Gây oan sai, công chức phải hoàn trả bằng lương
Gây oan san, công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai. Trong đó, mức hoàn trả trong trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 - 100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40 - 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60 - 80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Bên cạnh đó, cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai với người bị thiệt hại.
Nội dung trên được quy định tại Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
5 điều kiện được hưởng án treo
Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo.
Cụ thể: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, thời gian thử thách của án treo phải bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 1 năm và không được quá 5 năm.
Đặc biệt, không cho hưởng án treo với người phạm tội bị xét xử cùng 1 lần về nhiều tội; phạm tội nhiều lần; bị truy nã hoặc là người chủ mưu.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Được ủy quyền lại cho cá nhân, pháp nhân khác tham gia tố tụng
Theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tương tự, pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời, cá nhân, pháp nhân được ủy quyền cũng được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.
Cũng theo Nghị quyết, bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán và được xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đến ngày 15/8/2022.
Bình luận