Trong chương trình truyền hình Người giấu mặt gần đây, một ca sĩ trẻ giấu danh tính tiết lộ bị ông bầu gạ gẫm đổi tình lấy sự nổi tiếng. Khi không đồng ý với điều kiện của ông bầu, anh bị chèn ép, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, thậm chí bị đánh đập.
Ca sĩ này sau đó được xác định là Minkook (tên thật Nguyễn Quốc Minh) - cựu thành viên nhóm Zero 9, còn ông bầu là Tăng Nhật Tuệ. Ngay sau đó, một nam người mẫu cũng lên tiếng tố Tăng Nhật Tuệ từng nhiều lần động chạm cơ thể, nhắn tin gạ tình với anh.
Câu chuyện gạ tình, đổi tình lấy sự nổi tiếng không còn xa lạ trong showbiz Việt. Luật sư Nguyễn Hữu Toại - giám đốc công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội - phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý.
Việc gạ tình thường xảy ra giữa những người quen biết nhau
- Trong trường hợp nghệ sĩ bị gạ gẫm hoặc bị quấy rối tình dục, họ cần phải làm gì để bảo vệ bản thân, thưa luật sư?
Khi hành vi gạ gẫm hoặc lạm dụng tình dục xảy ra thì điều đầu tiên nghệ sĩ cần làm là phải tỏ thái độ phản kháng ngay từ đầu, dứt khoát không chấp nhận các hành vi này. Họ cần yêu cầu đối tượng gạ tình phải dừng ngay hành động sai trái đó lại.
Nếu đối tượng gạ gẫm đó vẫn tiếp tục tấn công thì phải bằng mọi cách chạy khỏi khu vực đó đến nơi an toàn và báo cho các cơ quan chức năng can thiệp.
Thực tế cuộc sống việc gạ gẫm thường xảy ra giữa những người quen biết nhau. Nếu không thay đổi được tình hình, theo tôi nghệ sĩ bị gạ tình nên thay đổi môi trường làm việc để tránh bị xâm hại.
- Nghệ sĩ bị gạ gẫm, quấy rối tình dục cần lên tiếng như thế nào, tố cáo tới đâu, làm những gì để được pháp luật bảo vệ?
Nạn nhân cần lên tiếng phản đối đối tượng gạ tình, lạm dụng tình dục để yêu cầu kẻ đó phải chấm dứt hành vi vi phạm đó. Nếu đối tượng kia vẫn có những hành vi sai trái đó thì nạn nhân cần có đơn tố cáo gửi tới cơ quan cảnh sát nơi xảy ra vụ việc để họ tiến hành điều tra vụ việc.
Ngoài việc gửi đơn nạn nhân cần cung cấp cho cơ quan điều tra các tài liệu, chứng cứ (nếu có) chứng minh hành vi gạ tình, lạm dụng tình dục.
- Có những trường hợp nghệ sĩ sau khi tố cáo bị đe dọa, hành hung, thậm chí bị chỉ trích, miệt thị. Vậy có cách thức nào để nạn nhân được bảo vệ khi tố cáo?
Hiện nay Luật tố cáo đã có quy định về việc bảo vệ người tố cáo. Theo quy định của luật thì “bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo”.
Khi có căn cứ về vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, thì người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Như vậy người tố cáo hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ đối với mình khi tố cáo. Các cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét để quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo hay không.
- Trường hợp nghệ sĩ lên tiếng tố cáo nhưng không đưa ra bằng chứng, lời tố đến từ một phía, thì những sự việc này sẽ đi đến đâu?
Trường hợp nghệ sĩ lên tiếng tố cáo nhưng không đưa ra được bằng chứng, lời tố từ một phía và sau khi cơ quan điều tra thụ lý giải quyết theo quy định và cơ quan điều tra có kết luận không có căn cứ hoặc không có hành vi gạ tình, lạm dụng tình dục, thì người tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
Nếu người bị tố cáo kia tố cáo ngược lại, có khả năng người tố cáo sai sự thật sẽ bị xử lý về tội vu khống nếu có đủ yếu tố cấu thành của tội vu khống. Ngoài ra người tố cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Cần quyết liệt để đưa sự việc ra ánh sáng
- Trong showbiz đã xảy ra nhiều vụ lạm dụng, quấy rối tình dục, như vụ Minh Béo là một điển hình. Tuy nhiên, còn rất nhiều sự việc không thể đi đến tận cùng đen trắng, vì nạn nhân có thể im lặng vì sợ hãi, vì đã thỏa hiệp, vì sợ bị trù dập chèn ép... Vậy làm thế nào để những sự việc này được đưa ra ánh sáng?
Một trong những nguyên nhân của các vụ lạm dụng, quấy rối tình dục không đi đến cùng sự thật đen trắng là do đặc thù của loại tội này. Thông thường các hành vi này sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm nếu đủ yếu tố cấu thành.
Một trong những khó khăn khi điều tra là các chứng cứ vật chất không còn nữa, thời gian lâu thì người bị xâm hại mới tố cáo nên cơ quan điều tra thu thập chứng cứ rất khó, thậm chí là không thu thập được gì ngoài lời khai của các bên.
Để chứng minh được cấu thành tội này cần phải chứng minh được có hay không có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Nếu chỉ dựa vào lời khai thì rất khó để có thể kết tội, do đó cá nhân bị xâm hại cần thu thập chứng cứ và trình báo, tố cáo ngay cho cơ quan công an để được bảo vệ và đưa vụ án ra ánh sáng.
- pháp luật Việt Nam quy định thế nào về các hành vi lạm dụng, quấy rối tình dục?
Quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ Luật lao động năm 2012.
Ngày 25/ 5/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Theo bộ quy tắc này thì “quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.
Bộ quy tắc này liệt kê các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ.
Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay…
Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
- Đối với những hành vi lạm dụng, quấy rối tình dục, ép buộc quan hệ tình dục… thì sẽ bị xử lý những tội gì, với những mức phạt như thế nào?
Nếu các hành vi khiêu dâm, lạm dụng, quấy rối tình dục, ép buộc quan hệ tình dục… có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý về các tội khác nhau, có thể tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, hoặc tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Tùy theo mức độ, tính chất, hành vi mà bị xử lý các tội khác nhau và phải chịu các hình phạt khác nhau. Nếu bị xử về tội hiếp dâm thì đối tượng có thể bị xử phạt tù từ 2 năm đến 7 năm và cao nhất có thể bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Quan trọng là khán giả và dư luận cũng hãy khắt khe, nghiêm khắc để những loại tội phạm này không có môi trường hoạt động.
- Xin cám ơn luật sư về những chia sẻ trên!
Bình luận