Google Doodle vinh danh nhà hóa học phân tích người Đức Friedlieb Ferdinand Runge (8/2/1794 -25/3/1867) vào ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 225 của ông.
Runge được biết đến là người đã tìm ra cafein, chất hoá học có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương có trong hạt cà phê.
Nhà hoá học nổi tiếng sinh ra ở Hamburg, Đức sớm bộc lộ thiên hướng phân tích hoá học bằng các thí nghiệm ở tuổi thiếu niên. Những phân tích hoá học từ khi còn thiếu thời góp phần quan trọng trong sự ngiệp khoa học lừng lẫy của ông sau này.
Một trong những phát hiện ban đầu của Runge là tác dụng của chiết xuất từ cây belladonna (một thực vật họ Cà) trong việc làm giãn đồng tử. Phát hiện này đã thu hút sự chú ý của nhà văn người Đức và nhà bác học Johann Wolfgang von Goethe. Goethe yêu cầu Runge nghiên cứu và xác định thành phần hóa học của hạt cà phê.
Runge đã xác định và tách thành công caffeine hóa học từ đậu mocha Ả Rập. Cafein được tinh chế lần đầu tiên vào năm 1819.
Công thức hoá học của cafein là C8H10N4O2, có thể tìm thấy được trong các loại hạt cà phê, trong chè, hạt côla, quả guarana và (một lượng nhỏ) trong hạt ca cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xếp cafein vào nhóm các chất gây nghiện. Đến nay vẫn không có dấu hiệu gì rõ ràng chứng minh cafein nguy hại đến sức khoẻ, ngay cả những trường hợp sử dụng thường xuyên cafein trong thời gian dài. Tuy nhiên việc dùng cafein nhiều có thể dẫn tới sự phụ thuộc về tâm lý, trong trường hợp này mùi vị cà phê, khẩu vị người uống và truyền thống cũng đóng một vai trò quan trọng.
Cafein có trong danh sách doping của Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (IOC). Tuy nhiên, hàm lượng tiếp thu vào trong người đủ để bị cấm là rất cao, vì vậy các vận động viên có thể uống cà phê trong bữa sáng.
Mặc dù đã khắc tên mình vào lịch sử hoá học của nhân loại, Runge đã trải qua những ngày cuối đời trong nghèo khổ sau khi bị người quản lý của một công ty hóa chất sa thải vào năm 1852. Runge qua đời 15 năm sau, vào ngày 25 /3/1867.
Bình luận