Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện việc tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia. Mức tiêu thụ rượu bia theo đầu người vẫn có xu hướng tiếp tục tăng.
Tính bình quân đầu người trên 15 tuổi ở cả hai giới, một người Việt uống 8,3 lít cồn nguyên chất (năm 2016).
Số liệu của Bộ Y tế cũng cho thấy trong 5 năm 2010-2015, số nam giới Việt uống rượu bia tăng 15%. Hơn 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới người Việt sử dụng rượu, bia ở mức có hại, tức là trong 30 ngày có ít nhất một lần uống từ 60g cồn trở lên.
Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Những nguy cơ với sức khỏe tăng một cách rõ rệt nếu một người uống quá hai đơn vị cồn trở lên trong một ngày và nhiều hơn 5 ngày trong một tuần.
Với những người uống rượu bia ở mức nguy hại, rượu bia có thể gây ra những tổn thương cấp tính hoặc lâu dài đối với sức khỏe về thể chất như tổn thương gan, suy chức năng gan, xơ gan, bệnh tim mạch, trầm cảm, loạn thần hoặc gây ra các hậu quả xã hội, tai nạn thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc...
Theo số liệu mới nhất do WHO cập nhật năm 2018, về tỷ lệ thiệt mạng và bệnh tật do bia rượu, Việt Nam đứng trong nhóm 4 về mức độ nặng nề (WHO chia 5 nhóm, trong đó 1 là nhóm có gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu thấp nhất thế giới, 5 là nhóm cao nhất).
Trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 được lãnh đạo của 154 quốc gia thành viên (có Việt Nam) thông qua năm 2015, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 169 chỉ tiêu, xoay quanh khía cạnh giúp phát triển con người bền vững, đó là: Xã hội, Môi trường và Kinh tế. Với mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam ở mức báo động như hiện nay sẽ là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.
Do đó, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đặc biệt cần thiết. Vì đây là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững.
Ba tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.
>>> Đọc thêm: Uống nửa lít rượu mỗi ngày, người đàn ông suýt phải trả giá bằng cả mạng sống
Video: Việt Nam lọt vào top 3 châu Á về uống rượu bia
Bình luận