Với lợi thế về biên mậu, Trung Quốc luôn duy trì được vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm nay. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 66 tỷ USD trong nửa đầu 2018, tương đương mức trung bình hàng tháng đạt trên 10 tỷ USD, con số lớn nhất từ trước đến nay.
Mặc dù vậy, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, luỹ kế đến hết quý I/2018, Trung Quốc ở vị trí là nhà đầu tư lớn thứ 7 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 1.883 dự án trị giá khoảng 12,4 tỷ USD.
Trong một bài viết về quá trình 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cho rằng, Trung Quốc đã tăng nhanh vốn đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây, tập trung vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và bất động sản.
“Trung Quốc chủ trương tăng cường đầu tư ra nước ngoài nên có thể từ vị trí thứ 7, 8 hiện nay trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong những năm sắp tới”, ông Mại đánh giá.
GS Nguyễn Mại đánh giá: “Hiện Trung Quốc đang coi trọng thị trường ASEAN, trong đó Việt Nam chính là cửa ngõ vào khu vực này. Bên cạnh đó, theo ông Mại, Trung Quốc đang có khó khăn nhất định trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, EU nên thái độ với Việt Nam về kinh tế cũng có những thay đổi”.
Theo giới chuyên gia, cũng giống như đối với thương mại, Việt Nam không thể “không chơi” với Trung Quốc, bởi thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Khi cả thế giới đang phải chơi với Trung Quốc, thì Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy đó. Vấn đề là chọn cách chơi thế nào cho khôn ngoan và thông minh.
Có thể thấy, Trung Quốc đang chứng minh là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn. Không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước như Mỹ, EU đều muốn thu hút và tận dụng nguồn vốn này.
Về khoa học công nghệ, thực tế Trung Quốc vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có trình độ cao. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gặt hái thành tựu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, bao gồm cả những nghiên cứu về lý thuyết lượng tử hay những thành tựu về thăm dò vũ trụ, siêu máy tính...
Từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm, nước này thu được hơn 20.000 thành quả thuộc các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... khiến thực lực khoa học công nghệ không ngừng nâng cao.
Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Việt Nam hiện đã đủ năng lực, đủ khoa học để nhận thức và đánh giá dự án. Như vậy có thể thấy, câu chuyện ở đây có thể nói chính là việc chúng ta lựa chọn tiếp nhận cái gì, không tiếp nhận cái gì?
Khi bàn về việc nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên cởi mở thu hút đầu tư, chào đón bằng các hàng rào kỹ thuật chứ không phải bằng một danh mục “cứng” mang tính chất tượng trưng nào cả.
"Cần thu hút đầu tư tất cả các ngành nghề, lĩnh vực có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và đáp ứng các yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước”, một chuyên gia nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh: “Phải xem xét những gì có lợi cho chúng ta. Quan điểm là phải hợp tác làm ăn với Trung Quốc trên cơ sở 2 bên cùng có lợi”.
Video: Hé lộ chuyện 'đi đêm' của doanh nghiệp FDI
Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong 2 năm gần đây, Trung Quốc có sự thay đổi chính sách, nhiều nhà đầu tư rất muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, thắt chặt hơn nữa về kinh tế.
“Nếu nhà đầu tư Trung Quốc hay bất kỳ nhà đầu tư nước nào mang đến Việt Nam công nghệ cao thì chúng ta vẫn hoan nghênh, công nghệ thấp thì chắc chắn sẽ chặn cửa và loại bỏ”, ông Toàn nói.
Bàn về câu chuyện quản lý như thế nào, vị chuyên gia cho rằng: “Nguồn vốn chất lượng hay không là ở phía tiếp nhận quyết định. Ví dụ hàng hoá xuất nhập khẩu, hải quan có 3 luồng hàng: Luồng xanh dành cho doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm chỉnh, hàng hoá ra vào không cần kiểm soát; luồng vàng là bình thường, đỏ là vi phạm rất nhiều lần rồi. Nhà đầu tư cũng cần thế, chính sách là chung nhưng với từng nhà đầu tư làm sao để kiểm soát, đưa lại hiệu quả của FDI trên tất cả các lĩnh vực”.
Trao đổi với báo giới trước đó, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng khẳng định, trong chiến lược thu hút FDI sắp tới, thay vì đưa ra các ưu đãi, chúng ta nên tập trung giải quyết các vấn đề của môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, sự sẵn sàng của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng nhân lực từ khu vực FDI.
Bình luận