Xếp hạng của EVNNPC được đánh giá trên cơ sở hồ sơ tín dụng hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị sở hữu 100% vốn của EVNNPC, phù hợp với Tiêu chí đánh giá mối quan hệ giữa Công ty mẹ và công ty con của Fitch.
Phương pháp tiếp cận đánh giá hợp nhất được thực hiện bằng cách liên kết chặt chẽ hồ sơ tín dụng của EVNNPC với hồ sơ tín dụng của công ty mẹ. Fitch đánh giá Hồ sơ tín dụng độc lập của EVNNPC ở mức 'BB', ngang với hồ sơ tín dụng của EVN và hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (BB/Ổn định). Xếp hạng của EVNNPC có liên quan đến công ty mẹ EVN.
Theo tiêu chuẩn PSL (đánh giá mối liên hệ giữa công ty mẹ và công ty con), EVN và EVNNPC có quan hệ chặt chẽ, do EVN sở hữu toàn bộ EVNNPC và có ảnh hưởng bao trùm đến hồ sơ tài chính và kế hoạch lợi nhuận của EVNNPC.
Tại lễ công bố đánh giá tín nhiệm, Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Tổng giám đốc EVNNPC cho biết: "Chúng tôi đánh giá việc xếp hạng tín nhiệm này có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển và công tác sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cũng như bất cứ doanh nghiệp nào ở Việt Nam. Đạt được các danh hiệu trong nước là việc hết sức vinh dự, tuy nhiên đứng về góc độ hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả đánh giá được bảo chứng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế có 1 ý nghĩa rất quan trọng bởi vì đó là những đánh giá khách quan của đơn vị quốc tế, dựa trên các chuẩn mực quốc tế, các tiêu chuẩn đặc thù của ngành nghề. Nếu như không có những kết quả đánh giá tín nhiệm như thế này, những nhà đầu tư quốc tế sẽ rất ngại ngần khi tiếp cận với những đợt huy động vốn của doanh nghiệp, khi đề xuất với doanh nghiệp các chương trình cho vay ưu đãi.
Với doanh nghiệp quy mô lớn như EVNNPC, mỗi năm nhu cầu đầu tư thuần khoảng trên dưới 500 triệu đô la Mỹ, trong điều kiện hiện nay, nguồn vốn trong nước không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Để hoàn thành được nhiệm vụ huy động vốn nhanh chóng, huy động được các nguồn vốn có mức lãi suất ưu đãi và thời hạn vay đặc biệt, việc thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài là 1 trong những ưu tiên của lãnh đao Tổng công ty.
Chúng tôi rất vui mừng khi xếp hạng tín nhiệm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã đạt được kết quả ngang bằng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam và công ty mẹ EVN. Điều này chứng tỏ các chuẩn mực quản trị, các tiêu chuẩn trong công tác quản lý của Tập đoàn và Tổng công ty đã tiệm cận trình độ của các nước trong khu vực. Trong tương lai với mức xếp hạng tín nhiệm này, Tổng công ty chắc chắn sẽ hoàn thành 1 trongg những nhiệm vụ quan trọng là thu xếp đủ vốn đầu tư phục vụ cho công tác phát triển.
Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch vốn trong trung hạn và dài hạn. Trong kế hoạch này, nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ngân sách đã trở nên hạn chế, nguồn vốn ODA hiện tại không còn mang tính chất ưu đãi và không còn nhiều tổ chức cung cấp nguồn vốn này nữa. Vì vậy trong trung hạn và dài hạn chúng tôi phải cơ cấu kế hoạch vốn bao gồm vốn trái phiếu phát hành quốc tế.
Dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm này, tôi tin tưởng kế hoạch đó sẽ thành công. Trước mắt trong vòng 2 năm tới, chúng tôi hoàn toàn có thể tự cân đối được từ nguồn vốn chủ sở hữu cũng như nguồn vốn trong nước. Tuy nhiên từ năm 2023 trở đi, chúng tôi sẽ phải huy động mỗi năm khoảng 10-15% nguồn vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế".
Nhân tốt đánh giá tín nhiệm chính đối với EVNNPC được xác định gồm:
Liên kết chặt chẽ với Công ty mẹ
EVN xác định lợi nhuận của EVNNPC thông qua cơ chế thiết lập biểu giá bán buôn. Biểu giá bán buôn nhằm bù đắp chi phí của EVNNPC và thu lợi nhuận giúp Tổng công ty duy trì hoạt động và đáp ứng các kế hoạch đầu tư. EVN cũng bổ nhiệm ban lãnh đạo chủ chốt của EVNNPC, phê duyệt kế hoạch đầu tư và kinh doanh, giám sát việc quản lý tài chính của công ty con và phê duyệt chế độ lương thưởng cho các lãnh đạo chủ chốt. Tại thời điểm cuối năm 2019 EVN bảo lãnh khoảng 12% tổng các khoản vay của EVNNPC.
Vị thế vững chắc trên thị trường hỗ trợ Hồ sơ tính nhiệm độc lập (SCP)
SCP của EVNNPC được đánh giá ngang bằng với EVN do công ty mẹ có ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch kinh doanh và hồ sơ tài chính của EVNNPC bao gồm khả năng sinh lời, mặc dù chúng tôi tin rằng các chỉ số tín dụng của EVNNPC còn cao hơn mức tương xứng khi đánh giá tín dụng.
SCP của EVNNPC có lợi thế từ vị thế thống lĩnh thị trường phân phối điện miền Bắc Việt Nam, đối tác đa dạng và số ngày phải thu thấp.
Tác động không đáng kể của đại dịch Coronavirus: Sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019 lên 56 tỷ kWh trong chín tháng đầu năm 2020 nhờ nền kinh tế phục hồi của Việt Nam và thành công của chính phủ trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch coronavirus.
Đối tác đa dạng, rủi ro phải thu thấp
Hồ sơ tín dụng của EVNNPC có lợi thế do khách hàng đa dạng và ổn định tại mức khoảng 11,5 triệu khách hàng, lớn nhất trong các tổng công ty phân phối của EVN. Khoảng 61% doanh thu là từ các khách hàng công nghiệp có độ tăng trưởng cao, tiếp theo là khách hàng dân cư ổn định hơn đóng góp 31%. 20 khách hàng lớn nhất của EVNNPC chỉ chiếm khoảng 7,5% tổng doanh thu. Rủi ro thấp cũng được phản ánh thông qua việc EVNNPC có tỷ lệ thu cao gần như 100% và số ngày phải thu thấp (khoảng 5 ngày), điều này cũng là do 80% doanh thu thu được thông qua hình thức thanh toán điện tử.
Mối quan hệ chặt chẽ với Nhà nước của EVN
Fitch đánh giá vị thế, quyền sở hữu và quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam đối với EVN là 'rất mạnh'. Nhà nước sở hữu hoàn toàn EVN, bổ nhiệm Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo cấp cao, chỉ đạo đầu tư và phê duyệt việc tăng giá điện vượt quá 5%. Các hỗ trợ trong quá khứ và dự đoán về hỗ trợ trong tương lai của nhà nước đối với EVN là 'Mạnh mẽ'. Nhà nước bảo lãnh, giảm các khoản vay, cho vay từ các ngân hàng quốc doanh với lãi suất ưu đãi, trợ cấp cho các dự án chiến lược và ưu đãi thuế. Chúng tôi cho rằng chính phủ sẽ luôn duy trì hỗ trợ khi cần thiết, dù có ý định cắt giảm hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp nhà nước và hạn chế nợ công.
Bình luận