Gần 10 năm trước, chuyện tình của ông Ngô Thanh Học và chị Nguyễn Thị Bích từng gây xôn xao cả vùng quê yên bình ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam bởi lúc đó, chị Bích chỉ mới vừa 27 tuổi, còn ông Học đã bước sang tuổi 70.
Chênh lệch đến 43 tuổi khiến nhiều người không tin vào một đám cưới cho cuộc tình của cặp đôi "đũa lệch" này.
Ngày đó, phải vượt qua bao sóng gió, bỏ mặc những lời can ngăn của gia đình, sự đàm tiếu của dư luận, ông Học và chị Bích mới có thể về sống chung một nhà, đám cưới được tổ chức giữa năm 2010 trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Chuyện tình “bác – cháu” đơm hoa và nhanh chóng kết trái khi 2 cô con gái và 1 cậu con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Thành quả tưởng như đập tan mọi lời rèm pha, chỉ trích về quyết định của 2 vợ chồng. Thế nhưng sau niềm hạnh phúc ngắn là những khó khăn, vất vả ập đến.
Nhiều năm “quên” hương vị Tết
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam, đến thăm gia đình cặp vợ chồng nổi tiếng chênh lệch đến 43 tuổi. Lúc này, ông Ngô Thanh Học đã sắp bước sang tuổi 80, còn chị Nguyễn Thị Bích mới qua tuổi 36 tuổi.
Cuối năm, không khí Tết tràn ngập đường quê, nhà nhà sắm sửa chuẩn bị đón năm mới, các con đường trong thôn được dọn dẹp sạch sẽ, tiếng nhạc xuân rộn ràng khắp xóm.
Trái ngược với không khí Tết vui tươi ấy, ngôi nhà cấp 4 của ông Học, chị Bích vẫn tiêu điều, nhếch nhác và luộm thuộm như bao ngày khác. Phía bên trong, đồ đạc, vật dụng sinh hoạt nằm rải rác giữa sân, lâu ngày không được dọn dẹp.
Tết dường như là điều xa lạ trong căn nhà lụp xụp, quanh năm chỉ nặng nỗi lo cơm áo từng ngày.
Bước những bước chân có phần nặng nề, khó nhọc, ông Học tiếp chúng tôi khi người vợ vừa đang tất bật vừa trông con cái, vừa lo xoay xở bữa cơm chiều.
Kể về cuộc sống của gia đình, ông Học chia sẻ, thời gian gần đây, sức khỏe của ông đã không còn được như trước nữa, liên tục đau ốm, tuổi tác ngày càng đè nặng lên ông.
Dù đau yếu, bệnh tật nhưng ông cũng không dám thuốc thang hay nằm viện vì vừa phải ở nhà chăm cho các con, vừa không có tiền để lo tiền thuốc. Sức khỏe yếu khiến ông không thể đi nhặt ve chai để kiếm thêm thu thập như trước đây nữa.
"Mấy năm nay, sức khỏe của tôi cũng đã giảm sút nhiều rồi, tôi ốm suốt nhưng không dám đi viện vì không có tiền, lại không có ai chăm con. Nhà 5 người giờ chỉ trông chờ vào khoản lương trợ cấp hơn 1 triệu đồng, không biết sang năm con lớn lên lấy gì cho các con ăn học", ông Học chia sẻ.
Nhắc đến Tết, người đàn ông gần 80 tuổi lặng người, đôi mắt hướng ra phía xa nhìn vợ con. Những năm qua, đối với gia đình ông, Tết cũng chẳng khác là bao so với ngày thường.
Cuộc sống chưa bao giờ dư giả, nay lại phải lo cho 3 đứa con nhỏ, gia đình ông chỉ biết chạy ăn từng ngày, chưa một cái Tết nào ông dám bỏ tiền mua cành đào cây quất, hay sắm sửa gì nhiều.
Ngay cả chiếc bánh chưng ngày Tết trong nhà ông phải đợi anh em họ hàng đến thắp hương để lại mới có.
"Trong thâm tâm cũng mong muốn cho các con một cái Tết đầm ấm như những gia đình khác nhưng đành chịu. Giờ điều kiện chỉ như này rồi thì Tết có gì dùng nấy thôi, quan trọng gì nữa…", ông Học buồn bã.
Phải cố gắng vì các con
Kể từ khi chồng ốm đau liên miên, chị Bích trở thành trụ cột chính của gia đình.
Vì con nhỏ nên chị không thể đi làm xa, quanh năm chỉ có thể bám lấy mấy sào ruộng, nghỉ tay thì chị đi kiếm việc làm thêm.
"Kinh tế khó khăn, công việc không ổn định, con thì lớn dần, chồng thì tuổi cao rồi không làm được gì, ốm đau suốt. Chúng tôi chỉ trông chờ vào đồng lương tháng ít ỏi vừa nhận thì đã hết. Sang năm hai người con lớn vào lớp một, con út đã đi nhà trẻ rồi, lại thêm bao khoản phải lo nữa", chị Bích chia sẻ.
Nói về ngày Tết, chị Bích ngậm ngùi: “Năm nào cũng như năm nào, nhà nghèo nên không sắm sửa gì”.
Điều an ủi gia đình ít nhiều là ngày Tết nhà chị cũng được chính quyền địa phương quan tâm tặng một vài yến gạo, được một vài tổ chức từ thiện cho chai dầu ăn, lít nước mắm.
"Ngày Tết, không mua nổi cho các con bộ đồ mới, nhìn các con mang bộ đồ cũ tôi cũng đau lòng, nhưng đành chấp nhận. Giờ chỉ nghĩ được là, cố gắng làm việc, kiếm tiền nuôi các con lớn khôn, chuyện khác không còn quan trọng nữa", chị Bích chia sẻ.
Bản thân chị biết, phía trước là cả gánh nặng khi người chồng đã đến tuổi “gần đất xa trời”, 3 đứa con thơ sẽ cần nhiều thời gian để khôn lớn, trưởng thành. Sẽ còn nhiều cái Tết mà chị và gia đình không được nếm trải trọn vẹn.
Nhìn vợ quanh năm tất bật công việc đồng ruộng, chăm 3 đứa con, trong khi mình đau ốm không đỡ đần gì được, bản thân ông Học từng mong ước, giá như có thêm sức khỏe, đi làm phụ thêm vợ nuôi các con, cho các con cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngồi lặng trên chiếc ghế nhựa đã ngả màu, dưới mái hiên căn nhà cấp 4 tiêu điều, trong dư vị của những ngày cuối năm, ông lão gần 80 tuổi giờ chỉ có thể mong sẽ còn được nhiều cái xuân nữa bên cạnh vợ con.
Bình luận