Vị trí Bộ trưởng GD&ĐT luôn “nóng”, bởi giáo dục là chuyện của mọi người, mọi nhà, là quốc sách hàng đầu và là tương lai đất nước. Vậy nên, việc PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2021-2025 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Việt Nam ở đâu trên bản đồ giáo dục thế giới?
Đánh giá một cách công tâm, 5 năm qua, giáo dục - đào tạo có những bước tiến không thể phủ nhận. Ngành giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; triển khai chương trình-sách giáo khoa mới; đổi mới công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá; tự chủ đại học được đẩy mạnh…
Nhưng, giáo dục - đào tạo 5 năm qua cũng không ít lần khiến niềm tin trong dư luận bị lung lay. Đại án gian lận thi cử năm 2018 làm lộ những đường dây chạy điểm mà “đạo diễn” chính là quan chức và những người làm giáo dục.
Những kẽ hở trong quản lý đào tạo dẫn đến bê bối mua - bán bằng cấp như xảy ra tại đại học Đông Đô, sự vội vàng và quá trình thẩm định không kỹ lưỡng dẫn đến sách giáo khoa mới phải sửa giữa năm học; bệnh thành tích, bạo lực học đường vẫn nhức nhối trong trường học…
Những bê bối trong lĩnh vực giáo dục, những hạn chế, bất cập trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới khiến dư luận hoài nghi, bức xúc. Ngày 29/3, tại phiên góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu quốc hội tỉnh An Giang đánh giá: “Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là hàng đầu nhưng kết quả giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của Chính phủ 2016 – 2021”.
Chặng đường 5 năm tới 2021-2025 được xem là giai đoạn quan trọng đối với giáo dục nước nhà khi không chỉ thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng là “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” mà quan trọng hơn nữa là lấy lại niềm tin của dư luận. Thách thức này đặt lên vai tân tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần có một sự đánh giá toàn diện về giáo dục nước nhà. Cần xác định, giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ giáo dục khu vực và thế giới. Cần chỉ rõ những hạn chế của giáo dục Việt Nam trong đó có việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Dưới góc độ là giáo viên phổ thông, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) không đặt quá nhiều kỳ vọng vào những đổi mới mà mong muốn tân Bộ trưởng GD&ĐT luôn lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện mang tính xây dựng của nhân dân, của đội ngũ các nhà giáo.
Nhìn lại những chính sách giáo dục được ban hành trong nhiệm kỳ 2016-2021, thầy Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT và tân Bộ trưởng cần rút kinh nghiệm. Trước khi ban hành những văn bản, thông tư cần có sự tham vấn rộng rãi và mọi quyết sách cần xuất phát từ thực trạng giáo dục Việt Nam để những quyết sách không xa rời thực tiễn.
Lập lại trật tự liêm chính trong học thuật
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, một trong những bất cập của giáo dục hiện nay là vấn đề liêm chính trong học thuật từ bậc phổ thông đến sau đại học.
Bệnh thành tích, thiếu trung thực trong giáo dục vẫn nhức nhối. Bằng giả, bằng thật, mua bán điểm vẫn xảy ra. Điều đáng tiếc theo TS Hoàng Ngọc Vinh nếu chúng ta quyết liệt, làm triệt để phong trào “2 không” trong giáo dục được khởi xướng từ những năm 2006-2007: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích thì giáo dục Việt Nam đã tiến rất mạnh.
“Chúng ta cần kiên quyết lập lại trật tự liêm chính trong học thuật từ phổ thông đến bậc sau đại học. Dù việc làm này có thể rất đau, đụng chạm lợi ích nhưng phải làm. Bởi nếu giáo dục không dạy người ta sự trung thực, liêm chính thì ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ và đất nước sau này”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Mong Bộ trưởng gỡ khó cho giáo viên
Trước hàng loạt những thách thức đặt ra với tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng, điều quan trọng nhất là Bộ trưởng cần tạo được sự đồng lòng, đồng thuận của đội ngũ nhà giáo.
“Bộ trưởng cần quan tâm đặc biệt đến cuộc sống của giáo viên. Ở đây không chỉ là câu chuyện lương, thưởng mà cả những áp lực mà giáo viên đang phải đối mặt. Áp lực sổ sách đã thực sự đã được giảm chưa? Những quy định hiện nay đã thực sự gỡ khó cho giáo viên chưa? Mong một Bộ trưởng gỡ khó cho giáo viên”, TS. Lê Thống Nhất nhấn mạnh.
Là người luôn theo sát đời sống giáo dục, TS Lê Thống Nhất cũng kỳ vọng, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ quản lý giáo dục. Phải tạo được đội ngũ các hiệu trưởng giỏi. “Giáo dục Việt Nam sẽ tiến lên nếu như Hiệu trưởng các trường phổ thông là những người giỏi. Hiệu trưởng giỏi sẽ tạo ra sự bứt phá ở mỗi ngôi trường phổ thông”, TS Lê Thống Nhất chia sẻ.
Giáo viên là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng quyết định thành công đổi mới giáo dục. Do vậy, ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo giáo viên. Cùng với việc sắp xếp, đầu tư thích đáng cho hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên thì cần có chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút được người tài, người giỏi theo học các trường sư phạm.
Bình luận