• Zalo

Gái một con giả danh nữ sinh để lừa đảo

Pháp luậtChủ Nhật, 08/02/2015 07:39:00 +07:00Google News

Đã có chồng con, nhưng Phạm Thị Mỹ Dung vẫn tự nhận mình là nữ sinh viên còn đang “chăn đơn gối chiếc” tìm tới các phòng trọ của nam sinh viên để lừa đảo

Đã có chồng con, nhưng Phạm Thị Mỹ Dung vẫn tự nhận mình là nữ sinh viên còn đang “chăn đơn gối chiếc” tìm tới các phòng trọ của nam sinh viên để giả đò ngây ngô, buông lời đường mật rồi lừa đảo.

Trưa 30/1 “gái một con” Phạm Thị Mỹ Dung đã bị bắt giữ khi đang loay hoay tìm cách trốn chạy tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Dung sinh năm 1988, trong gia đình có 5 anh em ở Tuy An (Phú Yên). Ba của Dung làm nghề buôn gỗ nên so với nhiều gia đình nông dân khác trong xã thì cũng có điều kiện khá giả hơn. Cũng chính vì được gia đình chiều chuộng, cho tiếp xúc với tiền từ sớm mà Dung sinh hư. Dù là gái nhưng Dung không chịu tu chí học hành, thường tìm chơi với những bạn trai bất hảo lớn tuổi hơn mình.
“Gái một con” Phạm Thị Mỹ Dung khi bị bắt giữ tại CATP Đà Nẵng. 
Cũng vì thế, mới học ngang lớp 11 Dung quyết định bỏ học, chơi lêu lổng với bạn bè. Dung thường xuyên rời nhà ở Tuy An để lang thang chơi ở TP Tuy Hòa thâu đêm. Trong một lần “phượt” với đám bạn ở Tuy Hòa thì Dung tình cờ gặp T., sinh viên Trường Trung cấp Xây dựng Phú Yên, nhà ở H. Phú Hòa. Với khả năng ăn nói khéo léo của mình, Dung đã khiến T. “bu” lấy mình như sam để rồi hối thúc gia đình gấp rút cưới Dung làm vợ.

Vốn dĩ không phải cô gái đảm đang, chịu khó làm như bao cô gái quê khác, thế nên khi về nhà chồng việc gì Dung cũng lóng ngóng, làm đâu hỏng đó. Tất nhiên bà mẹ chồng không thể hài lòng, chuyện phải đến tất yếu là cãi vã.

Lúc đầu T. còn níu kéo, động viên Dung cố gắng, nhưng sau nhiều lần bất thành khiến T. cũng thả tay. Vì lẽ đó, dù có với nhau một mặt con tròn tuổi rưỡi, T. và Dung vẫn phải đường ai nấy đi. Trong lúc T. chăm chút nuôi con nhỏ thì Dung lại chẳng vướng bận gì nên có thể tung tăng đi “phượt” như thuở còn đơn chiếc. Không có nghề nghiệp, không chịu lao động lại thích lêu lổng, ăn chơi, hệ quả tất yếu đẩy Dung vào con đường tội lỗi.


Vào tháng 10/2014, sau khi “tiền khô cháy túi”, Dung quyết định “kiếm ăn” bằng cách lừa đảo. Tự tin với tài ăn nói khéo léo cùng ngoại hình “gái một con trông mòn con mắt” của mình mà Dung đã đi vào các khu nhà trọ cạnh ĐHSP Phú Yên để “thả mồi”.

Dù chẳng hề quen biết, song khi bước vào phòng trọ các nam sinh viên, Dung giới thiệu mình cũng là sinh viên ĐHSP Phú Yên, muốn mượn laptop để vào mạng Internet nhờ chút xíu.


Tất nhiên, với một “nữ sinh viên” trông cũng “được con mắt” lại ăn nói nhỏ nhẹ, chuyện trò thì đưa đẩy, đã tới tận phòng để nhờ một tí thì ít có nam sinh viên nào lại có thể từ chối. Khi đã được các nam sinh viên tin tưởng giao laptop cho sử dụng, Dung vẫn không ngừng trò chuyện “cởi mở” để đối phương thấy tin hơn, có cảm tình đặc biệt hơn với cô “nữ sinh” tội nghiệp này mà bớt đề phòng.

Khi biết “con mồi” đã “cắn câu”, không còn đề phòng, cảnh giác nữa cũng là lúc Dung “mượn” luôn laptop để đem bán mà không hẹn ngày trả. Với thủ đoạn đó, chỉ trong vòng nửa tháng Dung đã lừa được của 3 nam sinh viên, chiếm đoạt 3 laptop đem bán, cầm cố với giá 3 triệu đồng/cái.


Có tiền, Dung lại tiếp tục tiêu xài phung phí, chẳng cần nghĩ tới hậu quả mình sẽ phải gánh nhận. Sau thành công 3 phi vụ với các nam sinh quá dễ dàng, Dung thấy rằng đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để mình có thể khai thác.

Chưa đầy 1 tháng sau, Dung lại tiếp tục quanh quẩn khu vực phòng trọ sinh viên cạnh ĐHSP Phú Yên để “hành nghề”. Lần này, Dung dùng cái tài “bỏ bùa” đàn ông của mình để lừa đảo, trộm cắp nhẫn vàng, điện thoại di động. Có bữa, Dung vào phòng trọ của một nam sinh nhỏ tuổi hơn mình và chủ động đưa đẩy câu chuyện theo hướng “không còn ranh giới xa lạ”, làm cho nam sinh ấy như “vô tình lượm được bí kíp”, để rồi sẵn lòng tháo nhẫn vàng đang đeo đưa cho Dung mượn đeo thử.


Tất nhiên, Dung tỏ vẻ rất háo hức, khen đẹp, rồi đánh trống lảng sang chuyện khác, khi “đối phương” sơ hở đã cuỗm luôn nhẫn vàng đem bán lấy tiền tiêu xài. Cũng với chiêu trò ấy, Dung đã lừa lấy đi 3 ĐTDĐ của các nam sinh khác.

Đặc biệt hơn, trong nạn nhân của Dung có một ông anh học cùng THPT Lê Thành Phương - Tuy An vô tình gặp nhau ở TP Tuy Hòa. Sau khi “tay bắt mặt mừng”, ôn bao kỷ niệm “ngày xửa ngày xưa”, cuối cùng Dung xin mượn ông anh cái điện thoại xịn bảo ra ngoài gọi cho chị gái, sau đó “cuỗm” luôn, để ông anh ngồi chờ “dài cổ” trong quán cà-phê. Dù rằng rất “tình xưa nghĩa cũ” nhưng không thể “ngậm quả đắng” này được, buộc ông anh phải trình báo vụ việc với CA.


Sau khi gây ra hàng loạt vụ lừa đảo, “gái một con” vẫn tỉnh bơ như chưa có chuyện gì xảy ra, vẫn đi lại giữa Tuy An và Tuy Hòa để chơi bời mà không nghĩ tới chuyện khắc phục hậu quả. Trong lúc đó, nhận đơn tố cáo của nhiều nạn nhân, CATP Tuy Hòa đã vào cuộc điều tra và ra quyết định truy nã đối với Phạm Thị Mỹ Dung vào ngày 22/1/2015. Tuy vậy, trước đó thì Dung đã trốn khỏi nơi cư trú vào TP.HCM.

Sau thời gian nương náu bạn bè thấy bất tiện nên Dung quyết định bắt xe khách trở về Phú Yên. Thế nhưng, trên đường đi, do ngủ quên, nên khi xe khách ra tới Đà Nẵng thì Dung mới tỉnh xuống xe. Thời điểm ấy khoảng trưa 30/1, trên người Dung chỉ còn 45.000 đồng. Sau khi trả 30 ngàn đồng xe ôm để được chở từ đường tránh về Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Trong lúc đang lang thang ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng nghĩ cách kiếm tiền thì Dung đã bị lực lượng Cảnh sát Truy nã tội phạm CATP Đà Nẵng bắt giữ, bàn giao cho CA Phú Yên.

Theo Hải Quỳnh/CADN
Bình luận
vtcnews.vn