Thứ luật ngầm man rợ
Lại thêm một vụ tai nạn giao thông ở vòng xoay Mỹ Thủy, TP.HCM mà kẻ gây ra tai nạn thản nhiên cán qua cán lại người nằm dưới bánh xe cho đến lúc chết hẳn rồi bỏ trốn.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu báo chí, dư luận căm phẫn lên án hành vi mông muội, độc ác của những kẻ ngồi sau vô lăng, những kẻ tự cho mình quyền được tước đoạt mạng sống của đồng loại chỉ bằng một cú nhấn ga.
Và cũng không biết là lần thứ bao nhiêu, câu hỏi về thứ luật ngầm man rợ của không ít lái xe lại được đặt ra? Phải chăng đúng là đã trót gây tai nạn, thì cứ cán cho nạn nhân chết hẳn, cán một lần không chắc đã chết rồi thì cán lần hai, lần ba, rồi đền bù vài chục triệu đồng, còn hơn lỡ phải đi chăm bẵm người tàn phế hoặc ốm yếu suốt đời? Chắc chắn phải có một thứ rỉ tai nhau sát nhân như thế, những sự việc tương tự mới lặp đi lặp lại đến giờ phút này.
Những cái chết tức tưởi của anh Lê Xuân Thìn ở vòng xoay Mỹ Thủy hôm qua, của em Hoàng Đức Phượng mới 19 tuổi ở Hà Tĩnh, của người anh trai Lê Ngọc Hoàng đang trên đường chở em gái ra bến xe Buôn Ma Thuột, hay của cô gái mới 15 tuổi tên Hoa vùng vẫy không cách gì thoát ra khỏi chiếc bánh xe tử thần…không lẽ chỉ được lý giải bằng thứ luật ngầm phi nhân tính, dã man như sống ở thời trung cổ đó?
Hay như những kẻ giết người này khi ra vành móng ngựa, luôn ngụy biện bằng cách cúi gằm mặt và lí nhí đổ lỗi cho sự hoảng loạn, không kiểm soát được suy nghĩ, sợ bị đánh, không biết làm gì đành cuống quýt cán tới cán lui?
Người viết thì nghĩ rằng, không hẳn vậy, mà “với những kẻ độc ác, mọi thứ chỉ là cái cớ”. Không có bất cứ lý do gì bao biện được cho hành động của những kẻ đồ tể kia, mà từ sâu bản chất của chúng đã là sự dã man, máu lạnh, không chút tính người còn sót lại. Lấy gì đảm bảo, sẽ không còn những nạn nhân thứ 2, thứ 3 nằm dưới gầm xe của những gã tài xế kia? Lúc đó, có khác gì hành động giết người hàng loạt?
Đã là con người, khi đi đường, lỡ vô tình cán phải một con chó, con mèo, con gà, con vịt, còn dừng xe lại xem sinh vật nằm dưới bánh xe kia còn sống hay đã chết, của gia đình nào ven đường mà báo cho họ, chứ không nói dưới gầm xe là đồng loại, là tiếng kêu khóc van xin xé lòng, là sự tồn tại quý giá không gì đánh đổi được.
Tiếng khóc thét dưới gầm xe
Năm 2010, tiếng khóc thét “chú ơi, cứu con”, hình ảnh vùng vẫy trong bất lực của cô gái sinh năm 1993 dưới gầm xe tải đã trở thành tiếng kêu cứu ám ảnh tất cả những tài xế còn lương tri.
Khi chiếc bánh container chèn ngang đùi cô gái, một người đàn ông đi đường đã dùng xe máy chặn đầu để tài xế lùi xe lại cứu người, nhưng con thú độc ác đội lốt người ngồi sau vô lăng kia không những đâm thẳng vào chiếc xe máy, mà còn lạnh lùng lùi đi lùi lại tới lần thứ 3, đến khi tiếng kêu cứu im bặt, đến khi cái huơ tay van xin cuối cùng hạ xuống, đến khi một cuộc đời bất động trong vũng máu.
8 năm tù vì tội cố ý giết người dành cho tài xế thú dữ khi ấy, bị dư luận phản ứng dữ dội và tha thiết mong Tòa xem xét lại vì nhiều người cho rằng nó quá nhẹ so với sự độc ác mà anh ta gieo vào cuộc đời này.
Tuy nhiên, 8 năm tù lại là con số nằm trong khung hình phạt ở khoản 2 điều 93 Bộ luật Hình sự mà Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố. Bộ luật quy định rõ, dù thiệt hại đến mức bao nhiêu về người, khung hình phạt cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù.
Thậm chí nếu vụ tai nạn khiến một người chết, thì mức xử phạt chỉ từ 3 – 5 năm tù. Tổng số tiền đền bù cho những trường hợp tương tự, cũng không quá con số 150 triệu đồng.
Cái giá để những kẻ tàn ác tước đi mạng sống của người khác, hình như là quá rẻ. Vài chục triệu đồng hay nhiều hơn thế để thương lượng được với gia đình nạn nhân, cho sự tự do, nhiều người cho đó là một trong những nguyên nhân khiến những vụ cố tình cán người đến chết mới không dừng lại.
Cái nhìn và sự trừng phạt những kẻ thú tính, tại sao không thể khắt khe hơn, căm phẫn hơn, để bớt đi những cái chết oan ức đến tột cùng? Bởi từ khi chập chững học lái xe lấy chiếc bằng, đến khi bước lên điều khiển một chiếc xe lưu thông trên đường – anh phải biết hơn ai hết, đó là nguồn gây nguy hiểm cao độ, chỉ sơ suất nhỏ có thể dẫn đến cái chết của không chỉ một, mà rất nhiều người.
Anh không thể tước đoạt cuộc đời còn rất dài của những con người ngoài kia theo cách lạnh lùng và tàn nhẫn đó được. Hành động ấy, là tội ác, không thể tha thứ, không thể cảm thông, không thể dung dưỡng.
Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế vừa kết thúc cách đây 2 ngày, ban tổ chức đã đưa ra câu hỏi: “Nếu bạn có thể ban hành một đạo luật để trừng phạt những tội phạm chiến tranh và bạo lực, bạn sẽ ban hành đạo luật nào. Vì sao?". Tân Hoa hậu đã đăng quang một phần nhờ câu trả lời đầy thuyết phục, đó là cô muốn bắt những kẻ đó phải sống trong trại tị nạn để hiểu nỗi thống khổ của những con người trải qua chiến tranh và bạo lực.
Chỉ có cho những kẻ đồ tể nằm dưới chiếc bánh xe mà trên đó là khối sắt thép khổng lồ hàng vài chục tấn, run rẩy giữa cái sống và cái chết, bất lực van xin sự tồn tại của lương tâm con người, chứng kiến toàn bộ cuộc đời mình kết thúc bằng sự tàn ác của kẻ khác, e mới là cái giá xứng đáng cho hành động của những kẻ máu lạnh vô tri vô giác.
Video: Nhân chứng kể giây phút hãi hùng tài xế gây tai nạn rồi cán nạn nhân đến chết
Bình luận