Sản phẩm này đã đoạt giải nhất ở hạng mục phần mềm trong cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Microsoft phát động.
Sẵn sàng chia sẻ phần mềm để hỗ trợ giáo viên giúp học sinh làm quen dạng câu hỏi đang trở thành xu thế sử dụng trong các kỳ thi là khẳng định của giáo viên sáng tạo phần mềm Nguyễn Hoàng Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Sương Nguyệt Anh, Q.8, TP.HCM.
Hiện tại phần mềm đã tích hợp các môn toán, tin học, vật lý từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi trường sử dụng sẽ được cấp một tài khoản để tích hợp thêm các môn phù hợp với bậc học từ THCS đến THPT.
Là giáo viên tin học và hiểu rõ thực tế việc giảng dạy môn học này trong trường phổ thông còn khá lạc hậu nên thầy Nguyễn Hoàng Dũng mong muốn tạo sân chơi kết hợp với học tập, giảng dạy dành cho học sinh cùng đồng nghiệp. Từ đó, website “ôn tập trắc nghiệm trực tuyến” ra đời, là nơi cho học sinh ở các bậc học ôn tập nhiều môn học.
Theo thầy Dũng, phần mềm được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ lập trình kịch bản với mã nguồn mở và có thể chạy trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau như Windows, Mac OS và Linux. Trang web trắc nghiệm bao gồm các mục như: Trắc nghiệm liệt kê tất cả các môn học mà học sinh có thể làm bài, kết quả liệt kê cho từng bài, đăng nhập có 2 phần dành cho học sinh và giáo viên.
Phần đăng nhập của giáo viên sẽ có 2 tài khoản bao gồm quản trị trang và giáo viên ra đề kiểm tra. Với tính năng này, giáo viên Hoàng Dũng cho rằng thể hiện ưu điểm mỗi trường, mỗi giáo viên sử dụng đều có thể chủ động tạo thêm môn học cho học sinh khi cần thiết.
Video: Lưu ý trong việc chọn và làm bài thi tổ hợp kỳ thi THPT Quốc gia
Ngoài ra, phần mềm cho phép giáo viên liệt kê từng chương của mỗi môn học, giúp việc ra đề kiểm tra theo các cấp độ một cách dễ dàng. Các câu hỏi trong phần mềm sử dụng bằng file excel với các tiêu chí như: mã câu hỏi, nội dung, hình ảnh, các đáp án, mã chương (tức là câu hỏi thuộc chương nào), cấp độ. Khi muốn ra đề thi, giáo viên thực hiện bằng cách bấm nút tạo đề thi, hệ thống sẽ hỏi tạo đề môn gì, thời gian làm bài, bao nhiêu câu hỏi, mức độ yêu cầu như thế nào…
Với tài khoản của học sinh, người sáng tạo phần mềm này hướng dẫn: “Các em vào mục trắc nghiệm để chọn môn mình cần thực hiện. Khi bấm vào nút làm bài thì bảng thời gian sẽ đếm ngược. Hoàn thành bài làm các em bấm nút nộp bài, còn nếu hết thời gian mà chưa làm xong thì hệ thống sẽ tự động nộp bài, sau đó vào mục kết quả để kiểm tra số lượng câu trả lời đúng”.
Thầy Hoàng Dũng cũng chỉ ra ưu điểm của phần mềm, việc học sinh sử dụng đề ôn tập sẽ giúp bản thân tự nắm vững khả năng, trình độ của mình khi làm quen với hình thức kiểm tra mới.
Nguyễn Lam Hồng Thắm, lớp 9/4 Trường THCS Sương Nguyệt Anh, cho biết: “Các thao tác sử dụng phần mềm thuận tiện và dễ thực hiện. Chúng em khá thích thú vì làm quen với hình thức câu hỏi mới, tự kiểm tra mức độ hiểu bài của mình và ôn tập kiến thức. Em mong thầy tích hợp thêm nhiều môn học khác nữa để học sinh có thêm điều kiện học tập”.
Về phía giáo viên, từ kết quả bài làm của học sinh sẽ thống kê sơ bộ bao nhiêu học sinh nắm được bài, mức độ tiếp thu là bao nhiêu, từ đó có kế hoạch bổ sung kiến thức cần thiết, kịp thời.
Nhận xét về tính hiệu quả của phần mềm, giáo viên Lê Quyết Tiến, Trường THCS Lê Lai (Q.8), nói: “Phần mềm có tính khả thi giúp giáo viên ngay từ bậc THCS có thể tiếp cận với việc biên soạn câu hỏi trắc nghiệm. Phần mềm ra đời vào thời điểm này hoàn toàn hợp lý vì xu hướng kiểm tra kiến thức theo hướng vận dụng, thông hiểu chứ không còn là học thuộc lòng theo kiểu hàn lâm”.
Bình luận