• Zalo

Ghép gan cấp cứu người bệnh chỉ còn thời gian sống 1 tuần

Tin tứcThứ Sáu, 25/03/2022 14:37:29 +07:00Google News
(VTC News) -

Ekip phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City vừa trải qua ca phẫu thuật “cân não” để giành lại sự sống cho bệnh nhân viêm gan cấp và suy gan.

Chỉ trong 1 tháng, dồn dập quá nhiều sự kiện đến với anh Nguyễn Bá Thắng (40 tuổi, ở thôn Bằng Lục, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Bệnh viêm gan cấp do virus viêm gan B bất ngờ chuyển nặng do bị gián đoạn uống thuốc một thời gian.

Các phương pháp điều trị nội khoa như dùng thuốc hỗ trợ gan và lọc máu đều không ngăn được tiến triển thành suy gan nhanh chóng. Cơ hội sống duy nhất cho anh Thắng là phải được ghép gan sớm, thời gian tối đa là một tuần kể từ khi bị suy gan cấp. Nếu không người bệnh sẽ có các diễn biến nặng như suy đa tạng, nhiễm trùng, hôn mê, khả năng tử vong là trên 90%.

Ranh giới sinh tử

Ở thời điểm mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tấc ấy, con gái lớn của anh Thắng là cháu Nguyễn Thị Thùy Linh (19 tuổi) đã sẵn sàng hiến một nửa lá gan cho bố khi biết mình có các chỉ số phù hợp. Với sự chuẩn bị khẩn trương của toàn bộ ekip, ca ghép đã được thực hiện vào thời gian vàng.

Ghép gan cấp cứu người bệnh chỉ còn thời gian sống 1 tuần - 1

Ekip ghép gan Vinmec đã có một ca cắt gan “cân não” để đảm bảo vị trí cắt gan không được sai sót, dù chỉ vài milimet.

Thách thức đặt ra là người cho gan chỉ nặng 40kg, vì thế lá gan có trọng lượng nhỏ, mảnh gan của con gái anh Thắng chỉ có thể hiến tối đa là 500gram. Người bố có cân nặng hơn 70kg chênh lệch khá nhiều, nên phần gan nhận cũng là trọng lượng gan tối thiểu đạt được.

Do đó, ekip ghép gan của Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City đã trải qua một ca cắt gan “cân não” để đảm bảo vị trí cắt gan không được sai sót, dù chỉ vài milimet, an toàn cho cả người cho và có khối lượng gan vừa đủ cho người nhận.

Sự hồi phục kỳ diệu đã bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên sau ca ghép kéo dài hơn 7h đồng hồ. Sau mổ 1 ngày, anh đã được ăn và đi lại trong phòng bệnh, bắt đầu tập phục hồi chức năng, trong khi bình thường sẽ mất 3 ngày. Sau 1 tuần, men gan – một trong các chỉ số quan trọng nhất đánh giá chức năng gan của anh đã trở về gần như bình thường.

Ghép gan cấp cứu người bệnh chỉ còn thời gian sống 1 tuần - 2

Chỉ 1 ngày sau ca ghép gan kéo hơn 7 tiếng, anh Nguyễn Bá Thắng đã khỏe khoắn và bắt đầu tập luyện phục hồi chức năng.

Sự hồi phục vượt hơn cả mong đợi của người bệnh và của cả các bác sĩ. “Tuy nhiên, đây cũng là kết quả tất yếu từ một ca ghép được hội tủ đủ 3 yếu tố: Ghép đúng thời điểm; phần gan cho có khối lượng và chức năng vừa đủ cho người nhận; và đặc biệt là ca ghép được thực hiện trong điều kiện tối ưu cùng kỹ thuật hoàn hảo bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm ghép gan hàng đầu ở Việt Nam và mang tầm thế giới”, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Đức Dũng, phẫu thuật viên ghép gan tại Bệnh viện Vinmec Times City chia sẻ.

Thời gian phục hồi kỷ lục

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Đức Dũng, Trung tâm ghép gan Bệnh viện Vinmec Times City, thông thường thời gian phục hồi sau ghép gan khoảng 1 tháng, hoặc sớm nhất cũng phải 3 tuần. Đây là thời gian người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt trong môi trường vô trùng để tránh nhiễm khuẩn, được theo dõi chặt chẽ để đánh giá thích ứng của phần gan ghép với cơ thể mới, và đề phòng cũng như xử lý sớm các biến chứng có thể xảy ra.

Chỉ khi các chỉ số lâm sàng và sinh học cho thấy gan ghép đã hoạt động bình thường và an toàn, không có thải ghép cấp, người bệnh mới được xuất viện. Với ca ghép gan của anh Thắng, thời gian hồi phục sau mổ và xuất viện đạt “kỷ lục” với 2 tuần sau ghép.

Ghép gan cấp cứu người bệnh chỉ còn thời gian sống 1 tuần - 3

Cháu Nguyễn Thị Thùy Linh - con gái và là người cho bố gan (thứ 2 từ trái sang) dù hiến tối đa trọng lượng gan cho phép cũng đã nhanh chóng hồi phục và trở lại sinh hoạt học tập bình thường. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Sức khỏe của bố cháu đã hồi phục nhanh chóng, có thể tự sinh hoạt, ăn uống và đi lại bình thường, da dẻ cũng trở nên tươi tắn hơn. Nếu không nhìn vào số thuốc uống hằng ngày, dường như chẳng có thể nhận ra là bố vừa trải qua ca ghép gan” - cháu Nguyễn Thị Thùy Linh, con gái anh Thắng chia sẻ. Hiện tại người cho gan “nhỏ bé” này cũng đã bình phục hoàn toàn sức khỏe, trở lại học tập và sinh hoạt của một sinh viên.

Ghép gan cấp cho bệnh nhân suy gan như trường hợp của anh Thắng là một trong những phẫu thuật phức tạp nhất trong ghép gan hiện nay. Để thực hiện được, cơ sở y tế không chỉ cần có các trang thiết bị phẫu thuật hiện đại, các dụng cụ vi phẫu tối tân mà còn phải hội tụ được các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về ghép gan và đặc biệt là có những điều kiện hồi sức sau ghép tốt nhất.

Ghép gan từ người cho sống từ năm 2017, đến nay, Vinmec đã thực hiện thành công hơn 40 ca ghép phức tạp với người bệnh ở nhiều lứa tuổi và bệnh lý khác nhau. Trong đó, có các ca ghép gan tối cấp, cho người nước ngoài, cho bệnh ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối, cho trẻ dưới 10kg, hoặc các ca ghép đặc biệt cho bệnh nhân bất đồng nhóm máu mà rất ít nơi ở Việt Nam thực hiện được. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên có kỳ tích, người bệnh sau ghép gan ở Vinmec cũng như ở Việt Nam có sự hồi phục kỳ diệu, thời gian nằm viện chỉ 2 tuần.

Những thành tựu vượt bậc này là kết quả của quá trình nỗ lực tiếp cận các kỹ thuật ghép gan tiên tiến của các bác sĩ Vinmec và các chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam, như TS.BS Lê Văn Thành, Phó Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật gan mật tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sự kết hợp này đã góp phần đưa Vinmec trở thành một trong 2 Trung tâm ghép gan hàng đầu ở Miền Bắc về ghép gan từ người cho sống, hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm ghép gan hàng đầu ở Việt Nam và khu vực.

Hiện nhu cầu ghép gan ở Việt Nam rất lớn, khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan nhưng mới chỉ có hơn 300 người được ghép. Như vậy, tỷ lệ người bệnh được ghép gan tại Việt Nam còn quá thấp. “Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, góp phần xây dụng và phát triển chuyên ngành ghép gan tại Việt Nam, chiến lược của Vinmec là đẩy mạnh chương trình ghép gan.

Vinmec áp dụng các kỹ thuật ghép gan tiên tiến nhất hiện nay nhưng phù hợp với tập quán, quan niệm về việc cho tạng của người Việt để mang lại cuộc sống cho những người bệnh mắc căn bệnh hiểm nghèo này, từng bước khẳng định vị thế về ghép gan của nền y học Việt Nam trong khu vực và thế giới” – PGS. TS. BS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chia sẻ.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn