• Zalo

Game thuần Việt và nỗ lực vươn mình ra biển lớn

Thế giới gameThứ Tư, 23/11/2011 05:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Gần một thập kỷ qua, người ta luôn mặc định trong đầu một chân lý rằng, các công ty game VN chỉ lo đi nhập 'hàng ngoại'.

(VTC News) - Gần một thập kỷ từ khi nền game Việt bước vào giai đoạn thương mại hóa, người ta luôn mặc định trong đầu một chân lý rằng, các công ty game VN chỉ lo đi nhập "hàng ngoại" để kinh doanh tại nước mình.

Đến nay, quy luật này vẫn không hề thay đổi, bằng chứng là hầu như tất cả sản phẩm game hiện nay ở VN đều có xuất xứ từ nước ngoài, với Trung Quốc chiếm đa số (khoảng 80%), còn lại là các quốc gia khác như Hàn, Nhật...

Vòng đời trung bình của một sản phẩm game tại dải đất hình chữ S cũng không cố định, có thể chỉ 1-3 năm, thậm chí là trên 5 năm như một số đại diện thuộc hàng "gạo cội" như MU Online, Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế...

Thuận Thiên Kiếm được coi là dự án game thuần Việt đáng chú ý đầu tiên của VN 


Trên thực tế, lẫn trong số lượng khổng lồ các sản phẩm ngoại nhập, đây đó vẫn thấp thoáng bóng dáng của trò chơi do người VN tự sản xuất. Bên cạnh các dự án nhỏ lẻ phi thương mại do cộng đồng chia sẻ, năm 2008, làng game từng ghi nhận sự đầu tư mạnh tay của VNG với dự án thuần Việt T812 - Thuận Thiên Kiếm. Tuy nhiên ở giai đoạn đó, sự xuất hiện của Thuận Thiên Kiếm còn quá lẻ loi, chưa đủ sức lấn át được sự thống trị của các trò chơi nhập ngoại.

Phải đến giai đoạn cuối năm 2010 tới nay, làng game mới thực sự được hâm nóng với hàng loạt các sản phẩm thuần Việt có quy mô lớn như SQUAD, Generation 3(VTC Game), Project S (VNG), B-Kool! (FPT Online), Âu Lạc Online (Asiasoft), Jay Online (FGame), The King (Musicking) và đặc biệt là 7554, game FPS lấy đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ của studio Emobi Games.

VTC Game đang nỗ lực đưa SQUAD cùng các sản phẩm khác do họ sản xuất đến với thị trường quốc tế. 


Theo đánh giá của cộng đồng sau khi trải nghiệm các sản phẩm thuần Việt nói trên, chúng còn thua kém rất nhiều so với nhiều trò chơi do nước ngoài sản xuất về mặt thiết kế đồ họa, gameplay. Ngay cả khi một số dự án thuộc hàng "khủng" nhất VN hiện tại như SQUAD và 7554 lên tiếng, cộng đồng phải thừa nhận vẫn có khoảng cách khá xa giữa game Việt và nước ngoài. Dẫu vậy, đa số game thủ vẫn có cái nhìn tích cực về tương lai phát triển của game thuần Việt, thể hiện qua vô số bình luận và topic mang tính ủng hộ trên các kênh thông tin và diễn đàn.

Chính niềm tin của cộng đồng đã phần nào kích thích ý chí tự khẳng định mình của các hãng game Việt mà tiêu biểu là VTC Game và VNG. Với quyết tâm đem sản phẩm của mình để giới thiệu với bạn bè thế giới, hai đại gia làng game Việt đã không ngần ngại tìm kiếm cơ hội hợp tác với một số hãng phát hành ở thị trường nước ngoài.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, VTC Game đã thuê hẳn một gian hàng tại G-Star 2011- hội chợ lớn nhất châu Á - để trưng bày loạt 5 sản phẩm do họ tự sản xuất là SQUAD, Generation 3 (G3), Colors of Ocean, Showbiz và Tour 247. Dù bước đầu chưa thực sự để lại nhiều tiếng nói ở một sự kiện tầm vóc như G-Star, VTC Game cũng đã cho thấy tín hiệu khả quan của tương lai nền công nghiệp game Việt vốn còn rất non trẻ.

Không chịu dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm như VTC Game, VNG đã tỏ ra "cao tay" hơn khi thỏa thuận thành công với đối tác DeNA (Nhật Bản) để phát hành Ủn Ỉn, game mạng xã hội do họ tự sản xuất, tại đất nước mặt trời mọc.

7554 được xem là game thuần Việt có quy mô lớn nhất VN hiện nay. 

Đây thực sự là một bước chuyển mình lớn lao của nền game Việt khi lần đầu tiên xuất khẩu thành công một sản phẩm ra nước ngoài. Theo chia sẻ của đại diện VNG , sự kiện này còn mang ý nghĩa lớn lao hơn là giúp ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế về một Việt Nam mới với trình độ công nghệ và sáng tạo không thua kém các nước khác trên thế giới.

Trước VNG và VTC Game, Emobi Games của ông Nguyễn Tuấn Huy cũng từng "lăm le" đưa 7554 - game FPS đình đám về chiến dịch Điện Biện Phủ - tiến ra biển lớn. Tuy nhiên đến nay, khát vọng này vẫn chưa thể thực hiện được do studio của ông Huy phải tập trung toàn lực cho ngày phát hành trò chơi tại thị trường nội địa.

Đứng trước hàng loạt các tín hiệu đáng mừng của game thuần Việt thời gian gần đây, cộng đồng không giấu nổi sự hân hoan. Độc giả Sashi trên Game Thủ.net nói: "Nhìn chung, chúng ta vẫn phải cố gắng nhiều, tuy nhiên lần đầu tiên mà mà đạt được những thành quả thế này là tốt lắm rồi.

Rất mong sau VNG và VTC Game sẽ có nhiều hãng game khác ở VN tiếp tục lên tiếng tại thị trường quốc tế". Cùng chung niềm vui với Sashi, thành viên Otaka11 trên diễn đàn Game Thủ.net hoan hỉ: "Cứ đà này, trong 5-10 năm nữa, không loại trừ viễn cảnh Việt Nam sẽ là quốc gia mạnh về xuất khẩu game như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Qua đó, nó sẽ giúp đặt dấu chấm hết cho tình trạng 'nhập siêu' trò chơi trực tuyến đáng báo động như hiện nay".

Sự thăng hoa bất chợt của game thuần Việt đang nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng, tuy nhiên không phải không có những luồng ý kiến phê bình, thậm chí là tiêu cực. Theo những người này, chất lượng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất hiện nay còn rất thấp, chưa được đầu tư thích đáng nên không xứng đáng để họ bỏ tiền trải nghiệm.

Không những thế, đây đó còn xuất hiện phản ánh, nhiều game thuần Việt hiện có tình trạng đi sao chép hình ảnh và các yếu tố khác từ sản phẩm nước ngoài.

P.V

Bình luận
vtcnews.vn