Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến 17h ngày 17/8/2022 cả nước có 940.845 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm. Tổng số thí sinh nhập nguyện vọng là 577.292 với lượng nguyện vọng là 2.710. 836 4. Như vậy, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 4,7 nguyện vọng.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh được đăng ký và thay đổi nguyện vọng không giới hạn đến 17h ngày 20/8. Nếu theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thì đến 17h ngày 17/8 – sát "giờ G" vẫn còn khoảng gần 400.000 thí sinh chưa nhập các nguyện vọng xét tuyển.
"Một thí sinh đăng ký 30-50 nguyện vọng"
TS Lê Đình Nam, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo thí sinh không nên đợi đến sát thời gian hết hạn mới đăng ký. Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng ưu tiên theo mức độ yêu thích.
Để đảm bảo an toàn và tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên căn cứ vào mức điểm chuẩn 2 năm gần nhất, đặc biệt là năm 2021 cũng như mức điểm đạt được của bản thân để lựa chọn các nguyện vọng.
“Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh trong 1 đợt, Bộ GD-ĐT cũng không cung cấp dữ liệu đăng ký của thí sinh cho các trường, do đó rất khó để có dữ liệu cho các trường đại học dự báo điểm chuẩn. Song phổ điểm năm nay và năm ngoái thay đổi không nhiều, nhìn chung có một số ngành có thể tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ, và sẽ không nhiều đột biến.
Các em chỉ cần tham khảo mức điểm chuẩn 2 năm gần nhất, nếu cảm thấy chắc chắn, các nguyện vọng đã đăng ký có khả năng trúng tuyển cao thì không cần đăng ký quá nhiều, nhưng nếu chưa chắc chắn, mới chỉ ở mức 50 -50 thì nên đăng ký thêm nguyện vọng để an toàn hơn. Một thí sinh đăng ký đến 30-50 nguyện vọng là bình thường, không có gì ngại. Năm nay tôi được biết đã có thí sinh đăng ký đến 99 nguyện vọng”, TS Lê Đình Nam cho biết.
Thầy Nam cũng nói thêm rằng, năm nay dù Bộ GD-DT cũng như các trường đã hướng dẫn khá nhiều về quy chế tuyển sinh, nhưng nhiều thí sinh vẫn chưa hiểu hết.
Với quy định như hiện nay, để trúng tuyển vào một ngành, thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức khác nhau. Nếu có thể đáp ứng được tất cả các phương thức xét tuyển trong 1 ngành, thì thí sinh nên đăng ký tối đa các phương thức để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành yêu thích.
“Có em đáp ứng được yêu cầu 3/5 phương thức, nhưng lại nghĩ rằng phương thức này khả năng trúng tuyển không cao mà bỏ qua, chỉ đăng ký 1 phương thức duy nhất, đây là tư duy hoàn toàn sai, khi có nhiều cánh cửa lựa chọn thì các em nên tối đa hóa khả năng trúng tuyển vào ngành đó”, TS Lê Đình Nam nói.
Cần kiểm tra kỹ các nguyện vọng đã đăng ký
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, trong những ngày cuối đăng ký xét tuyển, thí sinh cần kiểm tra kỹ lại thứ tự, số lượng các nguyện vọng đã đăng ký.
Với những thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng, cần cân nhắc kỹ lựa chọn ngành mong muốn học, liệt kê ra các trường có đào tạo ngành đó, bao gồm cả những trường top trên, top giữa và những trường có mức điểm chuẩn thấp hơn nữa. Thí sinh cũng cần xem lại tổ hợp điểm xét tuyển của ngành theo kết quả thi thi THPT tương ứng mà thí sinh có điểm cao nhất.
Thí sinh cần căn cứ vào mức điểm tổ hợp đạt được và điểm trúng tuyển năm trước của các trường định học để đặt nguyện vọng tương ứng.
“Dự kiến điểm chuẩn các trường năm nay trong đó có trường đại học Mỏ - địa chất sẽ biến động chủ yếu của các khối ngành hot như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Kỹ thuật điều khiển tự động với mức điểm có thể tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm. Các khối ngành khác không biến động nhiều hoặc có thể bằng năm trước”, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát cho biết.
Thầy Nguyễn Đức Khoát cũng lưu ý, trường hợp thí sinh đã trúng tuyển vào các phương thức và trường mong muốn theo phương thức xét tuyển sớm, thì cần đăng ký ở nguyện vọng 1 để chắc chắn đỗ. Sau khi lựa chọn xong các nguyện vọng, thí sinh cần kiểm tra thật kỹ xem đã nhập đúng thông tin hay chưa.
Từ ngày 21/8-28/8, là thời gian thí sinh đóng lệ phí cho các phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu thí sinh không đóng lệ phí, thì nguyện vọng đó sẽ không được tính.
Đến thời điểm hiện tại, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát cho biết, các câu hỏi mà thí sinh thường đặt ra trong quá trình tư vấn tuyển sinh như điểm trúng tuyển dự kiến, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, hay các yếu tố cần quan tâm khi học ở môi trường đại học.
Bên cạnh đó cũng ít gặp các sai sót của thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học năm nay do đã có đa dạng các kênh để thí sinh có thể liên lạc, nhận hỗ trợ khi cần.
Còn theo Ths Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Đào tạo đại học Luật TP.HCM, với quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì năm 2022 thí sinh chỉ có 1 hình thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển là trực tuyến trên hệ thống của Bộ.
Trên Hệ thống này có hướng dẫn các bước, quy trình để thí sinh thực hiện và yêu cầu thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.
Sau khi đăng ký thành công, thí sinh thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra các thông tin đã đăng ký đảm bảo đầy đủ thông tin như đã khai báo trước đó. Sau đó, từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8 thì phải xác nhận số lượng và thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến.
Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc quá thời hạn mà chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh.
Tại thời điểm này, thí sinh kê khai thông tin về ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng chính sách trên hệ thống của Bộ đảm bảo chính xác, đúng quy chế.
Trường hợp chưa rõ về chính sách ưu tiên, thí sinh cần liên hệ với các thầy cô ở trường THPT hoặc tại nơi cấp tài khoản đăng ký xét tuyển hoặc tại các trường đại học, cao đẳng để được hướng dẫn. Đối với thí sinh thuộc khu vực 2 nông thôn được hưởng điểm ưu tiên khu vực là 0,5 điểm.
Đối với các trường đại học, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, các trường cần khẩn trương rà soát danh sách thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển, nếu thí sinh chưa đăng ký trên hệ thống hoặc chưa đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển tại cơ sở đào tạo nhưng lại đăng ký trên hệ thống, hoặc có thể đăng ký không đúng với thông tin của ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển (sai về CMND, mã ngành xét tuyển, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển...) thì cần thông báo cho thí sinh biết để vào đăng ký hoặc để sửa sai và đăng ký lại nguyện vọng.
Các cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển sớm và công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp) phải được đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng nếu thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển (bất kể là thí sinh đăng ký thứ tự nguyện vọng nào); không được quy định hoặc yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên Hệ thống mới được trúng tuyển; tuyệt đối không được xét tuyển lại (tăng hoặc giảm mức điểm trúng tuyển) để loại bớt hoặc tăng thêm thí sinh.
Bình luận