• Zalo

Gần 2,3 vạn đơn vị máu & những tấm lòng cao cả

Sức khỏeThứ Năm, 28/01/2016 08:19:00 +07:00 Google News

Chủ nhật đỏ diễn ra ngày cuối vào ngày 28/1 tại Quảng Bình và Cao Đẳng Y Thái Bình, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã thu được hơn 2 vạn đơn vị máu.

Chủ nhật đỏ diễn ra ngày cuối vào ngày 28/1 tại Quảng Bình và Cao Đẳng Y Thái Bình, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã thu được hơn 2 vạn đơn vị máu.

Ngày 28/1, Chủ nhật Đỏ diễn ra ngày cuối ở Quảng Bình và Cao đẳng Y Thái Bình. Chưa thống kê đầy đủ, con số thu về đã đạt hơn 2 vạn đơn vị máu. Một kỷ lục mới nhưng điều quan trọng nhất, đó là niềm tin về một phong trào thiện nguyện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được sự hưởng ứng ngày càng sâu rộng của nhiều cấp nhiều ngành và đặc biệt là của những nhân vật chính.


Hàng ngàn thanh niên, sinh viên tham gia ngày Chủ Nhật Đỏ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 
    

    Chung một dòng máu nóng

    Nhớ lại, chính hội Chủ nhật Đỏ năm nay ở Đại học Bách khoa thu về 3.375 đơn vị máu. Có nghĩa là, hơn 3.375 người đã hiến máu ở đây. Họ không chỉ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội mà còn là nhân viên Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn TH, Học viện Cảnh sát, Công an Hà Nội, cán bộ phóng viên báo Tiền Phong... tạo nên cảnh tượng quá tải, và gợi cho những người chứng kiến những cảm giác bình thường khó có.


    Chẳng hạn, chưa ở đâu đông, chật nhưng người ta nói khẽ như vậy, ân cần với nhau như vậy. Chưa ở đâu thấy nhiều cử chỉ đẹp một lúc như thế. Những gương mặt sinh viên bình thản trên chiếc giường y tế, tay bóp quả bóng cao su (để dễ lấy máu). Hiến máu xong kéo nhau ra chụp tấm ảnh kỷ niệm dưới tấm pano ghi "Chủ nhật Đỏ 2016 - Bách khoa nghìn giọt hy vọng”. Những người lính - công an hoặc bộ đội nhẹ nhàng mặc giúp đồng đội chiếc áo khoác lính ra bên ngoài áo trắng khi họ hiến máu xong đứng dậy. Chật chội nên họ phải nhờ vai, lưng của nhau dùng kê để viết tờ đăng ký hiến máu...


    Một hình ảnh được phóng viên ở Tây Nguyên tả: Đi xe buýt đến điểm hiến máu, trên xe là bà con đủ các dân tộc. Số là xã Cư Bông nằm cách trung tâm huyện Ea Kar, một trong ba điểm đăng cai Chủ nhật Đỏ tỉnh Đắk Lắk tới 4 chục cây số. Cho nên nhiều đồng bào Ê Đê, Tày, Thái, Mường được xã thuê xe buýt chở đi hiến máu "tập thể”. Trường học, đơn vị bộ đội công an, cơ quan đoàn thể đông đã đành, còn đây là người dân các lứa tuổi từ các buôn làng, thôn xã lũ lượt kéo về một điểm hiến máu. Riêng ngày 23/1, có hai ngàn người dân huyện Ea Kar đăng ký, thu về con số đẹp 1.111 đơn vị máu. Ba điểm hiến máu của tỉnh Đắk Lắk thu về 2.437 đơn vị máu. Những người dân xứ cao nguyên này, nom họ thật bình thường giản dị nhưng cách mà họ tươi tắn sinh động, nườm nượp đổ bộ không chỉ một nơi, không chỉ một lần để thực hiện nghĩa cử này, gợi liên tưởng những hình ảnh phóng khoáng trong ca khúc của Nguyễn Cường, Trần Tiến về đại ngàn.


    Quạt sưởi bật lên, chăn ấm đắp thêm cũng là hình ảnh đáng nhớ trong Chủ nhật Đỏ năm nay. Trời rét buốt, bất đắc dĩ mới phải ra đường thế mà vẫn có những dòng người đổ về các địa điểm ở Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Thái Nguyên..., vén áo chìa tay cho nhân viên y tế đâm kim. Nghe tả Chủ nhật Đỏ ở Đà Nẵng, dòng người xếp hàng rồng rắn mấy trăm mét trong khuôn viên ĐH Kinh tế. Điểm thành phố Hồ Chí Minh cũng tự lập kỷ lục mới. Từ Cần Thơ đến Phú Thọ, từ Khánh Hòa đến Quảng Bình, một dải những chấm đỏ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.


    Cũng hơi khác mọi năm, một số nhà báo không tập trung lâu ở sân khấu nơi diễn ra lễ phát động Chủ nhật Đỏ mà chịu khó vào bên trong khu vực hiến máu từ sớm. Máy quay, máy ảnh chĩa vào những con người không tiếng tăm để hỏi chuyện. Một nhà báo đoạt giải Pulitzer nói: "Nghề báo không phải là nghề nói về bản thân chúng ta mà là nói về những con người bình dị nhưng cực kỳ dũng cảm quanh ta”.


Hàng ngàn bạn thanh niên, sinh viên xếp hàng đăng ký hiến máu trong ngày Chủ nhật Đỏ tổ chức tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh. 

       "Cuộc cách mạng”

    Tám năm nay, tháng 1 dương lịch vẫn được người Tiền Phong gọi đùa là tháng "máu me toe toét”. Cả tháng nói chuyện đơn vị máu, địa điểm hiến máu, tình nguyện viên hiến máu. Bản thân mình thuộc nhóm máu nào có khi còn không nhớ song kiến thức về máu thì ngày một dày lên.


    Có mặt ở các điểm hẹn Chủ nhật Đỏ, nhận ra thanh niên Việt Nam vóc người nhìn chung vẫn nhỏ. Giờ ăn uống khá hơn xưa nhiều nhưng nam thanh niên cao mét bảy, nữ mét sáu vẫn ít. Do di truyền, do nguồn thực phẩm không đảm bảo, và gì nữa. Tầm vóc chưa lý tưởng nhưng sự tận hiến của họ thì không thể mảy may ngờ vực. Sinh mạng là chuyện chẳng thể đùa.


    Thiếu tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói về một "cuộc cách mạng máu” trong các bệnh viện: "Trước đây bệnh nhân thường dùng máu của người cho chuyên nghiệp, chiếm 70-80%. Đội ngũ này cho máu nhiều lần, hoàn cảnh khó khăn nên chất lượng máu kém, nguy cơ mắc bệnh cao. Từ khi có chương trình vận động hiến máu toàn quốc thì lượng máu thu được từ người khỏe mạnh rất lớn, con số 70-80% lại là từ hiến máu nhân đạo. Đấy là cuộc cách mạng”.


    Đến Chủ nhật Đỏ sẽ thấy, sự thật là máu của quân dân hòa trộn vào nhau, của đồng bào các dân tộc, các vùng miền truyền dẫn lan tỏa sang nhau đã làm nên cuộc cách mạng thắm đỏ này.


    Còn có một cuộc cách mạng nho nhỏ nữa, như Trưởng Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ Lê Xuân Sơn nhận định qua lần tổ chức thứ 8 tại 22 tỉnh thành năm nay. Đó là nhận thức ngày càng sâu sắc của nhiều lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà trường, cơ quan về ý nghĩa nhân văn của sự kiện hiến máu. Nhiệt tâm của các đơn vị đồng tổ chức và nhà tài trợ Mường Thanh, TH (True milk), taxi Mai Linh, xe buýt Transerco... góp tiếp một phần nữa để Chủ nhật Đỏ có được tầm vóc như hiện nay. Cho nên, ước mơ về một phong trào thiện nguyện thiết thực ngày càng lớn mạnh "hôm nay hơn hôm qua và kém xa ngày mai” đã như trong tầm tay.


    Hôm chính hội Chủ nhật Đỏ ở Đại học Bách khoa, nhà thư pháp Lưu Việt nói một câu tôi nghe giật mình: "Thử hiến máu một lần đi. Viết sẽ hay hơn đấy”.


    Ông Việt đã hiến máu 36 lần. Tôi nhìn gương mặt khá nét với nước da rất đẹp ở tuổi 58 của ông, mà hỏi ông những câu xoáy như: Nghe đồn hiến máu có thể dẫn đến "nghiện”, hoặc người hiến máu là người tốt chứ gì nhưng nếu lòng tốt này có biểu hiện quá mức thì dễ bị nghi có vấn đề? Ông đáp bình thản: "Hiến máu nhiều không phải do nghiện, mà người từng hiến máu rồi, đến thời điểm có thể hiến được mà không hiến, sẽ cảm thấy có lỗi. Mình khỏe mạnh trong khi có những người cần đến mình mà mình không giúp thì mình có lỗi với người bệnh ấy. Người hiến máu nghĩ họ đang làm việc đúng, mà đã đúng thì phải làm, còn người đời nghĩ gì không quan trọng. Những người hiến máu nhiều lần mới có tư duy ấy, và nhìn mọi việc theo chiều mà người khác không dễ nhìn ra dù giỏi đến mấy, học thức địa vị cao đến mấy. Tấm lòng của họ cũng khác, rộng mở hơn. Những người chỉ hiến máu một lần hoặc theo phong trào sẽ không có cảm nhận này”.


    Tất nhiên tôi chưa tin ông ngay. Và có thể gắng vượt qua nỗi sợ bị đâm kim nhưng chứng huyết áp thấp khiến những người như tôi "bị loại từ vòng gửi xe”. Dù chưa hiến máu bao giờ nhưng nếu đã đến Chủ nhật Đỏ chứng kiến những hành động cao đẹp được nhân lên gấp bội, thì việc ai đó thay đổi nhận thức, tấm lòng rộng mở hơn không có gì lạ.


    Để kết thúc, xin kể một chuyện vui nhân mùa Oscar. Vài năm trước, điện ảnh Mỹ có bộ phim hay dự Oscar: Bọn trẻ đều ổn (The kids are all right). Trong phim, Mark Ruffalo đóng vai người đàn ông hiến tinh trùng, tình cờ mang lại niềm vui - là hai đứa trẻ, cho hai phụ nữ đồng tính yêu nhau. Được hỏi vì sao hiến tinh trùng, anh ta đáp thú vị và đơn giản: Vì tôi thấy vui hơn hiến máu. Hiến gì chả quý, có người hiến tinh trùng 800 lần, khả năng sinh ra ngàn đứa con - báo nước ngoài đưa như vậy. Nhân vật của Mark trong Bọn trẻ đều ổn khá vô tâm vô tính, còn những người hiến máu, có vẻ muốn vô tâm cũng không được vì máu của mỗi người, sức người là có hạn. Có hạn nhưng biết rằng mình đang làm cái việc phải làm- nói như ông đồ Việt trên kia- việc cao đẹp nhất có thể, việc mà không làm sẽ thấy có lỗi, chẳng phải cảm giác và hành động tuyệt vời hay sao. Cho nên, xin ca ngợi họ, những tấm lòng cao cả, đã lập nên những kỷ lục của lòng nhân ái qua Chủ nhật Đỏ năm nay và bảy mùa trước.

    Chủ nhật Đỏ 2016 tiếp nhận hơn 22.400 đơn vị máu

    Tính đến ngày 28/1 có 22 tỉnh/thành phố tổ chức Chủ nhật Đỏ với 44 điểm hiến máu, tiếp nhận được hơn 22.400 đơn vị máu.

    Cụ thể: TP HCM 2.837 đơn vị máu; Bắc Ninh 224; Nam Định 1.109; Nghệ An 1.381; Hà Nam 1.215; Thái Nguyên 1.382; Cần Thơ 608; Khánh Hoà 420; Phú Thọ 644; Thừa Thiên Huế 337; Hà Tĩnh 414; Yên Bái 94; Hà Nội 3.735; Vĩnh Phúc 226; Hải Phòng 1.367; Đắk Lắk 2.437; Quảng Ninh 363; Thanh Hoá 592; Đà Nẵng 892; Hải Dương 293; Thái Bình 850 (với 2 điểm đã triển khai).

    Hôm nay 28/1, Chủ nhật Đỏ 2016 kết thúc với 2 điểm hiến máu cuối cùng tại Quảng Bình và Thái Bình, dự kiến 2 điểm này sẽ tiếp nhận thêm khoảng hơn 1.000 đơn vị máu.


Nguồn: Tiền phong
Bình luận
vtcnews.vn