• Zalo

Gây ra án oan, phải bỏ tiền túi ra bồi thường

Thời sựChủ Nhật, 07/06/2015 07:18:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội cho rằng những người gây ra tình trạng oan sai không chỉ bị kiểm điểm, hạ bậc lương mà cần có cơ chế xử lý mạnh tay hơn.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng những người gây ra tình trạng oan sai không chỉ bị kiểm điểm, hạ bậc lương mà còn phải bỏ tiền túi cùng nhà nước bồi thường.

Không thể lấy toàn bộ ngân sách ra bồi thường

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về tình hình án oan sai, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng thực tế hiện nay oan sai chỉ bồi thường bằng tiền để bù đắp những mất mát về vật chất.

“Còn những mất mát về tinh thần, tình cảm, đau thương gia đình của họ thì không tiền nào có thể bù đắp được”, bà Khá nhấn mạnh.
 đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội 
cho rằng cần phải có những quy định rõ ràng để buộc những người tạo ra oan sai phải chịu một phần việc bồi thường cho người bị oan 

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chia sẻ có biết bao gia đình sau khi bị lâm vào cảnh hàm oan dẫn đến tan cửa nát nhà. Nhiều người cha, người mẹ sau khi bị vướng án oan không còn điều kiện để nuôi dạy con cái dẫn đến chúng phải bỏ học, thậm chí lao vào con đường nghiện ngập, hư hỏng…

 

Không thể hoàn toàn lấy ngân sách ra để bồi thường được

Đại biểu Nguyễn Thị Khá
 
Bà Khá cho rằng để làm oan sai cho người vô tội là việc rất nghiêm trọng. “Người ta vẫn nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, tại sao oan sai kéo dài nhưng bây giờ mới được phát hiện. Trên thực tế không biết có bao nhiêu vụ oan sai nữa chưa được phát hiện. Oan sai chỉ đền bù bằng tiền nhưng có những mất mát không bao giờ đền bù được. Trong số vụ tự sát ai biết có bao nhiêu vụ oan sai”.


Nữ đại biểu tỉnh Trà Vinh đề các cơ quan tư pháp phải nghiêm túc chấp hành Hiến pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, không để xảy ra tình trạng oan, sai.

Trong đó, người mắc sai phạm dẫn tới oan sai cũng phải chịu trách nhiệm “chứ không thể đơn giản là kiểm điểm, hạ bậc lương… sẽ không tương xứng, không tạo được niềm tin với dân”.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng cần phải có những quy định rõ ràng để buộc những người tạo ra oan sai phải chịu một phần việc bồi thường cho người bị oan.

 “Không thể hoàn toàn lấy ngân sách ra để bồi thường được”, bà Khá nhấn mạnh.
Sau 10 năm bị ngồi tù oan, ông Nguyễn Thanh Chấn đã đồng ý nhận số tiền bồi thường là 7,2 tỷ đồng 

Nữ đại biểu tỉnh Trà Vinh thẳng thắn nêu quan điểm: “Tôi cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cho biết có bao nhiêu vụ oan sai là do trình độ yếu kém của kiểm sát viên. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân ra sao. Bởi nguyên nhân oan sai của tòa án là do trình độ năng lực của một số thẩm phán hạn chế, còn tiêu cực, đạo đức thấp thậm chí còn cố ý ra bản án sai lệch”.
Clip: Bắt tiếp cán bộ vụ án oan sai ông Nguyễn Thanh Chấn

VTC1

Sai ở đâu, ở đó bồi thường


Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội về vấn đề oan sai, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre bộc bạch: “Chúng tôi cảm nhận rất sâu sắc, dù chỉ một trường hợp oan, sai xảy ra, đối với người làm công tác bảo vệ pháp luật, chúng tôi thấy rất đau. Đó đều là những bài học sâu sắc đối với người làm công tác bảo vệ pháp luật”.
đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình cho rằng, tỷ lệ oan sai không lớn nhưng dù có một vụ xảy ra nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của một con người bị oan, mà trong công việc này về nguyên tắc không được để oan, sai.

 

Cơ quan nào làm sai, cơ quan đó phải bồi thường là nguyên tắc của bồi thường oan, sai.

Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình
 
Lý giải nguyên nhân khiến người bị oan chậm được bồi thường, bà Bình cho rằng khi giải quyết bồi thường phải theo thủ tục.


Việc lấy tiền bồi thường từ ngân sách đòi hỏi có những quy trình nghiêm ngặt cần phải được tuân thủ.

Đồng tình với nhận định việc tiến hành bồi thường còn tương đối chậm nhưng đại biểu Bình cũng lưu ý: “Việc bồi thường nhanh chóng rất cần thiết nhưng phải thỏa đáng, phù hợp và việc chi đồng tiền từ ngân sách phải đúng”.

Vị Chán án Tòa án nhân dân Bến Tre khẳng định: “Cơ quan nào làm sai, cơ quan đó phải bồi thường là nguyên tắc của bồi thường oan, sai. Trong hoạt động tố tụng, cái sai của cơ quan trước mà cơ quan sau không phát hiện thì phải chịu trách nhiệm”.

Pháp luật quy định, sai ở giai đoạn nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, nhưng trên thực tế nó là chuỗi sai của cơ quan tố tụng.
Hoãn tử hình Hồ Duy Hải: TAND tỉnh Long An lên tiếng

VTV

“Chính vì thế đòi hỏi người làm công tác bảo vệ pháp luật, không riêng gì tòa án mà từ cơ quan điều tra, đến cơ quan truy tố và xét xử lúc nào cũng phải đề cao trách nhiệm trong nghiệp vụ là nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ”, đại biểu Thanh Bình nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn