(VTC News) – Số liệu được Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) công bố trong khuôn khổ Hội thảo tạo dựng môi trường làm việc an toàn cho nhà báo.
Trước thực trạng nhà báo bị cản trở tác nghiệp trong thời gian qua và tại Đà Nẵng nói riêng. Sáng 14/2, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Tạo dựng môi trường làm việc an toàn cho nhà báo.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện của các cơ quan TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các cơ quan báo chí trên địa bàn TP Đà Nẵng.Theo Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển, có đến 87,9% phóng viên báo chí bị cản trở tác nghiệp
Tại Hội thảo, RED đã công bố kết quả điều tra trực tiếp ngẫu nhiên đối với 384 người làm báo trong thời gian từ ngày 1/7-15/8/2011 trên khắp cả nước có đến 87,9% phóng viên báo chí bị cản trở tác nghiệp được nhận diện trong khoảng 12 nhóm hành vi như né tránh cung cấp thông tin (52,6%), Gây khó dễ (47,66%), Có ý ngăn chặn gián tiếp hoạt động tác nghiệp (33,85%), mua chuộc để không đăng tin…(24,48%), thu giữ phương tiện (20.57%), đe dọa (18,49%)…
Riêng tại Đà Nẵng, trong kết quả khảo sát ngẫu nhiên đối với 22 nhà báo, có đến 21 người xác nhận từng bị cản trở bời nhiều hình thức. Trong đó, né tránh cung cấp thông tin chiếm tỷ lệ cao nhất 42,8%, Gây khó dễ 38%, ngăn chặn gián tiếp 28,5%... Mới nhất là vụ việc phóng viên Ngọc Đoan (Báo Đà Nẵng) bị lực lượng công an cản trở, áp giải về trụ sở khi đang tác nghiệp tại phường Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, Trưởng VPĐD Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng chia sẻ, để tạo dựng cần có thiện chí từ 2 phía cơ quan chức năng và báo chí. Trước hết, các cơ quan báo chí nên chủ động yêu cầu họp báo cung cấp thông tin, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hiểu được sự cần thiết của sự minh bạch, công khai của thông tin.
Bửu Lân
Bình luận