Vừa qua, PV nhận được phản ánh của người dân thôn 2, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ về việc người nhà dột nát thì không được hưởng hộ nghèo, gia đình từ lâu không sinh hoạt tại địa phương, kinh tế có của ăn của để nhưng lại được xét duyệt hộ nghèo.
Đặc biệt, con ông Nguyễn Hữu Bàn – Bí thư Đảng ủy xã Minh Lương cũng đã từng được “gá” vào hộ nghèo để hưởng những chính sách ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Nhiên (66 tuổi) cùng cháu nội Vũ Ngọc Linh (15 tuổi) là hoàn cảnh khó khăn như thế. Nhà bà Nhiên được xây dựng từ năm 1992, tới nay đã xuống cấp trầm trọng, dột tứ phía. Bên trong ngôi nhà trống hoác, không có vật dụng gì đáng giá. Vì không có tiền sửa chữa nên bà đành vá víu mái ngói bằng bạt hay tấm phim lấy từ hồ sơ bệnh án.
Chồng mất vì bạo bệnh, 2 người con gái đều đi lấy chồng xa. Cả hai cũng nghèo khổ không giúp được gì, con trai làm ăn thua lỗ nên bỏ đi tứ xứ để lại cho bà Nhiên đứa cháu nội học lớp 10 đang tuổi ăn tuổi lớn.
Cái nghèo cái khổ của bà cả làng, cả xã Minh Lương ai cũng biết chỉ trừ... lãnh đạo xã. Và tất nhiên, lãnh đạo không biết nên suốt thời gian dài, bà vẫn nằm ngoài danh sách hộ nghèo.
Cuối năm 2017, khi bà Nhiên ý kiến nhiều lần lên thôn, cán bộ thôn xuống chấm điểm ngôi nhà nhưng sau lại kết luận nhà này vẫn... chưa nghèo. Bức xúc với cách chấm của thôn bà Nhiên kiến nghị lên xã, UBND xã xuống chấm lại.
Dù thang điểm có phần "ưu ái" nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để "cái nghèo" tìm đến với bà ngay lúc đó mà bà cùng nhiều người dân địa phương vẫn phải đấu tranh.
Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Hoài có hai ngôi nhà mái bằng xây gần nhau, kinh tế có của ăn của để, bà Hoài hiện đi làm ăn xa tại Hà Giang nhiều năm, lại được xét hộ nghèo.
Cũng theo những người dân ở xã Minh Lương, điều khiến họ phẫn nộ chính là việc trong danh sách được hưởng hộ nghèo của xã năm 2013, 2014 xuất hiện tên Vũ Thị Huyền Trang (SN 1999, con bà Lê Thị Hương, nguyên trưởng thôn 2) trong gia đình bà Phạm Thị Hiền (SN 1924), một hộ được hưởng chế độ hộ nghèo.
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân địa phương, chị Trang không có quan hệ gì với gia đình bà Hiền, hai nhà chỉ là hàng xóm. Biết được sự gán ghép để trục lợi này, gia đình bà Hiền cũng rất bức xúc.
Hay trường hợp của ông Mè Xuân Liệu (SN 1964, chồng bà Lê Thị Đông, trưởng thôn mới nghỉ việc) được xếp vào dạng được hưởng chế độ hộ nghèo trong mối quan hệ là con ông Lê Ngọc Khái (SN 1924). Tuy nhiên, tìm hiểu thì ông Liệu chỉ là cháu họ, không phải là con ông Khái.
Theo người dân địa phương, gia đình chị Trang và gia đình ông Liệu kinh tế ổn định, thậm chí là khá giả.
Ông Nguyễn Hữu Bàn – Bí thư Đảng ủy xã Minh Lương, người trực tiếp được dân thôn 2 nhắc tên trong những sự thiếu minh bạch ở nhiều quy trình thừa nhận, trước đây con ông từng xuất hiện trong danh sách một hộ nghèo của địa phương. Tuy nhiên, ông Bàn cho hay, sự việc cũng đã lâu nên ông không nhớ.
Hơn nữa, thời gian đó, ông đi công tác, con trai ông đang học cấp 3. Nhà không phải hộ nghèo nhưng ông đoán, vợ ông xin giấy chứng nhận để con trai ông được ưu tiên miễn giảm học phí. “Tôi đoán thế chứ không phải tôi xin vào hộ nghèo để lấy chính sách”, ông Bàn giãi bày.
Trao đổi với PV, ông Lều Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết, gia đình nhà bà Nhiên đã được xét duyệt vào hộ nghèo năm 2018. Còn trước đó, do ở dưới thôn chấm điểm nên bà Nhiên không thuộc tiêu chí hộ nghèo.
Trong cách trả lời của ông Lều Ngọc Anh về tất cả giấy tờ, danh sách liên quan tới hộ nghèo, ông gần như đứng ngoài cuộc. Kể cả sự đổ nát tới tang thương của ngôi nhà bà Nhiên từ nhiều năm nay cũng không được ông biết tới.
Vị Chủ tịch này cho hay, nhà bà Nhiên nằm ngoài mặt đường nhưng vì ông chỉ đi qua và không có việc gì vào nhà nên không nắm được. Hơn nữa, bà Nhiên trước đây cũng đi làm giúp việc suốt, không mấy khi ở nhà.
Tất cả mọi sai sót trong quá trình rà soát, lập danh sách hộ nghèo tại thôn 2 của xã, ông Ngọc Anh cho rằng, do thôn đưa danh sách lên và mình phải tin tưởng ở cấp cơ sở.
Với trường hợp chị Nguyễn Thị Hoài đã không ở địa phương từ lâu, dù hộ khẩu của chị này vẫn thuộc xã Minh Lương, và thêm phần nhà cửa khá khang trang nhưng vẫn được nhận hộ nghèo, ông Lều Ngọc Anh giải thích rằng, theo quy định, nếu công dân nào không ở địa phương 6 tháng trở lên sẽ không chấm điểm tiêu chí hộ nghèo.
Nhưng vì thời gian này, phía xã mới phát hiện chị này đã rời khỏi địa phương trên 6 tháng nên từ tháng 12/2017, cắt tiêu chí hộ nghèo của gia đình chị Hoài.
Sau khi rà soát lại, một số hộ không đảm bảo tiêu chí, chính quyền xã Minh Lương cũng đã cho ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Trước thông tin việc “gá” tên “con ông cháu cha” vào các gia đình hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu tiên vào năm 2014, ông Lều Ngọc Anh nói: “Tôi mới nhận bàn giao chức Chủ tịch xã từ tháng 7/2015. Còn những nội dung trước, nhất là quản lý hộ nhèo do Chủ tịch trước quản lý.
Thôn đưa lên mình không nhớ từng nhà thế nào, mình tin tưởng cấp cơ sở. Đúng là cũng có những trường hợp lợi dụng cơ chế, chính sách và luật cư trú nên chuyển khẩu hộ nghèo.
Bên công an nhập khẩu và đưa ra mình không từ chối được. Có những hộ khác, con em ở xã khác nhưng nhập khẩu về đây để hưởng chế độ nghèo, kể cả đưa vào hộ nghèo, chúng tôi biết nhưng phải chấp nhận”.
Những trường hợp "gá" tên vào những gia đình được hưởng hộ nghèo để trục lợi, Chủ tịch UBND xã Minh Lương thừa nhận đó là hành vi sai phạm.
Video: Nhà cao nhất làng vẫn xếp vào hộ nghèo ở Thanh Hóa
Bình luận