Lương giáo viên nói chung và lương của giáo viên mầm non nói riêng dù đã được cải thiện nhưng vẫn thấp. Có những giáo viên mầm non tìm nhiều cách để vừa duy trì cuộc sống vừa tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu nghề, tình yêu trẻ thơ.
Tìm cách "xoay"
Nói về thực tế lương, một giáo viên mầm non dạy ở trường công lập trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) có thâm niên 10 năm trong nghề chia sẻ: "Mỗi nghề có cái cực riêng, lương mầm non thì không đủ duy trì cuộc sống của mình và nuôi con thì không thể". Giáo viên này còn bật mí: "Vào dịp ra Tết, một số giáo viên còn mở lớp luyện chữ ngay cổng trường để kiếm thêm thu nhập".
Các bé lớp 5 tuổi Trường Mầm non số 2 thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè (Lai Châu) trong giờ học tạo hình. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Theo tìm hiểu, thực tế này đã xảy ra tại Hà Nội. Một số giáo viên mầm non cũng mở lớp luyện chữ. Vì thế, sĩ số lớp học ở trường vào những tháng cuối năm học thường hụt so với đầu năm, có lúc hụt hàng chục học sinh. Thậm chí, có gia đình xin cho con nghỉ hẳn ở lớp mầm non để đến nhà cô học viết.
Ở nông thôn, ngoài giờ dạy, các giáo viên còn phải tăng gia, nhận làm thêm ở nhà để có thu nhập. Chị Cù Phương Bắc (một giáo viên trường mầm non ở xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: "Tất cả thu nhập của tôi là 1,8 triệu đồng/tháng. Trước đây còn được xem là tạm đủ nhưng giờ giá cả leo thang thì phải tìm cách xoay sở. Khó khăn hơn là những giáo viên hợp đồng, thu nhập chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Quê tôi có nghề đan đồ lưu niệm từ cói nên giáo viên ngoài việc lên lớp, hằng tối vẫn nhận hàng về để đan, kiếm thêm. Những người có sức khỏe thì vào những giờ nghỉ, còn nhận thêm ruộng để làm, hoặc tăng gia sản xuất tại nhà".
Chia sẻ về thực tế này, bà Hoàng Thị Thắng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang nói: "Khảo sát tại tỉnh cho thấy, giáo viên hợp đồng thu nhập thấp, hầu hết chưa được hưởng phụ cấp đứng lớp, chưa được tăng lương như giáo viên trong biên chế. Nhiều giáo viên bằng cách này hay cách khác vẫn bám trụ với nghề để mong có chế độ xứng đáng".
Chồng chất khó khăn
PGS. TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho hay, việc hướng dẫn thực hiện các quyết định về lương giáo viên mầm non dân lập và hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng với giáo viên mầm non tại các cơ sở tư thục còn phụ thuộc điều kiện cụ thể của từng địa phương nên ở nơi này, nơi khác giáo viên ngoài biên chế (bao gồm giáo viên mầm non dân lập, giáo viên ở trường mầm non bán công nay chuyển sang công lập tự chủ tài chính) không được hưởng các chế độ lương, phụ cấp và các quy định khác như giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo. Những giáo viên hợp đồng ngoài biên chế, nhất là ở khu vực nông thôn, lương thường thấp hơn giáo viên trong biên chế, mặc dù trên mức lương tối thiểu. Ngay cả trường hợp lương khởi điểm thấp không đáng kể so với lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ thì lại bị những thiệt thòi khác như: Giáo viên hợp đồng không được tăng lương theo định kỳ (tại Hà Nội), không được hưởng phụ cấp đứng lớp (tại Hòa Bình). Đó là chưa kể đến giáo viên mầm non hợp đồng của xã, của trường, chế độ đãi ngộ thấp đến mức khó tin: Từ 300.000 đến 500.000 đồng/tháng (Thanh Hóa, Hòa Bình...).
Giải thích về thực trạng đang diễn ra ở vài địa phương, bà Lê Thị Ánh Tuyết nói: "Nhiều nơi không đủ định biên giáo viên phải tuyển thêm giáo viên trong khi không đủ nguồn chi trả lương. Vẫn có giáo viên tham gia hợp đồng với xã, trường với hy vọng chờ đợi được kí hợp đồng cấp tỉnh, huyện. Thế nên cần có chế độ rõ ràng và chế tài đủ mạnh để thực hiện chế độ đãi ngộ hợp lí đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế, đặc biệt ở khu vực nông thôn".
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cần có một kết cấu đầu tư thích hợp, tận dụng các nguồn lợi trong nhân dân để giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng (dù hợp đồng ở cấp nào) cũng được hưởng các quyền lợi như: được sử dụng đúng định mức lao động: Số cô/lớp, số giờ làm trong ngày theo quy định của điều lệ trường mầm non, theo đúng quy định của Bộ luật Lao động; được trả lương theo thang bảng lương, nâng lương theo định kì, được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà Nhà nước quy định; được hỗ trợ chi phí đào tạo bồi dưỡng; được bảo đảm chế độ thi đua, khen thưởng. Với những giáo viên mới chỉ được hợp đồng của trường, của xã thì ít nhất cũng được trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu và được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo Báo tin tức
Bình luận