• Zalo

GĐ đài TH Thái Bình chỉ đạo thông tin hậu đình chỉ

Thời sựThứ Bảy, 03/08/2013 08:51:00 +07:00Google News

(VTC News) – Rút kinh nghiệm, Đài phát thanh - truyền hình Thái Bình đã phát tin về dự báo và thông tin phòng chống ảnh hưởng cơn bão số 5 ra sao?

(VTC News) – Rút kinh nghiệm, Đài phát thanh - truyền hình Thái Bình đã phát tin về dự báo và thông tin phòng chống ảnh hưởng cơn bão số 5 ra sao?

Như báo chí đã đưa tin, vì lơ là trong công tác chống bão số 2, ông Vũ Anh Thao, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) Thái Bình từng bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm. 15 ngày sau, vào ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Sinh ký quyết định về việc tiếp tục bố trí công tác Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Thái Bình đối với ông Vũ Anh Thao.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu ông Đỗ Anh Thao phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm cá nhân” và “chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan của Đài PT-TH Thái Bình làm rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phòng chống cơn bão số 2 năm 2013”.

Ông Vũ Anh Thao, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) Thái Bình (Ảnh: Minh Quân)
Ông Vũ Anh Thao, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) Thái Bình (Ảnh: Minh Quân) 
Gần một tháng sau, ngày 3/8, bão số 5 lại đổ bộ vào đất liền, trong đó Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này. Liên quan tới công tác dự báo, thông tin phòng chống ảnh hưởng của cơn bão số 5 tới người dân địa phương, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Anh Thao – Giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình Thái Bình.

- Là thành viên thuộc Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh, xin ông cho biết mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 5 tới Thái Bình?

Ở Thái Bình, trên 90% dân số sống bằng nghề nông nên bão và mưa gây ảnh hưởng trực tiếp tới từng gia đình nông dân. Bão số 5 gây mưa lớn trên diện rộng ở toàn tỉnh. Cùng với đó, nước biển đang ở triều cường nên dù chưa thống kê được con số cụ thể, nhưng theo tôi mức thiệt hại cũng sẽ rất lớn.

Cụ thể, lúa thì ít thiệt hại, nhưng những hộ nuôi ngao, cá, tôm…sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

- Công tác tuyên truyền, thông tin tới người dân về cơn bão này của Đài ra sao?

Chúng tôi đã có kế hoạch thông tin, tuyên truyền từ khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới cho tới khi bão về. Khi bão càng về gần đất liền, nhịp độ tuyên truyền càng nhiều lên. Nếu là tin bão xa, cứ 2 tiếng chúng tôi phát tin một lần như quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, cứ có công điện khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, chúng tôi ngay lập tức đưa tin. Bên cạnh đó, trên truyền hình, khi có bản tin về bão được phát trên đài truyền hình Việt Nam, chúng tôi sẽ dừng mọi chương trình đang phát ở truyền hình Thái Bình để chuyển tiếp sang bản tin dự báo bão kia, sau đó mới tiếp tục phát nội dung của đài.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn chủ động đưa các bản tin dự báo bão như bình thường. Ngoài truyền hình, chúng tôi còn có hệ thống phát thanh. Để người dân có thể nắm được thông tin, chúng tôi đã cung cấp cụ thể lịch giờ phát tin về cơn bão này từ trước đó. Trong khoảng thời gian từ 5 – 7 giờ sáng hàng ngày đều có tin bão. Chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên các tin mới.

- Liên quan tới cơn bão số 5, ông đánh giá thế nào về dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia?

Thời gian gần đây, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia làm dự báo khá tốt. Ở Thái Bình, Trung tâm khí tượng thủy văn của tỉnh cũng phối hợp rất tốt với các ban ngành liên quan. Chúng tôi có hẳn một đường truyền cho họ. Khi có tin mới về bão, họ sẽ chuyển luôn cho chúng tôi.

- Hiện Đài đã có bao nhiêu tin về cơn bão số 5?

Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể, nhưng mật độ các tin về cơn bão số 5 ngày càng dày dặn hơn từ 1/8 tới giờ. Chúng tôi cử 11 ekip phóng viên đi theo các đoàn lãnh đạo về các địa phương ghi nhận tình hình. Ngoài ra, còn có 7 đài của các huyện, thành phố cộng tác với chúng tôi gửi thông tin lên.

Nói chung, tất cả các điểm nóng có lãnh đạo tới, chúng tôi đều cử phóng viên theo để lấy thông tin. Ví dụ như Thái Thụy, Tiền Hải, một phần Kiến Xương…

Ở Thái Bình có rất nhiều đoạn đường lầy lội như thế này
Ở Thái Bình có rất nhiều đoạn đường lầy lội như thế này 

Ngoài ra, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự của tỉnh,…đều có máy quay. Khi thực hiện nhiệm vụ, họ cũng tác nghiệp để cộng tác với chúng tôi.


Một ngày chúng tôi đưa tối thiểu 4 bản tin: Sáng, trưa, tối, đêm về cơn bão này. Đến nay chưa có người dân nào gọi điện cho tôi phản ánh về việc đài cập nhật chậm các thông tin về bão lũ. 

Đường dây nóng của phòng thời sự thuộc đài và máy của tôi luôn trực sẵn 24/24 để lắng nghe mọi phản hồi từ người dân. Riêng ngày hôm nay (3/8), bão vào, cứ khoảng 30 – 45 phút chúng tôi lại có một tin về bão.

- Theo ghi nhận của chúng tôi, ở phố Lý Thường Kiệt, Lê Lợi (Thái Bình), đường ngập 20cm nước. Phóng viên của đài đã có ghi nhận nào về tình trạng trên chưa?

Lụt ở thành phố xảy ra ở nhiều nơi chứ không riêng gì mấy phố bạn nêu. Chúng tôi vẫn cập nhật, thông tin đầy đủ.

Có một thực tế ở nhiều nơi đều giống nhau đó là mỗi lần quy hoạch, người ta lại sửa lại thiết kế nên cốt đường ở nhiều nơi khác nhau dẫn tới chuyện ngập úng cục bộ ở một số phố.

Người ta đã khơi cống để thoát nước, nhưng việc đó chỉ giúp hạn chế được lụt thôi chứ mưa trên 100mm thì vẫn không tránh khỏi ngập úng cục bộ. Chỗ nào tiêu nước tốt thì sẽ lụt chậm, chỗ nào tiêu nước chậm thì dân phải chịu.

- Sau cơn bão số 2, lãnh đạo Đài đã rút ra được kinh nghiệm gì trong công tác tuyên truyền, thông tin về bão lũ?

Lần trước, chúng tôi vẫn làm như thế này, vẫn có kế hoạch, nhưng phải tội chúng tôi chủ quan. Chúng tôi đề ra là anh em phải làm thế này, thế kia, phải đưa tin 2 tiếng/lần. Kế hoạch đặt ra rất đúng, nhưng khi làm, do không có sự giám sát chặt chẽ nên mới dẫn tới chuyện có khi lãnh đạo bảo, nhưng anh em làm không tới nơi tới chốn.

Chẳng hạn, theo báo cáo, 11h30 là phóng viên có bản tin về bão ở địa phương, nhưng khi xem, chương trình lại không có. Do trong quá trình chỉ đạo, mình không nắm được cái đó, do tin vào anh em, không có kiểm tra, giám sát nên chuyện mới xảy ra như vậy.

Cái quan trọng nhất không phải là ai chịu trách nhiệm. Tôi là người đứng ra nhận trách nhiệm đầu tiên, còn sau đó các bộ phận sẽ đứng ra kiểm tra, kiểm điểm, cá nhân nào sai phạm tới đâu phải chịu kỉ luật tới đó.

- Xin cảm ơn ông!


Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn