Từ lâu, tôi đã được nghe ở Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có một dị nhân có thể ''nói chuyện'' với chim trời. Tuy nhiên, mãi đến những ngày cuối tháng 9/2017, trong một chuyến công tác cùng anh em đồng nghiệp ở Hà Nội vào Huế, tôi mới có cơ duyên được gặp dị nhân có biệt danh “người gọi chim trời”.
Người mà tôi đang nhắc đến là anh Trương Cảm (50 tuổi), hiện đang là cán bộ Kiểm lâm tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Video: Dị nhân trổ tài ''nói chuyện'' với chim nơi non thiêng Bạch Mã
Từ người phá rừng…
Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh Trương Cảm đó là người đàn ông tầm thước, dáng dấp như lực điền, nói chuyện lại bộc trực, thẳng thắn... Vị cán bộ kiểm lâm này thật thà đến mức, dù chưa được chúng tôi hỏi nhưng anh đã tự kể về quá khứ bẫy chim, phá rừng của mình.
Anh kể, tuổi trẻ của anh gắn với núi rừng, chim thú. Những năm 80 của thế kỷ trước, cũng như bao người dân khác của thôn Phú Thạnh (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) anh đã biết theo cha lên rừng săn thú, chặt cây rừng để kiếm tiền mua gạo.
Tốt nghiệp lớp 12, vì nghèo nên Trương Cảm từ bỏ giấc mơ đại học để ở nhà làm ruộng; đi rừng đốn gỗ, bẫy thú, chim rừng đem bán đổi lấy cơm. Cũng vì lẽ đó mà sau này nhiều người gọi anh là “lâm tặc”, nhưng theo Nguyễn Cảm cách gọi ấy có phần hơi nặng và anh chỉ nhận mình là “lâm nhân”. Bởi lẽ, thời ấy dân làng thi nhau lên rừng giăng bẫy đánh chim, đó được coi là công việc rất bình thường.
Cuộc đời phá rừng của anh Trương Cảm thay đổi từ sau lần bán chim trĩ bẫy được trong rừng và bị kiểm lâm bắt.
Trương Cảm nhớ lại, trong lần đem hai con trĩ sao bẫy được lên thành phố Huế bán có 2 vị khách ra giá rất cao kèm theo điều kiện phải đưa chim về bán tận nhà.
Chẳng phút nghi ngại, anh đồng ý lên xe về nhà khách giao chim. Nào ngờ, nhà của 2 vị ''khách sộp” ấy lại chính là trụ sở của Kiểm lâm tỉnh Bình Trị Thiên cũ (nay tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế).
Tại trụ sở kiểm lâm, Trương Cảm bị lập biên bản, tịch thu hai con chim trĩ sao mà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình. Chỉ đến khi nghe một kiểm lâm viên đọc luật anh mới mường tượng ra việc làm sai trái của mình.
Trở thành cán bộ kiểm lâm
Cũng trong lần bị bắt này, Trương Cảm khai ra các hoạt động săn bắt động vật hoang dã trái phép và cách thức nuôi chúng sống khỏe cho đến lúc bán được…
Hơn một tháng sau, 3 xe ô tô con đậu trước cửa nhà anh Cảm, người mặc áo trắng, người mặc áo xanh hăm hở đi vào. Tưởng lực lượng chức năng đến bắt mình đi, hoảng quá anh co giò chạy đi trốn. Mãi tới đêm, đói quá, Trương Cảm mò về nhà thì mẹ anh đưa cho anh một tờ giấy có ghi: "Em cố gắng hợp tác với đoàn nghiên cứu để tìm hiểu loài trĩ sao…".
Một tuần sau, anh Trương Cảm theo đoàn WWF (Quỹ về bảo vệ thiên nhiên) đến khe Ao thuộc vùng rừng Nam Đông (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng chỉ ngồi trong lán. Ba ngày sau, đoàn trở lại, cho rằng Cảm buôn trĩ sao từ nơi khác đến. Cảm xin ba sợi dây dù, một mình vào rừng và anh đã bắt được trĩ sao. Lúc bấy giờ, họ sung sướng ôm Cảm nhảy dựng lên.
Bẵng đi một thời gian, cuối năm 1985, đang lúc gặt lúa, có người lạ đến rủ anh về khu rừng cấm Bạch Mã (nay là Vườn Quốc gia Bạch Mã) và hứa sẽ cho anh nuôi chim. Người lạ ấy chính là Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo – Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã hiện tại. Đối với Trương Cảm, Tiến sĩ Kéo chính là người đã “cảm hóa” anh trở thành một cán bộ kiểm lâm Trương Cảm như hiện tại. Theo anh Cảm, Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo là người có tài thuyết phục người khác.
Năm 1988, anh Cảm theo lời mời gọi của Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo về làm bảo vệ tại rừng cấm Bạch Mã (Vườn Quốc gia Bạch Mã hiện tại). Theo anh Trưởng Cảm, có thể, đây là cách “lấy độc trị độc” của Tiến sĩ Kéo. Nó vừa giúp anh “cải tà quy chính” lại có cơ hội phát huy thế mạnh của mình.
Trương Cảm tâm sự, khi làm kiểm lâm, cái đau đớn nhất là mình lại đi bắt những người ngày xưa đã cùng mình đi bẫy chim rừng và chặt cây rừng. Cũng vì thế mà có thời gian nhiều người xa lánh và ghét bỏ anh. Tuy nhiên, dần dần, anh đã thuyết phục được họ bởi: “Tôi đã từng là một lâm tặc nên thấu hiểu hoàn cảnh của những người phá rừng. Họ đều nghèo khó, nếu chịu khó thuyết phục họ sẽ nghe”.
''Người gọi chim trời''
Trên đường dẫn tôi và các đồng nghiệp lên đỉnh Bạch Mã, anh Trương Cảm dẫn chúng tôi đi thăm quan những nền móng biệt thự của người Pháp xây dựng trên Bạch Mã.
Đang đi, văng vẳng đằng xa là tiếng hót lảnh lót của một loài chim. Như bản năng, Trương Cảm liền dùng tay đưa lên miệng và tạo ra thứ âm thanh giống hệt như tiếng hót của loài chim đang du dương trong núi rừng Bạch Mã.
Về sau, anh Cảm cho biết, tiếng hót đó là của loài chim Cu Rúc – một loại chim nhỏ có màu xanh rất đẹp ở Bạch Mã. Anh bảo: “Hôm nào tiếng chim cu rốc kêu rầm rộ, trời hôm ấy nắng to. Còn nếu mình gọi mà nó không ư hử gì thì y như rằng ngày mai mưa như thác đổ…”.
Theo Trương Cảm, anh có thể giả giọng hót của hàng trăm loại chim đang sinh sống trong núi rừng Bạch Mã. “Thật ra thì ai cũng có thể huýt sáo nhại tiếng chim, nhưng để nhại đúng phải biết “tông” của chúng. Tôi hiểu được rằng tất cả các loài chim đều có ngôn ngữ riêng của nó. Tiếng chim gọi bầy, tán tỉnh nhau, tiếng chim mẹ mớm mồi cho con khác nhau hoàn toàn. Ngôn ngữ của loài chim cũng như con người vậy, cũng có ghen tuông, giận dữ, cũng biết hơn thua đủ cả”, Trương Cảm tâm sự.
Nói về biệt tài này, anh Trương Cảm cho biết, ngay từ nhỏ, khi còn là cậu nhóc 10 – 12 tuổi anh đã theo bố lên rừng. Trong nhưng lần bắc võng đung đưa trong rừng già Bạch Mã nghe tiếng chim hót líu lo, anh cảm thấy thích thú với những âm thanh đó và tập tạo ra những âm thanh giống với loài chim đó. Cứ thế, dần dần, dường như anh hiểu được ngôn ngữ của từng loại chim.
Cùng với đó, khi được biên chế vào ngành kiểm lâm anh tiếp tục theo học tại trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế. Năm 1993, khi đang là sinh viên năm 2, Nguyễn Cảm nhận được học bổng sang vùng Nor Pas De Pais (Pháp) để nghiên cứu về các loài chim.
Tại đây, anh Cảm được giáo viên Pháp ngưỡng mộ đặc biệt về khả năng bắt chước tiếng chim. Và cũng tại đây, anh có điều kiện hơn để bắt chước tiếng hót của nhiều loài chim khác.
Bình luận