Ngày 22/5 (theo giờ châu Âu), CEO facebook Mark Zuckerberg tham gia cuộc điều trần trước Nghị viện Châu Âu về scandal theo dõi các dữ liệu riêng tư của người dùng.
Ban đầu, CEO Facebook muốn thực hiện phiên điều trần "kín", nhưng một số MEP (các thành viên của Nghị viện châu Âu) đe dọa sẽ không tham dự trừ khi phiên điều trần này được công khai.
MEP không còn tin tưởng Facebook
Một số thành viên Nghị viện Châu Âu nói rằng, họ vẫn luôn chú ý đến những gì mà Facebook và Zuckerberg đã nói và làm trong vài năm qua, đồng thời cũng ghi lại hết những lời xin lỗi lặp đi lặp lại của Zuckerberg suốt một thập kỷ qua.
Dường như, MEP mong đợi Zuckerberg trả lời hầu hết các câu hỏi theo cách mà anh đã làm trong các phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các MEP cũng cảnh báo Zuckerberg rằng, họ không còn tin tưởng và để cho Facebook “tự điều tiết” nữa.
Các MEP cũng bày tỏ sự băn khoăn rằng, liệu Zuckerberg hay bất kỳ ai trong Facebook có thể khắc phục được các vấn đề của công ty này không, bao gồm từ rò rỉ dữ liệu đến tin tức giả mạo, thao tác bầu cử, ngôn từ kích động thù địch...
Facebook vi phạm luật pháp EU
Đại biểu Nghị viện Châu Âu Guy Verhofstadt lưu ý rằng, Facebook đã vi phạm Chỉ thị bảo vệ dữ liệu hiện có bằng cách chuyển giao những thứ, được xác định gần đây chính là "dữ liệu châu Âu" đến trụ sở chính của mình tại Hoa Kỳ.
Gần đây, Facebook đã ngừng xử lý dữ liệu của 1,5 tỷ người dùng quốc tế (trừ công dân EU) thông qua trụ sở Facebook tại Ireland. Công ty này hiện đang xử lý mọi dữ liệu của các công dân không phải EU tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, dữ liệu của tất cả những người nước ngoài, được gọi là "dữ liệu châu Âu", theo Verhofstadt, là những thứ Facebook không được phép chuyển giao. Verhofstadt là một trong những MEP đe dọa không tham dự nếu phiên điều trần không được công khai trước mọi người.
Max Schrems, một người Áo đã kiện Facebook và chỉ trích rằng công ty này đã vô hiệu hóa thỏa thuận Safe Harbor cũng chia sẻ trên Twitter cách đây vài ngày rằng, Facebook đã chặn tài khoản của anh ta vì anh ta không đồng ý với chính sách bảo mật mới của mạng xã hội này.
Chúng tôi cũng biết rằng Facebook vẫn đang được điều tra ở nhiều quốc gia so với các vi phạm luật riêng tư trước đây của EU.
"Con quái vật kỹ thuật số" của Marzukerberg
Tại phiên điều trần, Verhofstadt hỏi Zuckerberg rằng liệu anh có muốn được mọi người nhớ đến như Steve Jobs hay Bill Gates, những người có đóng góp to lớn và làm phong phú thêm cho thế giới của chúng ta, hay như một "thiên tài đã tạo ra một con quái vật kỹ thuật số" đang phá hủy nền dân chủ và xã hội của chúng ta.
Nikolas Bay, một MEP khác lưu ý rằng, Facebook sẽ chặn tài khoản của người dùng khi họ không đồng ý với quan điểm của mình. Ông cũng bày tỏ sự quan ngại rằng nếu như các hãng điện thoại cũng làm như thế với khách hàng của mình thì mọi chuyện sẽ ra sao.
Bay nói thêm rằng, Facebook đang tư nhân hóa các quyền tự do công cộng của người dùng, và điều này vượt quá bất kỳ quyền kiểm soát pháp lý hoặc quốc hội nào.
Video: Facebook tiếp tục lộ 3 triệu thông tin người dùng
Thời điểm để phá vỡ sự độc quyền của Facebook?
Manfred Weber, một trong những thành viên Nghị viện Châu Âu tại cuộc điều trần nhớ lại rằng, đầu năm nay, Zuckerberg đã né tránh câu hỏi của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ về số lượng đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với Facebook.
Sau đó, Weber cũng tự hỏi rằng liệu đây có là thời gian để phá vỡ sự độc quyền của Facebook bởi vì công ty này đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực. Ý tưởng này gần đây được kêu gọi bởi nhiều nhóm vận động người tiêu dùng Mỹ khi cho rằng WhatsApp, Messenger và Instagram cũng nên được phân nhỏ thành các công ty khác nhau để tránh sự tập trung quyền lực.
Những câu trả lời của Zuckerberg không có gì mới so với các phiên điều trần trước đó, và buổi điều trần kết thúc khi ông chủ Facebook vẫn chưa trả lời xong các câu hỏi. Tuy nhiên, anh hứa sẽ trả lời các câu hỏi bổ sung của MEP bằng văn bản trong vài ngày tới.
>>> Đọc thêm: Clip: Mark Zuckerberg thừa nhận cũng bị bán thông tin cá nhân cho bên thứ ba
Bình luận