• Zalo

‘Ghẻ lạnh’ vàng, dân Việt vẫn ‘đút túi’ hơn 32.000 tỷ đồng

Kinh tếThứ Năm, 14/07/2016 07:28:00 +07:00Google News

Thị trường vàng hết sốt nóng, người dân Việt “ghẻ lạnh” vàng nhưng vẫn “đút túi” hơn 32.000 tỷ đồng từ một kênh đầu tư khác.

Kể từ ngày 24/6 – thời điểm người dân Anh đi bầu cử và chọn Brexit (Anh rời liên minh châu Âu), giá vàng tăng vọt, thị trường vàng sôi sục. Mọi con mắt ở khắp nơi trên thế giới đều đổ dồn vào kim loại quý này. Lượng giao dịch tăng vọt, trong đó mua vào chiếm ưu thế.

Thế nhưng trong mấy phiên trở lại đây, khi giá vàng sụt giảm thê thảm, người dân lại “ghẻ lạnh” với vàng. Theo đánh giá của công ty vàng bạc đá quý DOJI, hiện tại, nhà đầu tư đã khép lại trạng thái, sau những đợt  sóng vàng dâng cao ở những phiên trước.

Điều này khiến các giao dịch phát sinh trong ngày tương đối mờ nhạt. Thị trường vàng đan xen ở cả chiều mua và chiều bán nhưng phần lớn tập trung là những giao dịch nhỏ lẻ. Sự vắng bóng các nhà đầu tư trong hai phiên trở lại đây được ví như trạng thái tạm thời nghỉ ngơi sau một tuần phải “cân não”.

tien-vang

‘Ghẻ lạnh’ vàng, dân Việt vẫn ‘đút túi’ hơn 32.000 tỷ 

Trong bối cảnh thị trường vàng bị “ghẻ lạnh”, mọi sự chú ý lại dồn sang thị trường chứng khoán. Đua với sự tăng tốc của chứng khoán thế giới (đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ), thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lập các kỷ lục mới.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, chỉ số VN-Index tăng 16,22 điểm, tương ứng 2,46% lên 675,12 điểm. Đây là mức cao nhất của VN-Index trong 8 năm trở lại đây. Điều đáng nói, đầu phiên, VN-Index đi lên khá nhẹ, chỉ tăng 3,14 điểm.

Nhờ VN-Index tăng rất mạnh, trong phiên 13/7, vốn hóa thị trường của sàn Tp.HCM tăng 32.607 tỷ đồng lên 1.357.665 tỷ đồng. Đây cũng là mức vốn hóa cao nhất sàn TP.HCM trong vài năm trở lại đây.

Cổ phiếu ngân hàng, trong đó phải kể đến hai đại diện tiêu biểu là CTG của Vietinbank và VCB của Vietcombank đóng góp lớn cho đà tăng mạnh của VN-Index. CTG và VCB là hai cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi tăng trần trên sàn TP.HCM.

Đóng cửa phiên 13/7, CTG tăng 1.200 đồng/CP lên 18.900 đồng/CP. CTG giúp vốn hóa thị trường Vietinbank tăng 4.468 tỷ đồng lên 70.372 tỷ đồng. Đây là mức vốn hóa lớn nhất của Vietinbank trong nhiều tháng trở lại đây.

Trong khi đó, cổ phiếu VCB cũng lập kỷ lục về giá sau khi VCB tăng trần, tăng 3.500 đồng/CP lên 57.500 đồng/CP. Chỉ trong phiên 13/7, VCB giúp vốn hóa thị trường Vietcombank tăng 9.328 tỷ đồng lên 153.239 tỷ đồng.

VCB là cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường trong phiên hôm nay. Đứng sau VCB về mức độ tác động là CTG và VIC.

Chốt phiên 13/7, cổ phiếu VIC của Vinroup tăng 3.000 đồng/CP lên 55.000 đồng/CP. VIC giúp vốn hóa thị trường Vingroup tăng 6.460 tỷ đồng lên 118.430 tỷ đồng. Trong đó, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup  tăng 1.773 tỷ đồng lên 32.615 tỷ đồng.

Không có sức mạnh như VCB hay CTG nhưng hôm nay cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam cũng góp phần khá lớn giúp VN-Index tăng tốc khi đóng cửa ở mức 66.000 đồng/CP sau khi tăng 1.500 đồng/CP. GAS mang về 2.870 tỷ đồng vốn hóa thị trường cho Tổng Công ty Khí Việt Nam.

Không nâng đỡ nhiều cho VN-Index nhưng LGC, KHA, QBS, VPS và STG lại lọt vào Top 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất phiên 13/7. Mặc dù cùng nhau tăng trần với tỷ lệ lần lượt là 6,97%, 6,96%, 6,93%, 6,91% và 6,83% nhưng ngoài LGC, các cổ phiếu này không giúp vốn hóa thị trường của công ty tăng mạnh vì có số lượng cổ phiếu niêm yết khá khiêm tốn

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 13/7, cổ phiếu LGC tăng 1.400 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP. Đà tăng này của LGC giúp vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Đầu tư Cầu đường CII có thêm 270 tỷ đồng.

KHA tăng 2.700 đồng/CP lên 41.500 đồng/CP. Nhờ KHA, vốn hóa Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội có thêm 38 tỷ đồng. QBS tăng 700 đồng/CP lên 10.800 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình tăng 45 tỷ đồng.

VPS tăng 1.900 đồng/CP lên 29.400 đồng/CP. Như vậy, công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam được VPS “tặng” 33 tỷ đồng. Trong khi đó, STG tăng 1.700 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP. STG mang về 47 tỷ đồng vốn hóa cho Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn