Trong thông cáo chung dài 12.400 từ, Ngoại trưởng các nước G7 khẳng định Nga đang cố phá hoại các nền dân chủ và đe dọa Ukraine trong khi Trung Quốc vi phạm nhân quyền và sử dụng sức mạnh kinh tế để bắt nạt người khác.
Tuy nhiên, có rất ít hành động cụ thể được đề cập trong thông cáo để ngăn chặn các hành vi này.
Các ngoại trưởng nhất trí sẽ thúc đẩy các nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn "các chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép" của Trung Quốc và chống lại thông tin sai lệch của Nga.
"Chúng tôi sẽ cùng làm việc để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu trong khi đối mặt với các chính sách kinh tế mang tính ép buộc, độc đoán", thông cáo nhấn mạnh.
Các ngoại trưởng G7 cho biết họ ủng hộ việc Đài Loan tham gia các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới và Đại hội đồng Y tế Thế giới, đồng thời bày tỏ lo ngại về "bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng" ở eo biển Đài Loan.
Về phía Nga, G7 ủng hộ Ukraine nhưng lời lẽ trong thông báo không rõ ràng.
"Chúng tôi lo ngại sâu sắc về các hành vi vô trách nhiệm và gây mất ổn định của Nga sẽ tiếp diễn. Điều này bao gồm việc tập trung lực lượng quân sự của Nga ở biên giới Ukraine và Crưm, các hoạt động thâm độc của họ nhằm phá hoại hệ thống dân chủ của các nước khác", các bộ trưởng nhấn mạnh.
Hôm 3/5, Ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển G7 bắt đầu phiên họp trực tiếp diễn ra trong ba ngày tại thủ đô London, Anh nhằm chuẩn bị nghị trình cho Thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2021.
Cuộc họp tại London lần này là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ngoại trưởng nhóm nước G7 trong hai năm qua. Trong năm 2020, do đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho việc tranh cử Tổng thống, chính quyền Tổng thống Trump quyết định hủy bỏ Thượng đỉnh G7 do Mỹ đăng cai.
Bình luận