nhân sau khi ghép một năm, hai năm … thậm chí là 6 năm vẫn còn ổn định, có thể trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Nam Anh
Bình luận