• Zalo

Gặp hoạ sĩ 'điên', nửa đêm mang cọ đi 'thay áo mới' cho phố phường Sài Gòn

Thời sựThứ Ba, 03/04/2018 07:53:00 +07:00Google News

Gần 3 năm nay, người dân trên đường Nguyễn Khoái, quận 4 (TP.HCM) không còn lạ lẫm với hình ảnh một ông lão ngày ngày dắt chiếc xe đạp cũ kĩ, trước giỏ là những hộp sơn màu đi “thay áo mới” cho những bức tường cũ khắp phố phường Sài Gòn.

Video: Người họa sĩ 'thay áo mới' cho phố phường Sài Gòn

Đó là ông Nguyễn Văn Minh ( 76 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM), một vài người sống gần nhà vẫn quen gọi đùa ông là "hoạ sĩ điên". Ông luôn quan niệm đến với tranh bích hoạ là một cái duyên và không mong muốn sự nổi tiếng.

Hành trình đến với nghề “múa cọ”

Ý tưởng vẽ tranh lên những bức tường cũ kĩ, hoen ố trong con hẻm để làm đẹp phố phường của ông Minh hình thành trong suốt 7 năm ông sống chung với chứng mất ngủ và những cơn bạo bệnh, phải cắt bỏ thận bị sạn và những cơn hen suyễn hoành hành.

Sau khi bệnh tình thuyên giảm, với sự ủng hộ từ gia đình, ông bắt đầu thực hiện “dự án” bích họa này.

Ông cho biết, ban đầu ông cũng lo lắng vì sợ mọi người không ủng hộ. Nhưng ngược lại, người dân ở đây tỏ ra rất thích thú với những bức tranh nhiều màu sắc và các thông điệp của ông. Và cũng kể từ đó, ông lấy đó làm động lực để tiếp tục vẽ.

“Cứ 2 - 3h sáng không ngủ được là tôi cầm sơn với cọ đi vẽ, lúc đó yên tĩnh, vẽ nhanh lắm. Ban đầu người ta còn tưởng cái đầu tôi có vấn đề vì tôi cứ vẽ lúc người ta đi ngủ, một số người còn nói tôi bị điên.

Rồi sau đó, lối xóm thấy tôi vẽ cũng đẹp, cũng hay mà lại sạch sẽ thêm, mọi người cũng từ từ ủng hộ, có người thấy tranh tôi ấn tượng còn kêu tôi về vẽ cho họ” ông Minh vui vẻ chia sẻ.

qqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqqq 3

Ông Nguyễn Văn Minh mang cọ đi 'thay áo mới' cho phố phường Sài Gòn.

Được biết, ông Minh từng theo học chuyên ngành mỹ thuật ở một trường đại học tại Đà Lạt. Tuy nhiên, vì chiến tranh ông phải dừng việc học giữa chừng. Sau khi chiến tranh qua đi, ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng rất nhiều nghề và đi dạy học tại một trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật trên địa bàn quận 4.

Ông cũng là một trong những người hiếm hoi đưa môn võ thuật vào giảng dạy cho trẻ em khuyết tật với mong muốn các em được rèn luyện thể lực và bản lĩnh tự vệ.

Nhưng quá trình giảng dạy của ông bị tạm dừng khi sức khoẻ ông bắt đầu yếu dần và từ đó ông mong muốn được hoạt động mỹ thuật để viết tiếp đam mê còn dang dở của mình.

Trung bình, một bức tranh được ông vẽ trong 2 ngày, tuỳ vào kích thước và chủ đề của bức tranh. Ngoài vẽ những bức tranh đồng quê, di tích,...ông còn ghi thêm những câu thơ, những thông điệp lên tranh để nhắc nhở mọi người về an toàn giao thông, cách sống đẹp, sống lạc quan.

Những bức tranh của ông đều lấy cảm hứng từ quê hương, điểm đến nổi tiếng của các tỉnh thành hay những nơi ông đã đi qua, những vấn đề thời sự mà ông đã được nghe trên đài, sách báo,...

Ông quan niệm, con người dù đi đâu cũng phải hướng về quê hương nên ông vẽ nó cho những ai xa quê sẽ nhớ về khi họ bắt gặp quê mình trên tranh của ông.

"Đi vẽ là đã hình dung trong đầu sẽ vẽ gì rồi nên không bao giờ thiếu màu. Vẽ để cuộc đời đẹp hơn", ông Minh chia sẻ.

29749073_1016226361868529_462419114_o copy 4

Ngày ngày với chiếc xe đạp cũ kĩ, trước giỏ là những hộp sơn màu, ông Minh đi “thay áo mới” cho những bức tường trống khắp các phố phường Sài Gòn.

Đam mê hội hoạ và niềm vui tô điểm phố phường

Đến nay, ông Minh đã cho ra đời được hơn 40 bức hoạ với các chủ đề khác nhau trong mọi ngõ ngách của các con hẻm. Điều đặc biệt, ngoài bỏ công, bỏ sức ra thì mọi chi phí mua nước sơn, cọ vẽ ông đều tự bỏ tiền túi ra mua mà không lấy của ai bất kì đồng nào.

Đôi khi ông được các đơn vị tài trợ hoặc có nguồn thu từ phần thưởng đạt được qua các cuộc thi vẽ. Ông đã từng đạt giải nhất cuộc thi vẽ chủ đề “bảo vệ môi trường 2017” do thành phố tổ chức, tham gia chương trình “tiếng hát mãi xanh”,…

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Minh luôn nhắc đến tấm lòng và trách nhiệm của một người nghệ sĩ cầm cọ. Ông cho rằng: “Việc gì cũng vậy, trước tiên phải có tấm lòng, đi theo đó là sự kiên nhẫn cộng thêm niềm đam mê. Có vậy mới có thể vượt qua khó khăn được”.

"Khi đã cầm cọ, vẽ làm sao cho lành mạnh, hợp vào thị hiếu của người nhìn. Ví dụ, cảnh đồng quê sẽ cho con người miền Tây họ nhớ về quê hương, cảnh mùa xuân, hoa lá… Bản thân phải thật lành mạnh, phải học hỏi nhiều, cố gắng. Đã cầm cọ thì phải làm sao để tranh có ý nghĩa và được mọi người đón nhận”, ông Minh nhấn mạnh.

q

Theo ông Minh, khi đã cầm cọ là phải vẽ làm sao cho lành mạnh, hợp vào thị hiếu của người nhìn.

Một ngày của ông Minh chỉ xoay quay việc đi vẽ và đi dạy võ cho trẻ em khuyết tật. Ông kể, ngoài quận 4 thì gần đây ông còn tự đạp xe sang các quận 7 và quận 8 để tiếp tục tô điểm cho các con hẻm nhỏ.

Ông không hề tỏ ra mệt mỏi về việc đó, ngược lại ông còn thấy vui và luôn mong muốn mình có nhiều sức khoẻ để tiếp tục vẽ, tiếp tục làm đẹp cho phố phường.

“Khi nào còn sức thì còn vẽ. Tuổi già của tôi bây giờ chỉ là vẽ thôi. Là làm đẹp cho đời, là sống một cuộc sống như một nghệ sĩ”, ông luôn nói như vậy với mọi người và học sinh của mình.

Khi nhắc về dự định trong tương lai, ông cho biết, vẫn muốn tiếp tục giúp đỡ trẻ em khuyết tật và kết hợp với trung tâm để mở lớp dạy vẽ cho các bạn trẻ đam mê hội hoạ.

Ông luôn mong muốn được lưu giữ và nhân rộng việc “phủ tranh” lên mọi con hẻm, mọi ngõ ngách của thành phố, đó cũng là cách để ông cũng như thế hệ trẻ làm đẹp cho thành phố, cống hiến cho xã hội.

Phước Tấn
Bình luận
vtcnews.vn