Didier Deschamps đã rời Marseille, đã đặt chân đến cửa LĐBĐ Pháp (FFF), đã gặp Chủ tịch Noel Le Graet, nhưng chỉ để nói một câu: Không! Đó là cái giá mà Noel Le Graet phải trả cho tư tưởng “không thích thế hệ 1998” của ông.
Câu chuyện diễn ra vào năm 2008, cụ thể là hậu thảm họa EURO 2008 của ĐT Pháp dưới thời Raymond Domenech. Khi ấy, có đến hàng loạt ƯCV thuộc thế hệ “1998” được nhắc thay thế Domenech, thế nhưng, Noel Le Graet với tư cách là Phó chủ tịch của FFF đã đứng ra bảo vệ Domenech, chỉ với một lí do đơn giản: ông không thích thế hệ làm nên vinh quang cho nước Pháp. Nguyên nhân xuất phát cũng thật ngờ nghệch. Le Graet không thích Pierre Bernes, người đại diện của nhiều tuyển thủ thế hệ “1998” và sau này cũng là đại diện cho những Ribery, Nasri…
Sẵn đầu óc của nhân vật chính trị, Noel Le Graet đủ khôn ngoan để xây dựng thứ quyền lực hoàn hảo, đánh bật Chủ tịch tạm thời Fernand Duchaussoy, một tiến sĩ kinh tế đã làm thay đổi khá nhiều bộ mặt của FFF trong vỏn vẹn 6 tháng ông nắm quyền. Cũng thời điểm đó, FFF đã đạt được bản thỏa thuận khiến người Pháp thực sự mãn nguyện. Đó là việc bổ nhiệm Laurent Blanc lên dẫn dắt Les Bleus.
Didier Deschamps dồn LĐBĐ Pháp vào chân tường |
Thế nhưng, ngay cả khi Les Bleus đã thay da đổi thịt dưới sự chèo lái của cựu HLV Bordeaux thì tư tưởng “không thích thế hệ 1998” của Noel Le Graet vẫn không thay đổi. Người đàn ông 70 tuổi này vẫn giữ lập trường một cách cực đoan và không xây dựng lên một niềm tin nào hết với vị HLV trẻ. Nó giải thích vì sao Noel Le Graet từng nói ông chỉ gia hạn hợp đồng với Blanc khi đội tuyển Pháp chơi tốt tại EURO 2012. Thậm chí, như nhận định của tờ báo mạnh về điều tra Le 10 Sport cách đây 6 tháng, thì đề nghị không tăng lương cho Blanc của Noel Le Graet cũng xuất phát từ cảm giác yêu ghét của cá nhân ông. Một trong những lí do khiến Blanc ra đi.
Phải khẳng định, thế hệ “1998” hậu vinh quang vẫn có những rạn nứt nhất định, nhưng với bộ đôi Blanc - Deschamps thì lại là sự gắn kết tuyệt đối. Thậm chí, tình bạn này lớn đến mức đủ làm tan chảy sức nóng trong những cuộc chiến Bordeaux - Marseille khi 2 ông còn dẫn dắt các CLB này.
Arsene Wenger có thể từ chối FFF vì một lí do khách quan, nhưng việc Didier Deschamps nói “không” lại mang sắc màu của tình bạn và cũng là của một sự trả đũa cho sự kiện năm 2008, để rồi chính FFF bị rơi vào tình cảnh của một kẻ bị ruồng bỏ. Nói như tờ Aujour’hui en Frande, lời từ chối của Deschamps như giáng một đòn mạnh vào bộ máy không chịu cải cách trong nhiều năm qua, và đó là cái giá FFF phải trả từ “liên minh” Blanc - Deschamps.
Thêm một phiên tòa:
Sau sự kiện xét xử và tuyên án với 5 tuyển thủ dính vào scandal ở Nam Phi, đến lượt 4 “đàn em” Les Bleus khác nổi loạn trong phòng thay đồ ở EURO 2012 cũng phải đứng trước vành móng ngựa. Ben Arfa, M'vila, Nasri và Menez đã nhận được giấy triệu tập của FFF. Ben Arfa, M'vila, Nasri và Menez. Riêng trường hợp của Nasri, tiền vệ này s phải chịu mức án kỷ luật nặng nhất do thêm cái tội chửi rủa một nhà báo sau thất bại của Pháp trước Thụy Điển.
Thêm “Đại chiến” vì tiền:
“Tiền thưởng của ĐT Pháp đã bị phong tỏa”, Noel Le Graet tuyên bố một cách thẳng thừng mà theo cách giải thích của ông là không có cầu thủ nào được nhận tiền thưởng hết. Tuy nhiên, một hiệp hội đang đứng lên với tư cách là đại diện cho các tuyển thủ Les Bleus yêu cầu FFF phải trả lại sự công bằng cho các cầu thủ. Một phần (hoặc có thể toàn bộ) số tiền này sẽ được rót cho quỹ từ thiện. Sau World Cup 2010, giữa FFF và các cầu thủ cũng diễn ra một trận “đại chiến” về tiền kéo dài nhiều tháng trời.
Đăng Tú (Thể thao 24h)
Đăng Tú (Thể thao 24h)
Bình luận