Gameshow nhiều nhưng chỉ tập trung vào ca hát
Hiện tại, có tới hơn 40 gameshow truyền hình được phát sóng trên đài quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đều là những chương trình liên quan tới ca hát.
Các gameshow này đang làm mưa làm gió trên truyền hình và chiếm sóng "giờ vàng". Nhạc sĩ Dương Khắc Linh phải chua chát thốt lên: "Ở Việt Nam, cứ bật tivi lên là thấy các cuộc thi âm nhạc".
Từng có nhiều năm sống và làm việc ở Hà Lan, tác giả ca khúc Ngọc ngà Việt Nam chia sẻ: "Ở nước ngoài, bên cạnh những chương trình giải trí, họ có rất nhiều game show thực tế phản ánh vấn đề xã hội, xây dựng ý thức cho người dân của mình theo một cách rất hấp dẫn, với cả trẻ em, họ cũng có cách truyền tải thú vị, dễ hiểu".
Tại Hàn Quốc - nơi nền giải trí phát triển rất mạnh, ở thời điểm đất nước gặp khó khăn, họ đã cho ra đời một số gameshow dạy làm giàu
Còn ở Việt Nam cũng có một số gameshow trí tuệ như: Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú hay những chương trình dạy làm giàu như Khởi nghiệp, Làm giàu không khó...Tuy nhiên, không ít trong số đó đã bị "khai tử", số còn lại nếu còn phát sóng thì cũng đánh mất đi độ "hot".
Nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng
Quay trở lại với các gameshow ca hát, mặc dù số lượng nhiều, lên sóng ở khắp các đài truyền hình, từ quốc gia tới địa phương và phần lớn là chiếm sóng giờ vàng. Tuy nhiên, trái ngược với số lượng là chất lượng của các chương trình này. Theo đánh giá của nhạc sĩ Dương Khắc Linh: "Cái gì nhiều quá cũng không tốt và những cuộc thi này chưa thực sự tìm kiếm được một người đủ chất lượng để trở thành quán quân".
Thực tế đã chứng minh những điều mà nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ. Sau mùa đầu tiên gây tiếng vang, các quán quân mùa tiếp theo của The Voice, X Factor...không được nhiều khán giả biết đến và họ phần lớn họ đều "im thin thít, lặn mất tăm" sau khi cuộc thi kết thúc.
Vietnam Idol - một cuộc thi âm nhạc có truyền thống, từng tìm ra nhiều gương mặt ca sĩ có triển vọng cho showbiz Việt. Thế nhưng, trong những năm gần đây, chương trình đã đánh mất đi phần nào thương hiệu. Một số quán quân của cuộc thi chưa thực sự xuất sắc, thậm chí, không hề biết một nốt nhạc như Yasuy, Đức Phúc.
Trước tình trạng này, NSND Lê Tiến Thọ - chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay, đây có thể coi là tình trạng "loạn chuẩn" và nó có tác động rất nguy hại tới việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng.
Nếu không được kiểm soát và định hướng đúng đắn, rất có thể những gameshow sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.
NSND Lê Tiến Thọ
NSND Lê Tiến Thọ cũng bày tỏ nỗi lo lắng khi các gameshow trên truyền hình hiện nay đang có mức độ phủ sóng và sức tác động rất lớn. Nó có thể mang hình thức tuyên truyền văn hóa, tác động tới nhận thức của nhiều bộ phận công chúng.
Vậy nên, nếu không được kiểm soát và định hướng đúng đắn, rất có thể những gameshow này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.
Còn nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi thì hy vọng, giá trị nghệ thuật cần được định nghĩa lại một cách chính xác.
Những gameshow lắm scandal bị "sờ gáy"
Trước tình trạng loạn gameshow, các đơn vị có trách nhiệm cũng đã có những động thái tích cực. Vào đầu năm 2015, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo cho Đài Truyền hình Việt Nam về việc không xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV với đối tác liên kết mà trước đó đã để xảy ra sai phạm nhiều lần.
Theo đó, một số chương trình đã không được phép lên sóng, một số chương trình khác phải chấn chỉnh về mặt nội dung.
Còn đối với những chương trình mà giấy chứng nhận đăng ký liên kết còn hiệu lực, nếu trong thời gian tới để ra sai phạm, Bộ sẽ thu hồi giấy chứng nhận và có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Đây được cho là một trong những biện pháp mạnh tay của Bộ Thông tin Truyền thông, góp phần chấn chỉnh tình trạng loạn gameshow.
Tuy nhiên, việc quản lý gameshow vẫn còn một số bất cập. Theo quy định hiện nay, tất cả nội dung phát sóng của các đơn vị truyền hình đều do các đơn vị tự chịu trách nhiệm. Các cơ quan quản lý có nhiệm vụ định hướng, nhắc nhở và xử lý vi phạm.
Điều này có nghĩa là khi cơ quan quản lý phát hiện ra sai phạm của các gameshow, đa phần trong số đó đã được phát sóng trên truyền hình, tiếp cận với đông đảo công chúng. Nhà sản xuất cũng đã thu được lợi nhuận từ việc quảng cáo.
Theo con số được công bố chính thức, 30s quảng cáo trước và sau chương trình The Voice 2012 có giá là 160 triệu. Tuy nhiên, ngay sau scandal giám đốc sản xuất Phương Uyên dàn xếp kết quả, con số này tăng lên 200 triệu đồng và trong tháng 9/2013, mỗi nhãn hàng phải trả giá 240 triệu đồng cho 30s quảng cáo trên chương trình này.
Trái ngược với doanh thu khổng lồ của nhà sản xuất từ quảng cáo, hình phạt của cơ quan chức năng lại chỉ mang tính chất cảnh cáo. Số tiền mà nhà sản xuất phải nộp cho cơ quan quản lý là rất nhỏ so với doanh thu họ của chương trình.
Đơn cử, X Factor chỉ bị phạt 15 triệu đồng trong việc để FBand dùng khăn piêu (biểu tượng văn hóa của người Thái) đóng khố làm trang phục biểu diễn, Điệp vụ tuyệt mật chỉ phải dừng phát sóng 2 số sau khi đăng tải sai bản đồ Việt Nam, thậm chí, đưa vị trí Hà Nội vào sâu lãnh thổ Trung Quốc..
Trong chương trình X Factor 2014, thí sinh Anh Thúy đăng ký tham gia với tư cách là Huyền Minh. Ban tổ chức chỉ biết về sự việc khi chương trình đã lên sóng, mặc dù thí sinh này từng là thành viên của một nhóm nhạc nữ rất nổi tiếng.
Lúc sai sót bị phát hiện, đại diện đơn vị sản xuất đưa ra lời giải thích: Khi thí sinh Huyền Minh (tức Anh Thúy) đến đăng ký tham dự cuộc thi, trong phần đăng ký có mục chia sẻ về cuộc sống và mọi thứ liên quan với Ban tổ chức. Ê-kíp sản xuất chỉ dựng lại câu chuyện đó theo nội dung mà thí sinh chia sẻ, hoàn toàn không có chuyện đạo diễn sắp xếp.
Trước lời giải thích của đơn vị sản xuất, khán giả giật mình. Một chương trình truyền hình được phát sóng trên kênh quốc gia có hàng triệu người xem lại có thể họ hồn nhiên, vô tư và đặt trọn niềm tin vào những chia sẻ của các thí sinh - những người đang nuôi tham vọng được nổi tiếng - mà không hề kiểm chứng lại. Để tới khi có sai sót, họ lại đổ hết lỗi lầm lên đầu thí sinh, phủi sạch trách nhiệm của mình.
Còn VTV đăng đoạn clip xin lỗi ngắn gọn với lời hứa "nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình thẩm định hồ sơ thí sinh".
Video VTV xin lỗi về trường hợp của thí sinh Anh Thúy
Một số gameshow bị tuýt còi
Điệp vụ tuyệt mật được phát sóng trên kênh VTV3 vào tháng 5/2015. Ngay trong số đầu tiên, chương trình đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Ở phần thông tin giới thiệu về giải thưởng cho thí sinh lọt vào top 4 chung cuộc có sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam để minh họa.
Trong bản đồ này, điểm đánh dấu vị trí của Thủ đô Hà Nội không thuộc địa phận lãnh thổ Việt Nam mà thuộc Trung Quốc. Đồng thời, bản đồ này cũng không thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngay sau đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn đề nghị VTV: Kiểm tra, rà soát, báo cáo giải trình về quy trình biên tập, kiểm duyệt nội dung chương trình liên kết Điệp vụ tuyệt mật trước khi phát sóng; Kiểm điểm, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sai phạm nêu trên".
Sau công văn của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, VTV tạm ngừng phát sóng 2 số chương trình Điệp vụ tuyệt mật và kỷ luật một phó ban sản xuất chương trình giải trí.
Hết án phạt, Điệp vụ tuyệt mật lên sóng thêm 2 số nữa rồi lặng lẽ biến mất. Đại diện đơn vị sản xuất cho hay, chương trình đã phát sóng xong phần 1. Phần 2 được phát sóng thời gian sau này nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Sau hơn 1 năm, Điệp vụ tuyệt mật vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại và đơn vị sản xuất cũng không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
Trước đó, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng vì phát sóng chương trình X Factor có hình ảnh nhóm FBand dùng khăn Piêu (biểu tượng văn hóa của người Thái) đóng khố làm trang phục biểu diễn. Ngoài ra, đại diện chương trình cũng phải lên tiếng xin lỗi đồng bào dân tộc Thái và giả xem truyền hình.
Năm 2015, Người giấu mặt bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhắc nhở vì hình ảnh một thí sinh ôm ấp, đưa tay vào ngực áo thí sinh khác trong tập 7.
Bình luận