Ông Sơn cười xác nhận, ông hiện là chuyên viên động vật rừng, thành viên của Phân viện quản lý rừng bền vững thuộc Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam. Ông có thâm niên phục vụ trong lĩnh vực này, từng thực hiện được khoảng 20 tiêu bản tạo mẫu động vật rừng có giá trị cho Phân viện, các trường đại học Lâm nghiệp góp phần nghiên cứu, bảo tồn các loài động vật quý hiếm.
Tuy nhiên, đó chỉ là công việc xã hội phân công, bản thân ông Sơn còn gánh vác cơ nghiệp thuộc da thú tổ truyền, đến giờ này đã là đời thứ ba. Trước đây, công tác trong ngành mỹ thuật TP.HCM, do đó ông đã kết hợp, nâng tầm nghề nghiệp gia đình lên thành thuộc da mỹ thuật. Nghĩa là ngoài thuộc da, nhồi bông, ông còn tạo dáng, thế làm sao cho con thú sinh động khiến người xem cảm giác như là nó vẫn đang còn chạy nhảy.
Nguồn gốc chiếc ngà độc nhất vô nhị
Nói về chiếc ngà voi độc nhất vô nhị của mình, ông Sơn tiết lộ, đây là quà mà cha ông tặng.
Chiếc ngà voi hóa thạch có dính thủy tinh nham thạch được định giá 4 triệu đô la.
Về lai lịch, ông Sơn kể rằng cha ông ngoài hành nghề thuộc da thú còn là một nhiếp ảnh nghệ thuật. Thời gian trước giải phóng, cha ông thường xuyên đến vùng Chư A Thai (thuộc tỉnh Phú Bổn ngày trước, giờ là huyện Phú Thiện) săn ảnh. Tại đây, ông cụ đã cùng ăn, cùng ở với người đồng bào thiểu số bản địa. Vì yêu mến chàng nghệ sỹ thường hay giúp đỡ dân làng, vị già làng lúc bấy giờ đã mang bốn khúc đá hóa thạch ra tặng làm quà.
Cả người cha và ông Sơn đều biết rằng món quà là ngà voi hóa thạch quý giá, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao đến giờ này ông Sơn mới công bố.
Ông Sơn cho rằng, chiếc ngà voi này còn độc ở chỗ nó còn dính những hạt li ti có nhiều màu sắc, qua tham khảo nhiều tài liệu, ông cho rằng đó là thuỷ tinh nham thạch trong quá trình miệng núi lửa đang còn hoạt động bám vào. Nhận định này càng vững chắc bởi vùng đất phát hiện ra nó nằm cách miệng núi lửa Hàm Rồng (TP. Pleiku) khoảng 30 cây số theo đường chim bay. Chiếc ngà voi còn độc ở chỗ nó dính những hạt li ti nhiều màu sắc. Qua tham khảo nhiều tài liệu, tôi cho rằng đó là thuỷ tinh nham thạch trong quá trình miệng núi lửa đang còn hoạt động bám vào. Ông Nguyễn Trường Sơn
Cách đây 10 năm, trong một lần dọn nhà, ông đã mang bốn khúc ngà voi bỏ dưới gầm giường ngủ của mình. Từ đấy, không hiểu sao, căn phòng của ông luôn dịu mát ở bất cứ thời điểm nào trong năm.
"Bạn biết rồi đấy, mùa khô Tây Nguyên lúc đỉnh điểm khí hậu nóng vật vã song trong phòng tôi dù không quạt vẫn luôn mát mẻ, hết sức dễ chịu. Từ sự kiện lạ này, tôi bắt đầu dày công nghiên cứu về nó. Theo một số tài liệu thì thủy tinh nham thạch ngoài tác dụng làm mát cho không gian xung quanh, nó còn có tác dụng chữa bệnh…"
Qua cân đo đong đếm thì bốn khúc ngà voi có khối lượng 24kg gồm, chiều dài cộng lại là 1,26m, chu vi phần gốc lớn nhất là 47cm, theo phân tích khoa học thì đây mới chỉ là phần ngọn của chiếc ngà voi. Tiếp đó, ông Sơn mang chiếc ngà đi kiểm định và Tổng hội địa chất Việt Nam, Viện đá quý - Trang sức đã cấp giấy chứng nhận kiểm định đá quý cho chiếc ngà voi này.
Giám định niên đại theo theo kết quả phân tích C - 14 (Cacbon 14, độ tin cậy 98%) của Viện khảo cổ học Việt Nam thể hiện, chiếc ngà voi hoá thạch do ông Sơn tìm được có niên đại 19.450 năm (trước Công nguyên).
"Lý do đến giờ này tôi mới công bố chiếc ngà voi hóa thạch, bởi Luật di sản Việt Nam hiện hành đã cho phép người dân được sở hữu cổ vật, báu vật…", vị chủ nhân cho biết.
Báu vật được trả giá 4 triệu đô
Sau khi tôi công bố lên các phương tiện truyền thông, rất nhiều doanh nhân trong và ngoài nước đã liên lạc hỏi mua chiếc ngà voi này. Có thương gia người nước ngoài đã trả giá cho chiếc ngà voi này đến 4 triệu USD, có người đề nghị ông cổ phần 50-50 để mang báu vật này đi triển lãm khắp thế giới, lợi nhuận ăn chia đều… song ông đã từ chối tất cả bởi ông còn nhiều tâm nguyện đối với báu vật này.
Tâm nguyện của ông Sơn là muốn cùng với các nhà khoa học phối hợp nghiên cứu về lịch sử liên quan đến loài voi mang chiếc ngà này ở Việt Nam. Bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu động vật rừng, ông Sơn cho biết, thời điểm có chiếc ngà voi này thuộc “kỷ băng giá”, loài voi sống ở khu vực này lúc bấy giờ tạm gọi là F2, rất gần với voi ma mút và voi Việt Nam ngày nay.
Từ đó, có thể suy đoán, phần gốc còn lại của chiếc ngà có thể dài đến 2,8m, gốc của chiếc ngà có chu vi cỡ 85cm, tổng khối lượng chiếc ngà đầy đủ tầm 48 kg.
"Tôi muốn làm rõ thông số tin cậy của chiếc ngà voi này là bao nhiêu. Sau khi đã xác lập đầy đủ thông tin, tôi sẽ dựng lại một phiên bản, rồi đúc thành một cặp ngà bằng thạch cao đính phụ gia cho giống với thủy tinh nham thạch", ông Sơn cho biết.
"Tiếp đó tôi sẽ tìm một con voi trưởng thành, cân đo đong đếm các chỉ số về tỉ lệ ngà với hộp sọ. Khi có số liệu tương đối, tôi sẽ căn cứ vào tỷ lệ tạo ra một mô hình hộp sọ phù hợp với phiên bản cặp ngà. Từ đó tôi sẽ dựng lại một con voi giả tương thích… Tuy nhiên, điều tôi đang thắc mắc là loài voi lúc ấy có lông rậm như voi ma mút hay trụi lũi như voi Việt Nam bây giờ", ông Sơn nói về dự định của mình.
Ông Sơn và người kế tục sự nghiệp tổ truyền đời thứ tư
Ông cũng nhiều lần cất công về tận nơi người cha mình được tặng bốn khúc ngà để tìm hiểu về phần còn lại song dấu tích giờ rất mờ, người xưa giờ chẳng biết lưu lạc nơi đâu sau chiến tranh.
Theo ông Sơn, nếu ông bán bốn khúc ngà thì sẽ lập tức có nhiều tiền song ông đang rất hứng thú với những câu hỏi do mình đặt ra và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Bởi với gia đình ông Sơn, lúc này tiền bạc không thành vấn đề song việc thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Cũng may, cậu con trai cả Nguyễn Hoàng Gia (25 tuổi) của tôi đã lãnh hội toàn bộ bí kíp của nghề thuộc da thú nên tôi đã rất yên tâm giao lại toàn bộ cơ nghiệp cho con”, ông Sơn bộc bạch.
Bình luận