Facebook mới đây cho biết họ đã đồng ý chi 550 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc do thu thập trái phép dữ liệu sinh trắc của người dùng. Đồng thời cho biết, trong tương lai sẽ hỏi ý kiến người dùng trước khi thu thập dữ liệu thông tin này.
Vụ kiện này được xử tại bang Illinois, nơi có luật bảo mật thông tin sinh trắc. Theo đó, luật được xây dựng vào năm 2008 quy định các doanh nghiệp không được thu thập thông tin sinh trắc của khách hàng khi chưa được sự cho phép của họ.
Để hoàn tất việc dàn xếp này, mỗi người bên nguyên đơn có thể đòi Facebook một số tiền lên tới 200 USD.
Trước đó, vào năm 2015, khi vụ kiện bắt đầu, Facebook từng không thừa nhận sai phạm của mình và cho rằng các cáo buộc là vô lý, đồng thời họ sẵn sàng có thể tự bào chữa cho mình. Không riêng Facebook, các vụ kiện tương tự cũng từng xảy ra với Shutterfly, Snapchat và Google.
Người phát ngôn của Facebook cho biết lý do công ty muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề này là vì nó giúp mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.
Một trong những luật sư của bên nguyên đơn - Jay Edelson - từng phát biểu trong thông cáo rằng: "Thông tin sinh trắc, cùng thông tin địa lý là hai mảng dữ liệu sẽ định hình quyền bảo vệ riêng tư của người tiêu dùng thế hệ tiếp theo".
Khi công nghệ nhận diện khuôn mặt được các doanh nghiệp và cơ quan hành pháp sử dụng, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại vì công nghệ này có thể dẫn tới việc xâm phạm quyền riêng tư cũng như quyền dân sự. Chính vì vậy, năm 2019, San Francisco là thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm các đơn vị hành chính và cảnh sát trực thuộc thành phố sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt.
Trước đó, vào năm 2018, sau bê bối về dữ liệu người dùng Cambridge Analytica, tính năng bảo mật thông tin người dùng của Facebook cũng bị chỉ trích thậm tệ. Facebook từng phải đóng phạt 5 triệu USD cho Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ vì thất bại trong việc bảo vệ thông tin người dùng.
Bình luận