• Zalo

Ghen tỵ với cô gái Việt được chồng đón mẹ vợ sang Hàn Quốc chăm khi ốm nghén

Đời sốngThứ Tư, 13/12/2017 13:00:00 +07:00Google News

Câu chuyện này là minh chứng cho việc, không phải cứ lấy chồng xa là khổ.

Thông tin về người kể chuyện

Bạn Thương  

Tuổi 25

Địa chỉ: Hàn Quốc

Được chính anh rể của mình giới thiệu, Thương đã gật đầu cái rụp trước lời lời mời làm quen của chàng trai Hàn Quốc. Nhưng  chính cô cũng không ngờ rằng mình sẽ gật đầu lấy anh và lên máy bay sang xứ kim chi chỉ sau vài tháng yêu nhau. Cô kể: “Anh rể em làm việc bên Hàn vài năm, có quen với chồng em. Anh ấy giới thiệu  chồng em với em.

Khi chồng em sang Việt Nam du lịch thì chúng em gặp và yêu nhau. Anh ấy không xin nghỉ phép được nhiều nên thời gian gặp nhau ở Việt Nam cũng hạn chế lắm. Hai đứa em chỉ đi chơi loanh quanh Hà Nội thôi. Có anh rể em bảo lãnh, vả lại nhìn anh ấy hiền khô nên em yêu và nhận lời cưới anh ấy mà không lăn tăn gì. Bố mẹ em mặc dù không thích con gái lấy chồng xa nhưng mà chiều em nên cũng đồng ý”.

Sang Hàn Quốc, ai cũng ngỡ Thương sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí phải đương đầu với mẹ chồng khó tính như trong phim. Nhưng trái  ngược lại với những điều đó, cô gái Bắc Ninh gặp may mắn bất ngờ. “Mẹ chồng em y như mẹ chồng trong các phim Hàn mà mình hay xem ấy chị ạ. Nhưng không phải những bà mẹ đóng vai ác mà là mẹ chồng quốc dân ấy.

Lần đầu tiên gặp em bên này, bà còn ôm em khóc. Bà bảo bà thương em lắm vì em lấy chồng xa, sợ em tủi thân. Hồi em cưới thì trời bên này lạnh lắm, tuyết rơi dày, buổi sáng, em cũng ráng dậy sớm để phụ mẹ chồng em nấu đồ ăn sáng nhưng bà không cho. Bà bảo em chưa quen thời tiết, sợ em ốm, bắt em đi ngủ tiếp. Tất nhiên là mẹ cũng hướng dẫn em làm đồ ăn Hàn và dậy em một số nét văn hóa đặc trưng của Hàn. Nhưng chồng em mua nhà riêng nên em cũng không ở chung với mẹ, chỉ thỉnh thoảng em về mẹ chơi thôi”, Thương tâm sự.

Vì không ở chung với mẹ chồng nên người gần gũi và giúp Thương nhiều nhất để làm quen với môi trường sống mới chính là chồng của cô. Là một người khá chu đáo, tỉ mỉ, chồng của Thương đã hướng dẫn cô từ cái nhỏ nhất như sử dụng các thiết bị điện, cách tiêu tiền, các dùng thẻ, tiền mặt tới cách ứng xử với người khác, bố mẹ chồng trong nhà, mẹ chồng vì văn hóa khác nhau.

Sự quan tâm, chăm sóc của chồng Thương càng lớn dần khi cô có bầu bé đầu tiên. Thương chia sẻ: “Hồi em mang bầu bé đầu, em nghén nặng lắm. Ba tháng đầu, em chỉ ăn được cháo trắng và uống nước lọc. Có hôm, em uống nước lọc cả ngày luôn.

Em bị sút tận 7 cân, sau nghén nặng tới nỗi em phải vào bệnh viện truyền nước. Mãi thì tình trạng nghén cũng đỡ hơn, em bắt đầu ăn uống lại được. Chồng em thương em nên bảo lãnh cho mẹ đẻ em sang chăm em và mẹ ở với em tới tận bây giờ (3 năm) luôn. Thế nên, mặc dù lấy chồng xa mà có mẹ ở cạnh nên em cũng vơi nỗi nhớ nhà. Tới ngày em đi viện sinh bé, chồng em lo từ A tới Z. Mẹ em không phải kèm em vào viện luôn”.

Chồng của Thương luôn yêu thương cô hết mực

Nói tới chuyện chăm vợ khi đi đẻ, hẳn hội chị em sẽ ghen tị với Thươnglắm vì chồng của cô đã dành cho cô sự trân trọng, yêu thương đặc biệt. “Ngày em đi đẻ, vào viện, bác sĩ bảo mở được 2 phân rồi, em được cho nằm truyền nước. Nằm đến gần  nửa đêm, em kêu đau bụng, chồng em đi gọi bác sĩ. Họ khám xong lại tiêm giảm đau nhưng không có tác dụng, em vẫn đau lắm.

Chồng em lại đi gọi bác sĩ, gần 3h sáng có một bác sĩ và 3 cô y tá vào thăm khám rồi em có cơn rặn nhưng em rặn mà con không ra. Mỗi lần em đau, chồng em lại mếu vợ ơi vợ cố lên. Sau, mãi chưa đẻ thường được, bác sĩ bảo nếu nốt lần này mà chưa ra thì phải mổ cấp cứu. Nghe thấy thế, chồng em khóc luôn, bảo em rằng  cố lên nhé, nốt lần này nữa thôi. Lúc ấy, có một cô y tá trèo hẳn lên giường, giang chân vòng qua người em để đầy thai xuống mà cũng không được. Vậy là quyết định mổ.

Khi  được đẩy sang phòng mổ, chồng em đi theo sau, cứ nức nở nhắc em cố lên nhé. Sang phòng mổ, em vẫn đòi có rặn thêm lần nữa, cả ekip đồng ý. Vậy là em lại nín thở, lại hít và rặn nhưng con không ra. Rồi bác sĩ bảo là thôi được rồi. Sau câu nói ấy, em chỉ thấy hơi nhói, rồi em buồn ngủ quá nên thiếp đi, chẳng biết gì nữa. Đến sáng, khi em thức dậy, chỉ thấy chồng em đang nắm tay em.

Em hỏi anh con đâu mà anh bảo anh không biết, y tá bế đi rồi, anh chỉ sợ em không tỉnh lại. Nói xong thì anh rơm rớm nước mắt. Em xúc động quá, chẳng biết nói gì, nhắc anh đi ngủ chút vì anh vất vả rồi mà anh bảo em là anh không sao, anh thương em vì em vất vả. Những ngày ở viện, em bị đau vết mổ, không làm gì được, anh ấy là người đã chăm sóc, vệ sinh cá nhân, gội đầu cho em”, Thương nhớ lại lần sinh bé khỉ đầy kỉ niệm của mình.

Không giống một số ông chồng chỉ chực trờ con sinh ra mà quên mất mẹ, chồng của Thương đã dành sự quan tâm, lo lắng tới cô đầu tiên rồi mới tới con. Điều này, khiến cô rất cảm động. Tuy nhiên, không phải chồng của My quên hẳn con trai của cả hai. Sau đó, anh vẫn dành thời gian cùng Thương chăm sóc, nuôi dạy bé.

Thương kể “Khi bé về nhà, anh ấy lên công ty, hỏi thăm bạn bè xem sữa nào tốt để cho bé dùng. Sữa non, men tiêu hóa, toàn là anh ấy mua cho con. Rồi đi làm về là xem bỉm, sữa của con, tắm cho con nữa. Đồ chơi, sách vở cũng mua nhiều lắm luôn. Con mới có 7 tháng mà anh ấy mua bộ sách hẳn 14 triệu làm em xót ví quá”.

Bé  đầu nhà Thương nay đã được hơn 1 tuổi

Vừa rồi, Thương có bầu bé thứ 2, lại bị nghén nặng như lần trước, vậy là chồng của cô đặt vé cho hai mẹ con cô về Việt Nam chơi khoảng 2 tháng. Tới khi sang Hàn thì chồng của cô lại về đón hai mẹ con cô sang chứ không để cô lẻ loi một mình. Bất chấp chi phí đi lại, sinh hoạt, nuôi con khá tốn kém, chồng của Thương vẫn động viên cô ở nhà chăm con, không cho cô đi làm.

Video: Bi kịch giấc mơ đổi đời 'lấy chồng nước ngoài' của các cô dâu Việt

Cô kể lại: “Chồng em bảo giờ em đi làm thì vất vả lắm, em cứ ở nhà nuôi con, anh vẫn lo được, khi nào con cứng cáp thì em đi làm sau cũng được. Vậy nên, mặc dù sang đây 3 năm rồi nhưng em vẫn ở nhà thôi. Nếu rảnh thì em hẹn bạn bè gặp gỡ cho vui. Tuy em ở nhà nhưng anh tôn trọng em lắm. Đi làm về, anh vẫn giúp em việc nhà như đổ rác, bấm máy giặt rồi phụ em chăm con, thay bỉm tã, tắm cho con mà em sợ anh mệt, em cũng không cho anh làm nhiều”.

Cậu bé có nét đẹp lai khá ấn tượng

Mặc dù khác biệt về văn hóa nhưng chồng của Thương lại rất nịnh và chiều vợ. Anh chàng chẳng bỏ cơm nhà bao giờ và tuyên bố chỉ thích ăn cơm vợ nấu chứ không la cà hàng quán. Thậm chí, chồng của cô còn tin tưởng để cô dùng tông đơ cắt tóc cho mà không sợ xấu.  

Có một người chồng chuẩn Hàn như vậy nên Thương hạnh phúc chia sẻ: “Hiện tại thì em hoàn toàn hài lòng về cuộc hôn nhân của mình. Em thấy em may mắn khi gặp được anh, được anh yêu. Vậy nên, dù lấy chồng xa nhà nhưng em không thấy cô đơn, tủi thân gì”.

Nếu cô gái nào khi lấy chồng xa, ốm nghén mà cũng được chồng quan tâm, đón mẹ đẻ tới chăm sóc thì tuyệt vời làm sao, phải không các chị em? Và tất nhiên, cũng chẳng có bố mẹ nào không lỡ cho con lấy chồng xa nếu như có một cậu con rể chu đáo, quan tâm tới con gái mình như thế.

(Tên người kể chuyện đã được thay đổi để bảo mật thông tin cho người kể chuyện. Ảnh trong bài do NVCC)

PHƯƠNG LINH
Bình luận
vtcnews.vn