Với những thành công vượt trội như tiết kiệm chi phí, thời gian phục hồi, lại an toàn cho người bệnh, kỹ thuật mổ “nội soi tuyến giáp” được nhiều người kính trọng, gọi chính người tạo ra nó “DR LUONG”.
Không vì ai, chỉ vì người bệnh
Nói về lý do cho ra đời kỹ thuật khiến cả thế giới nể phục, “mổ nội soi tuyến giáp”, PGS.TS Trần Ngọc Lương chỉ mỉm cười nói: “Không vì ai cả, tôi vì người bệnh”.
Theo ông, nước ta có khoảng 7-10% người bệnh bị bướu cổ, bao gồm cả những bệnh nhân về tuyến giáp. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc tới 70%. Trước đây, nếu mổ mở tuyến giáp theo cách truyền thống sẽ để lại nhiều sẹo lồi, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Điều đó khiến nhiều người có tâm lý lo sợ có sẹo không dám phẫu thuật, dẫn đến tình trạng bệnh quá nặng mới tới viện. Vì vậy, bác sĩ Lương quyết tâm phải cho ra bằng được một kỹ thuật mới, nhằm giúp ích cho người dân.
Lúc đó ông rất nhiều trăn trở, nhiều đêm mất ngủ. Là người thầy thuốc, ông không đành lòng để những bệnh nhân phải chịu thêm nỗi đau bệnh tật. Trải qua nhiều ngày suy nghĩ, tìm tòi cuối cùng ông cũng sáng tạo ra phương pháp mổ mới “nội soi tuyến giáp”.
Năm ấy, chỉ có 3 nước trên thế giới là có thể mổ nội soi tuyến giáp là: Hàn Quốc, Nhật Bản và Ytalya. Nhưng các kỹ thuật này đều khác với cách ông làm. Người thì mổ bằng robot, người thì mổ qua vết rạch trên cổ bệnh nhân, còn các chuyên gia Nhật Bản thì mổ bằng khung nâng. Nhưng kỹ thuật này khá khó.
Ngoài ra, để mổ theo các phương pháp trên, bệnh nhân cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền. Còn với “nội soi tuyến giáp”, chỉ cần dụng cụ đơn giản, giá thành lại rẻ.
Năm 2003, bác sĩ Lương thực hiện ca mổ đầu tiên bằng phương pháp này cho bệnh nhân. "Cảm xúc thật hạnh phúc và rất khó diễn tả thành lời", bác sĩ Lương nói.
PGS Lương cho biết, tính đột phá của nội soi tuyến giáp là chỉ với vết rạch nhỏ (khoảng 0,5 – 1cm) trên da vùng nách, ngực, phẫu thuật viên sẽ đưa dụng cụ qua con đường trên để xử lý các khối u tuyến giáp.
Phương pháp này có thể rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh, giúp họ dễ dàng quay lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường sớm hơn, tự tin trong giao tiếp, không cần che cổ bằng tay hay đồ trang sức như trước đây.
Ngoài ra, do chỉ cần dùng dụng cụ mổ nội soi thông thường, không phải dùng dụng cụ chuyên biệt như nhiều nước trên thế giới, lại do chính chuyên gia Việt thực hiện, nên giá thành của mỗi ca phẫu thuật không quá cao. Bệnh nhân có điều kiện kinh tế thấp trung bình cũng có thể thực hiện.
Một ca cắt thùy tuyến giáp ở Singapore lúc đó mổ mất 2 giờ đồng hố, công thêm chi phí lên tới 8.000-10.000 USD. Còn với nội soi tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì chỉ cần 30 phút và chi phí từ 300-400 USD.
Không chỉ có vậy, mổ theo phương pháp này đặc biệt an toàn. Bởi thông qua nội soi, tuyến cạn giáp và dây thần kinh quặt ngược sẽ được hiện rõ, dễ dàng xử lý, để tách bóc ra khỏi tuyến giáp một cách an toàn hơn.
"Đây là hai cấu trúc đặc biệt quan trọng, bởi nếu có tổn thương, giọng của bệnh nhân sẽ bị khàn, thậm chí không nói được, co giật, tay chân co lại, khó thở sau khi mổ”, PGS Lương chia sẻ.
Đến Việt Nam học “DR LUONG”
Sau sự ra đời của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên “DR LUONG” năm 2003, từ năm 2016 đến nay, PGS.TS Trần Ngọc Lương cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công 5.381 ca mổ nội soi tuyến giáp, tiết kiệm cho bệnh nhân và người nhà số tiền lên tới hơn 40 triệu USD.
Thành công này mang lại ý nghĩa không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bởi vừa giảm bớt chi phí, lại giúp họ giữ được sức khỏe, quên đi nỗi lo bệnh tật.
“Tiếng lành đồn xa”, từ năm 2009, có rất nhiều học viên trong đó có cả bác sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới đến Việt Nam mong muốn được học hỏi kỹ thuật này.
"Từ năm 2009, tôi đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho gần khoảng 20 nước. Trong đó có 327 giáo sư, bác sĩ đến từ: Bồ Đào Nha, Indonesia, Singapore, Phipippine, Ấn Độ, Úc…
Ở Việt Nam, các bệnh viện như: Chợ Rẫy, Cần Thơ, Nghệ An, Viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… cũng cử bác sĩ đến học tập và triển khai phương pháp này.
Một số nước còn mời tôi sang để đào tạo nhưng tôi khá bận, chỉ cử các đồng chí trợ lý đi hỗ trợ. Việt Nam cũng có nhiều người đi điều trị ở nước ngoài còn kể lại với tôi rằng. Khi sang đó phẫu thuật, bác sĩ nói với họ rằng “Sao không ở Việt Nam mà mổ, Việt Nam có PGS Lương, chính ông ấy dạy chúng tôi kỹ thuật này mà”. Thế rồi người bệnh đó mới quay về gặp tôi”, PGS Lương cười nói.
Không ngừng phấn đấu, học hỏi
Sau thành công của kỹ thuật nội soi tuyến giáp mang chính tên mình, đến nay, PGS. TS Trần Ngọc Lương vẫn không ngừng học hỏi, cho ra đời những kỹ thuật mới.
Trong đó phải kể đến như: Phẫu thuật đốt hạch giao cảm để chữa chứng ra mồ hôi tay với thời gian mổ nhanh chỉ 3-4 phút, gây mê bằng ống nội khí quản 1 nòng, tiết kiệm tiền cho bệnh nhân. Các loại phẫu thuật tuyến nội tiết khác như u nội tiết tuyến tụy, u tuyến thượng thận... hay gần đây nhất phải kể đến kỹ thuật nội soi u xơ tuyến vú…
Với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong nghề, PGS Lương đào tạo được nhiều bác sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa và nghiên cứu sinh trên cả nước, đóng góp cho sự phát triển của nền y học nước nhà.
Quá trình công tác, PGS Trần Ngọc Lương cũng là người giữ vai trò là “đầu tàu” góp phần đưa Bệnh viện Nội tiết Trung ương trở thành bệnh viện đầu ngành trong cả nước về chuyên ngành nội tiết.
Với những thành tích đạt được, TTND.PGS.TS.BS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là người có “bàn tay vàng” trong lĩnh vực y tế nước nhà, được nhiều chuyên gia, bác sĩ ở Việt Nam và trên thế giới phải nể phục.
Năm 2019, TTND. PGS.TS.BS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho “Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất”.
Ngoài danh hiệu trên, bác sĩ Lương cũng đạt vô số các giải thưởng và danh hiệu cao quý khác như: Đoạt loại xuất sắc để tại cấp nhà nước với nghiên cứu phẫu thuật nội soi tuyến giáp; Giải Nhất giải thường Nhân tài đất Việt nam 2014; Cùng nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ Y tế…
Tuy nhiên, khi chia sẻ về những thành công đạt được, PGS. TS Trần Ngọc Lương luôn trăn trở: “Tôi là thầy thuốc, sứ mệnh là phải làm sao để chia sẻ bớt gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân. Biết là người bác sĩ không phải cái gì cũng có thể làm được, nhưng hiện tại và cả tương lai, tôi vẫn không thể ngủ yên nếu ngoài kia vẫn còn nhiều căn bệnh chưa thể chữa khỏi, nhiều bệnh nhân vẫn phải ra đi. Vì vậy, tôi luôn tự dặn bản thân phải không ngừng vươn lên, cố gắng hơn nữa”, PGS Lương nói.
Bình luận