Nhiều ngày nay, thông tin cụ bà Trịnh Thị Khơng ở Đồng Nai đã 119 tuổi, cao hơn 2 tuổi so với người già nhất thế giới, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.
Theo giấy tờ tùy thân và thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước, cụ Khơng sinh năm 1905, quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, hiện sống tại ấp 2, xã Bình Lộc, TP Long Khánh, Đồng Nai. Với số tuổi 119, cụ Khơng cao tuổi hơn cả cụ bà Maria Branyas Morera (sinh năm 1907, quốc tịch Pháp), đang được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là người cao tuổi nhất thế giới.
Gặp cụ bà cao tuổi nhất thế giới đang sống ở Đồng Nai.
Có gần 150 con cháu
Để được gặp mặt cụ bà có tuổi thọ đặc biệt, chúng tôi tìm về Bình Lộc và được một cán bộ xã dẫn tới nhà cụ Khơng. Trong căn nhà cấp 4 đơn giản, cụ Khơng ngồi trên chiếc giường đơn, trông trẻ hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi.
Đón chúng tôi là một phụ nữ có vẻ ngoài tầm 60 tuổi, rất tháo vát và hoạt ngôn. Nghe chúng tôi chào cô, bà cười xòa: "Bà 82 tuổi rồi". Bà là Đỗ Thị Ninh, con gái thứ hai của cụ Khơng.
Cụ Trịnh Thị Khơng, 119 tuổi.
Dù vẫn nghe rõ chúng tôi hỏi chuyện, cụ Khơng không nói được nhiều; phần vì trí nhớ, phần vì tuổi đã quá cao, trò chuyện cũng là điều khó khăn. Tuy vậy, cụ vẫn đủ sức bế đứa chắt ngoại, lấy đó làm niềm vui tuổi già.
"Mẹ tui mới bị mệt hai hôm nay thôi, chứ mấy bữa trước còn tỉnh táo, nhanh nhẹn lắm", bà Ninh nói, cho biết cụ Khơng sinh ra 7 người con (4 trai, 3 gái) ở quê hương Triệu Sơn, Thanh Hóa. Một số người di cư vào miền Nam lập nghiệp, riêng con trai đầu của cụ đã hơn 90 tuổi vẫn sinh sống ở Thanh Hóa.
Chồng là liệt sỹ, hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, một mình cụ Khơng phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy 7 người con.
"Mỗi người con lại sinh thêm 5-7 đứa cháu nữa. Giờ mà nói chính xác mẹ tôi có bao nhiêu con, cháu, chắt, chút, chít thì không thể nhớ được. Con út của tôi năm nay cũng 45 tuổi rồi, con của nó cũng lớn hết rồi. Nếu ước chừng số con cháu của mẹ có khoảng 150 người", bà Ninh nói.
Cụ Khơng và con gái Đỗ Thị Ninh (82 tuổi).
Hằng năm, cứ đúng mùng 4 Tết, con cháu lại tập trung về thăm cụ Khơng. Nhà chật kín người, tìm chỗ ngồi cũng khó. Nhưng cảm giác quây quần đó là điều hạnh phúc nhất mà bà Ninh mong muốn.
Hiện con cháu ở gần vẫn thường tranh thủ về thăm cụ hàng tuần. Những lúc như vậy, cụ phấn chấn hẳn. Có hôm khỏe và tỉnh táo, cụ ngồi nói chuyện với mấy đứa cháu từ chiều tới tối.
Việc ăn uống của cụ Khơng không khó. Hiện cụ chỉ ăn cháo dinh dưỡng và thi thoảng thay đổi bằng nước yến. Khẩu phần ăn được chia nhỏ thành nhiều bữa mỗi ngày.
Có một điều rất đặc biệt, đó là dù già yếu, không thể đi lại, cụ vẫn cực kỳ sạch sẽ, gọn gàng. Vài ba bữa, các cháu lại bế cụ đi tắm gội, tuyệt đối không để cụ tự bước đi.
"Nhiều lần mẹ tôi cũng muốn tự đi, nhưng mà tụi tôi không cho. Giờ mẹ già quá rồi, đi lại nhỡ ngã thì rất nguy. Thời gian này luôn phải có người ở nhà trông mẹ, phải để mắt tới cụ hàng giờ, tại sợ mẹ đi bất thình lình", bà Ninh cho hay.
Cụ Khơng hiện vẫn khỏe, minh mẫn.
Từng chết đi sống lại, tóc bạc bỗng trổ đen
Bà Ninh nói, thi thoảng cụ Khơng vẫn bị mệt theo đúng quy luật của tuổi già, còn những trận ốm thập tử nhất sinh thì rất hiếm. Ngoài lần bị ngã vào năm 2018 khiến sức khỏe yếu đi và "màn chết đi sống lại" 3 năm trước thì cụ luôn khỏe mạnh, minh mẫn.
Thấy chúng tôi thắc mắc về câu chuyện "chết đi sống lại", bà Ninh kể: "Trước năm 2018 mẹ tôi vẫn khỏe lắm, còn phụ tôi làm việc nhà như quét dọn, lột vỏ đậu phộng, nhổ cỏ vườn... Năm 2018 mẹ bị ngã, gãy xương bánh chè, sức khỏe yếu đi từ đó.
Hồi đó mẹ cũng 112 tuổi rồi, bác sỹ bảo già quá nên không phẫu thuật thay được, đành phải đưa về dùng thuốc Nam. Sau 3 tháng bó thuốc Nam thì mẹ tự khỏi. Còn trận ốm cách đây 3 năm trước, lúc đó mẹ ngưng thở rồi, cả nhà tưởng mẹ đi thật rồi, chuẩn bị lo hậu sự rồi thì mẹ sống lại".
Lấy việc sum vầy bên con cháu làm niềm vui tuổi già.
Bà Ninh kể, 3 năm trước, đúng thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, chồng bà và cụ Khơng đều bệnh nặng. Hai người được đặt nằm trên hai giường đối diện nhau. Lúc đó, mọi người trong gia đình đều đinh ninh cụ Khơng sẽ đi trước, vì thời điểm đó cụ rất yếu. Tuy nhiên, sau đó người mất lại là chồng bà Ninh.
"Lúc đám cưới cháu ngoại của tôi, cháu thì phải đi lấy chồng, còn bà cố thì nằm liệt giường. Đến cái ngày rước dâu thì cụ chết, chết hẳn từ sáng, ngưng thở, chân tay lạnh ngắt. Gia đình lúc đó buộc phải xử lý đám cưới nhanh, một số người đưa cháu về nhà chồng, một số ở nhà lo hậu sự cho cụ. Lúc về nhà, tôi đang dọn dẹp để đưa cụ lên trên nhà làm lễ viếng thì đứa em tôi ngồi bên cạnh sờ cụ rồi thắc mắc sao tay chân mẹ tự nhiên ấm.
Sau đó nó mới la lên: 'Mẹ ấm người rồi chị ơi, mẹ ấm rồi!'. Nghĩ có điều kỳ lạ, chúng tôi để cụ tiếp tục nằm đó. Đúng y như rằng, 2 tiếng sau cụ bắt đầu thở lại. Hai ngày sau thì mẹ tôi khỏe bình thường, ngồi dậy được", bà Ninh kể.
Người trẻ đến xin chụp hình với người cao tuổi nhất thế giới.
Ly kỳ hơn, đợt cụ Khơng đổ bệnh, gia đình đã cạo tóc để cụ bớt nóng nực giữa mùa hè miền Nam. Sau khi "chết đi sống lại", cụ thắc mắc sao lại cạo hết tóc của mình. Rồi tóc bắt đầu mọc lại, trổ đen.
"Nói chung là có nhiều chuyện lạ lắm, cũng không biết giải thích thế nào. Nhưng thôi kệ, mẹ khỏe và sống lâu là con cháu mừng rồi", bà Ninh nói.
Mỗi tháng, cụ Khơng được nhận chế độ trợ cấp của Nhà nước là 1,1 triệu đồng. Riêng người chăm sóc cụ Khơng được Nhà nước hỗ trợ 300.000 đồng/tháng.
Ông Đỗ Chánh Quang, Chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết, đối với các cụ lớn tuổi, mỗi năm địa phương đều có hoạt động thăm hỏi sức khoẻ và mừng thọ. Với trường hợp của cụ Khơng, TP đang đề nghị người nhà cung cấp thêm các hồ sơ liên quan. Hiện gia đình, chính quyền địa phương đang thực hiện các thủ tục liên quan để công nhận cụ Khơng là người cao tuổi nhất thế giới.
Bình luận