• Zalo

Gần 100 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo cụm tháp Chăm cao nhất Đông Nam Á tại Bình Định

Đời sốngThứ Ba, 17/12/2024 16:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định tu bổ, tôn tạo cụm tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn), cụm tháp gạch được đánh giá cao nhất Đông Nam Á hiện còn.

Một số hình ảnh tháp Dương Long

Ngày 17/12, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Dương Long thuộc xã Tây Bình và Bình Hòa, huyện Tây Sơn. 

Theo đó, dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Dương Long với tổng vốn đầu tư hơn 93,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022 – 2025. Đồng thời dự án cũng sẽ thực hiện khảo cổ, khai quật trong phạm vi diện tích 9.150 m2 tại khu vực tháp Chăm này.

Tổng thể cụm tháp Chăm Dương Long.

Tổng thể cụm tháp Chăm Dương Long.

Mục đích chính của dự án sẽ đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi tháp Nam, tháp Giữa (thuộc cụm tháp Dương Long) từ cao độ 12 m trở xuống. Cụ thể, sẽ vệ sinh, chặt hạ cây xanh, xử lý các thành phần thực vật, nấm mốc, địa y trên bề mặt tháp; làm sạch bên trong lòng tháp và nền tháp; gia cố tường cửa dẫn và gia cố các mặt tường tháp…

Kết cấu gạch của tháp Chăm đã bị vỡ theo nghìn năm lịch sử.

Kết cấu gạch của tháp Chăm đã bị vỡ theo nghìn năm lịch sử.

Đối với tháp Nam, sẽ tái định vị các thành phần đá gốc cho các vị trí xô lệch, gãy đổ tại viền chân đế tháp, bổ sung các phần hỏng hoặc mất bằng đá sa thạch; gia cố chân đế, tường, các kết cấu nứt ở mặt tháp; gia cố bảo vệ các bề mặt, phục hồi tường, vòm cửa tháp; nền lòng tháp xử lý, xếp gạch phục chế; lắp thang thép tạo lối lên tháp…

Tháp Giữa sẽ được tái định vị các thành phần đá gốc cho các vị trí xô lệch, gãy đổ tại viền chân để tháp; bổ sung các phần hỏng hoặc mất bằng đá sa thạch; gia cố chân đế, phần tường; gia cường các kết cấu nứt các mặt đông, tây, nam, bắc…

Các vị trí hư hỏng của tháp gữa nằm trong cụm tháp Dương Long đã được gia cố tạm trước khi tu bổ, tôn tạo.

Các vị trí hư hỏng của tháp gữa nằm trong cụm tháp Dương Long đã được gia cố tạm trước khi tu bổ, tôn tạo.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, dự án nhằm đảm bảo độ ổn định lâu dài cho cụm tháp Chăm Dương Long, tránh nguy cơ xuống cấp, hư hỏng mất mát và đổ vỡ nghiêm trọng theo thời gian; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân, đồng thời gắn với phát triển du lịch của một Di tích lịch sử - văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Các thành phần thực vật, nấm mốc, địa y trên bề mặt tháp sẽ được xử lý.

Các thành phần thực vật, nấm mốc, địa y trên bề mặt tháp sẽ được xử lý.

Tháp Dương Long (hay còn có tên gọi tháp Ngà, tháp Bình An hay tháp An Chánh) chịu ảnh hưởng lối kiến trúc Khmer, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII-XIII, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa. Hiện cụm tháp tọa lạc trên một đỉnh đồi tại xã Tây Bình và Bình Hòa (huyện Tây Sơn, Bình Định) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km.

Đây là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật Chăm Pa còn lại khá nguyên vẹn trên dải đất miền Trung hiện nay và cũng là cụm tháp gạch đẹp nhất Việt Nam hiện còn. Tháp Giữa cao 39m, tháp Bắc cao 32 và tháp Nam 33m. Thông tin từ Cục Di sản Văn hoá, tháp Giữa được xem là ngôi tháp gạch cao nhất ở Đông Nam Á.

Loại gạch được người Chăm sử dụng để xây dựng tháp Chàm là một trong những bí ẩn mà sau gần 100 năm nghiên cứu, các nhà khoa học mới giải mã được, các tháp Chăm được xây bằng loại gạch non đặc biệt. Gạch này xốp, ngấm nước, nắng lên lại tỏa hơi, duy trì độ bền qua hàng thế kỷ. Tuy nhiên, qua hàng nghìn năm bị tác động của thời gian và con người, ngày nay quần thể tháp đã bị hư hỏng khá nhiều, nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn không phai mờ.

Tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.

Bình luận
vtcnews.vn