F0 đi chợ, mua thuốc
Chiều 1/3, chị Thuận (Hà Nam) ra tiệm thuốc gần nhà mua nước muối sinh lý và vitamin C. Khi đang thanh toán tiền, một người đàn ông ước chừng ngoài 40 tuổi, giọng nói yếu ớt xen lẫn tiếng ho nhát ngừng vào mua kit test nhanh và thuốc giảm ho.
Nhân viên cửa hàng thuốc thấy thế liền hỏi có phải anh mua cho người nhà bị F0. "Không, tôi mua cho tôi. Tôi bị F0 mấy ngày nay đã hết sốt giờ chỉ còn ho và mệt mỏi thôi", vị khách đáp.
Nghe vậy chị Thuận tròn mắt, vội vã trả tiền và đi nhanh ra ngoài. Chủ cửa hàng thuốc có vẻ đã quen với những trường hợp như vậy nên vẫn bán hàng bình thường. "Tôi rất lo lắng vì nhà có trẻ con chưa tiêm vaccine. Từ khi dịch bệnh bùng phát tôi luôn hạn chế tối đa việc đi lại vì sợ mang bệnh về nhà. Nay chỉ di chuyển 15 phút đi mua thuốc lại gặp một người bị F0 thản nhiên ra đường. Có lẽ sẽ còn nhiều người như vậy".
Trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Nga (58 tuổi) Đống Đa, Hà Nội từng bắt gặp hàng xóm là F0 chưa hoàn thành thời gian cách ly nhưng đã đi chợ. "Tấm biển đỏ treo khu vực cách ly y tế nhà bà ấy mới treo được 3 ngày tôi đã thấy bà ấy đi chợ xách rau, thịt, hoa quả, chanh sả lệ khệ... ", bà Nga nói.
Mặc dù khá bất bình về việc này nhưng hàng xóm sợ mất lòng nhau nên bà Nga cũng ngoảnh mặt làm ngơ và không phản ánh lên phường.
Chị Nguyễn Trang Hà ở quận Hai Bà Trưng cũng kể về người bạn của chị là F0 nhưng vì buồn chán, lại muốn nâng cao sức khỏe nên ra ngoài thể dục. Người bạn của chị đến nay cách ly 5 ngày. Đến hôm thứ 6 thấy vạch mờ dần, trong người khó chịu khi ở mãi trong căn phòng gần 15 m2, chị liền chạy ra ngoài tập thể dục khoảng một tiếng rồi về. "Người bạn của tôi nói chọn thời điểm vắng người mới ra ngoài, trên đường đi gần như né hết người xung quanh, bạn ấy nghĩ như vậy là không ảnh hưởng đến ai", chị Hà nói.
Tình trạng F0 ra đường được cho không phải hiếm trong bối cảnh hiện này, thực tế rất nhiều gia đình F0 cả nhà cần đi mua thuốc, đồ ăn phải tự đi, hoặc công việc gấp họ phải tự đi.
Nguy cơ dịch bùng phát mạnh
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, hiện do số lượng F0 nhiều nên phần nào cơ quan chức năng chưa thể quản lý, theo dõi được hết. Điều này dẫn đến tình trạng có người tự test nhanh COVID-19 tại nhà nhưng không khai báo y tế. Thậm chí, F0 “hồn nhiên” đi chợ, mua thuốc. Nguy hiểm hơn, có người dù biết bản thân là F0 nhưng vẫn đi khắp nơi ăn uống, hàng quán. Hành động này rất nguy hiểm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bùng phát mạnh mẽ, phức tạp hơn.
Để dịch bùng phát mạnh, số lượng ca bệnh tăng quá cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng, tử vong tăng theo, gây quá tải cho hệ thống y tế
BS Nguyễn Hồng Hà
“F0 vẫn đi chợ, đi chơi hiện nay theo tôi là không ít. Việc họ không khai báo và đi khắp nơi như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch lan rộng hơn. Với biến chủng mới, kết hợp với tiêm vaccine thì hầu hết F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng người dân không nên chủ quan. Để dịch bùng phát mạnh, số lượng ca bệnh tăng quá cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng, tử vong tăng theo, gây quá tải cho hệ thống y tế”, BS Hà nói.
Với tình hình hiện nay, kiểm soát hết F0 trong cộng đồng không đơn giản. Vì vậy mỗi người dân phải tự giác nâng cao ý thức của bản thân. Khi test nhanh dương tính cần thông báo ngay cho cơ quan y tế nơi mình quản lý. Ngoài ra, trong quá trình đi lại, giao tiếp, người dân cũng cần tuân thủ khai báo y tế đầy đủ để hạn chế nguy cơ lây lan cho bản thân và cộng đồng.
“Biết rằng kiểm soát được hết số F0 hiện nay là rất khó, vì số ca bệnh quá đông, lại kéo theo rất nhiều F1 nữa, song việc khai báo y tế khi di chuyển và thông báo cho cơ quan chức năng khi bản thân không may dương tính vẫn rất cần thiết trong phòng chống dịch. Việc làm này sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng y tế khi dự đoán tình hình dịch trong tương lai”, BS Hà nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề quản lý F0, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, đến nay địa bàn chưa phát hiện trường hợp F0 nhưng không chịu cách ly tại nhà mà vẫn ra đường.
Bên cạnh đó, quận đã chỉ đạo các phường tăng cường giám sát, đồng thời tuyên truyền cho F0 biết về quyền lợi, nếu không khai báo sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người đi làm. "Chúng tôi vừa tuyên truyền về quyền lợi, vừa tuyên truyền về trách nhiệm, in cả tờ rơi chuyển về các địa bàn dân cư để gửi đến tay người dân bị F0", ông Hoàn nói.
Để tránh tình trạng mắc COVID-19 nhưng không khai báo, quận có văn bản chỉ đạo các phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa phát thanh, đối với các trường hợp F0 không khai báo có thể phạt đến 20 triệu đồng, ngoài ra có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
F0 đi "lung tung" bị xử phạt thế nào?
Quyết định 219 của Bộ Y tế liệt kê COVID-19 vào danh sách các loại bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, nếu F0 khi biết bản thân là người mắc COVID-19 nhưng cố tình không thực hiện cách ly tại nhà mà vẫn đi lại trên đường thì có thể phải chịu mức xử phạt như sau:
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người nào bị COVID-19 nhưng từ chối hoặc trốn tránh việc cách ly thì sẽ bị phạt tiền 15 - 20 triệu đồng. Như vậy, nếu biết mình mắc COVID-19 nhưng F0 vẫn đi lại bình thường, không cách ly điều trị tại nhà thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.
Không chỉ bị phạt hành chính, căn cứ Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC, nếu F0 không tuân thủ quy định về cách ly và lây truyền dịch bệnh COVID19 cho người khác thì bị coi là có "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Ở trường hợp này, F0 vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1 - 5 năm. Nếu nghiêm trọng hơn, F0 vi phạm quy định về cách ly có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm nếu làm chết người hoặc khiến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch. Phạt tù từ 10 - 12 năm nếu F0 khiến Thủ tướng phải công bố dịch hoặc làm chết 2 người trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Bình luận