• Zalo

Gang thép Thái Nguyên: Lợi nhuận, doanh thu cùng lao dốc

Kinh tếChủ Nhật, 21/07/2019 07:35:00 +07:00Google News

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tisco 6 tháng đầu năm giảm lần lượt 5,4% và 10,4% so với cùng kỳ 2018.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã chứng khoán TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với kết quả kém khả quan. Theo đó, lãi hợp nhất sau thuế của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 37,5 tỷ đồng, giảm 10,4% so cùng kỳ 2018 (đạt xấp xỉ 42 tỷ đồng).

Đây có thể coi là mức lợi nhuận khiêm tốn với doanh nghiệp từng là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép, hiện có tổng tài sản hơn 10.209 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 1.896 tỷ đồng.

tisco

 Doanh thu và lợi nhuận Gang thép Thái Nguyên lao dốc trong 6 tháng đầu 2019. (Ảnh: VNE)

Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, doanh thu thuần của Tisco cũng lao dốc 5,4% trong nửa đầu năm, ghi nhận ở mức 5.486 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian trên, Tisco ghi nhận 1,9 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm 22,2%. Nguyên nhân chủ yếu do sụt giảm về lãi tiền gửi, cổ tức, cùng một số hoạt động tài chính khác.

Chi phí tài chính trong hai quý đầu năm cũng giảm từ 120 tỷ đồng xuống 118 tỷ đồng, tức giảm 1,6%. Nhờ giảm chi phí nhân viên bán hàng cùng vât liệu bao vì đã khiến chi phí bán hàng giảm 16,5% từ 27,3 tỷ đồng trong kỳ trước xuống 22,8 tỷ đồng ỳ này.

Trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 102,7 tỷ đồng, tương đương 2,2%.

Tính riêng trong quý II, Tisco đạt doanh thu thuần 2.676 tỷ đồng, giảm 15,1%. Lợi nhuận sau thuế đạt 29,3 tỷ đồng, giảm 2,6%.

Tisco đang gánh khoản nợ phải trả hơn 8.313 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 4.402 tỷ đồng. Nợ lớn khiến Tisco phải trả hơn 115,4 tỷ đồng lãi suất vốn vay từ đầu năm. Riêng lãi suất vay quý II là gần 76,6 tỷ đồng.

Tisco vốn là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam nhưng nay đang sa sút nghiêm trọng. Trong tài liệu gửi cổ đông hồi tháng 4, lãnh đạo Tisco thừa nhận doanh nghiệp này đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Theo đó, vốn điều lệ của Tisco tới cuối 2018 gần 1.937 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm khoảng 82% cơ cấu vốn. Vốn chủ sở hữu chiếm 18% tổng nguồn vốn.

“Nợ phải trả quá nhiều, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn của Tisco không an toàn. Ngoài ra, khả năng thanh toán của công ty hiện là 0,7 lần, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn”, báo cáo của Ban Kiểm soát nêu.

Những khó khăn này phần lớn đến từ việc chậm tiến độ Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên. Triển khai từ 2007 nhưng đến nay các hạng mục dự án này chưa hoàn thành, nhiều hạng mục “đắp chiếu” có dấu hiệu hư hỏng.

Dự án có tổng mức đầu tư dự tính ban đầu gần 3.844 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh được phê duyệt là hơn 8.105 tỷ. Tổng chi phí đầu tư tới cuối năm 2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay 1.888 tỷ.

Năm 2015 dự án này bị đưa vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình triển khai, thực hiện.

Trên thị trường chứng khoán, mã TIS của Tisco giao dịch quanh mốc 10.000 đồng/cổ phiếu (ngày 19/7) và gần như không có thanh khoản những phiên giao dịch gần đây.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn