1.“Chúng tôi không cần nói gì nhiều nữa. Nếu cứ tiếp diễn như thế này, chúng tôi xin ý kiến người hâm mộ, CĐV - những người luôn sát cánh cùng đội bóng lúc vui, lúc buồn – chúng tôi bỏ trận đấu, bỏ giải, không tham gia nữa.
Chơi như thế này đằng nào chúng tôi cũng xuống hạng. Cố tình làm thế này chúng tôi bỏ luôn, không cần thiết nữa. Vì có chơi, mất công mất sức, mất tiền bạc của nhà tài trợ, người hâm mộ. Bao nhiêu người từ những chú coi xe đạp ở các bệnh viện đến những người lao động, bỏ tiền ra đi tỉnh này tỉnh kia xem đội đá. Xem để làm gì khi đội bóng vẫn xuống hạng không phải vì chuyên môn mà do sắp đặt? Nếu còn tiếp diễn, chúng tôi dừng, không chơi nữa”.
Đó là những phát biểu của Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ với kênh truyền thông của đội bóng Nam Định được đăng tải trên YouTube tối 21/7.
Có thể hiểu, đó là nỗi bức xúc rất lớn với Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ, Ban huấn luyện, cầu thủ và người hâm mộ bóng đá thành Nam khi những nỗ lực thi đấu của họ vì người hâm mộ, vì danh dự của địa phương có truyền thông bóng đá từ thời Pháp thuộc bị những sai sót liên tục của các trọng tài gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
2. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, vì bức xúc mà dừng cuộc chơi chúng ta đang tham gia là biện pháp đường cùng. Và với bóng đá, môn chơi tập thể, cùng những quy định rõ ràng của nó, bỏ giải không khác một… thảm họa.
Ông Nguyễn Văn Sỹ hiểu điều này hơn bất cứ ai ở đội bóng thành Nam. Trên mỗi chuyến xe xuôi ngược Nam Định – Ninh Bình (nơi ông ở) mỗi ngày, ông hẳn vẫn có lúc nghĩ lại quãng thời gian cho ông rất nhiều thứ ở Ninh Bình nhưng cũng khiến ông lao tâm khổ tứ nhất sự nghiệp đến lúc này.
Đội bóng Ninh Bình mà ông gắn bó từ năm 2008 đến năm 2015 với nhiều cương vị khác nhau nhưng phần lớn thời gian là HLV trưởng đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá nước nhà sau quyết định giải thể CLB và bàn giao đội U13, U15 và U19 cho địa phương của ông bầu Hoàng Mạnh Trường.
Ninh Bình giải thể, những cầu thủ dính án bán độ ở AFC Cup mất việc, mất nghiệp là điều hiển nhiên nhưng hàng chục con người khác là những cầu thủ trong sạch, những trợ lý, thành viên CLB, công nhân, người lao động đang phục vụ đội bóng và đặc biệt, tương lai của hàng trăm em nhỏ đang nuôi dưỡng ước mơ bóng đá ở các lứa U13, U15 và U19 bỗng chốc dang dở.
Đã 5 năm trôi qua, ám ảnh về sự “bỏ cuộc” của bóng đá Ninh Bình chắc chắn chưa vơi trong ông Sỹ, bởi nhà ông vẫn ở đó, gần cái sân bóng giờ kín cổng cao tường, cỏ mọc tốt um không biết đến bao giờ mới có thể hồi sinh.
Bóng đá Nam Định đã phải mất 7 năm cho hành trình trở lại V-League – hành trình mà có lúc tưởng sẽ dài cả thập kỷ khi đội bóng rơi xuống tận hạng Nhì. Và tất nhiên, chảo lửa thiên Trường cũng mất từng ấy năm để nóng nhiệt trở lại. Từ chỗ sân bóng được ví von “có 2 vạn chỗ nằm” đến sân đấu giữ kỷ lục về số lượng người xem suốt 2 mùa bóng vừa qua là nỗ lực rất lớn của đội bóng và của tỉnh Nam Định. Nay nếu vì nỗi bức xúc với trọng tài mà đội bóng bỏ giải sẽ là điều không bao giờ chấp nhận được.
Bởi vậy, chỉ nên hiểu, phát biểu của ông Sỹ là một nỗi bức xúc, mang tính nhất thời. Nó không đại diện cho ý chí của CLB, người hâm mộ. Và như chính ông Sỹ nói, để đi đến quyết định này, ông còn phải xin ý kiến người hâm mộ. Hay trên thực tế, vai trò quyết định còn nằm ở Công ty Cổ phần bóng đá Dược Nam Hà Nam Định, nhà tài trợ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định.
3. Mọi chuyện đều có hướng giải quyết. Nam Định phản ứng mạnh mẽ là điều hiển nhiên và cũng là cách để những người có trách nhiệm cần phải nhìn nhận thay đổi.
Còn việc bỏ giải, xin được nhắc lại, là chuyện không dễ và chỉ câu nói của Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ không quyết định được. Câu nói ấy suy cho cùng là sự phản ứng thiếu chuyên nghiệp!
Video những tình huống Nam Định đòi phạt đền trận gặp Sài Gòn FC
Bình luận