• Zalo

F0, F1 liên tục tăng, trường học ở TP.HCM ứng phó thế nào?

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 09/03/2022 09:07:51 +07:00Google News
(VTC News) -

Hiện F0, F1 ở TP.HCM liên tục tăng, khiến nhiều phụ huynh quan tâm về cách ứng phó trong công tác dạy và học ở các trường thế nào?

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, từ 7/2 - 2/3, số ca nghi nhiễm COVID-19 trong ngành giáo dục lên tới hơn 44.000 trường hợp (gồm 3.689 ca là cán bộ, giáo viên, nhân viên và 40.385 ca là học sinh).

Liên quan vấn đề này, UBND TP.HCM đã giao quyền chủ động cho các trường, các quận, huyện khi quyết định hình thức tổ chức dạy học tại lớp, tại trường khi có F0. Vậy các trường hiện dạy học ra sao?

F0, F1 liên tục tăng, trường học ở TP.HCM ứng phó thế nào? - 1

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM học trên lớp. (Ảnh minh họa)

Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng cho biết, thời gian sau Tết 2022 đến nay, tình hình F0 ở các đơn vị, không riêng gì nhà trường có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, trường đang phối hợp với phụ huynh để tầm soát dịch bệnh từ xa, quản lý tốt F0. Do đó, 1 tuần qua, dấu hiệu mừng là F0 ở trường không tăng, nên học sinh được chủ động hơn, tham gia các hình thức học.

Theo ông Phú, trên nguyên tắc, một lớp có từ 3 F0 trở lên, cả lớp nghỉ 3 ngày, còn em F0 phải đảm bảo đủ thời gian cách ly, điều trị tại địa phương và trở lại trường sau khi đã xét nghiệm âm tính. Trường linh động trong tổ chức dạy học để phù hợp thực tế. 

Cụ thể, lớp có F0, trường sẽ lấy ý kiến phụ huynh, nếu tất cả đồng thuận cả lớp nghỉ học, lớp học đó sẽ chuyển sang học trực tuyến. Chỉ những em F0 và F1 (tiếp xúc gần theo định nghĩa mới của Bộ Y tế) nghỉ ở nhà, trường sẽ áp dụng 4 hình thức dạy học.

“Thứ nhất trường sẽ chụp bài dạy gửi qua mạng xã hội cho các em F0, F1. Thứ 2 là các em nghỉ ở nhà sẽ lên website của trường để lấy tài liệu bài dạy để học. Thứ 3, các em có thể xem bài tập và học với đề cương của trường, 2 năm xoay chuyển liên tục với đại dịch, nhà trường có xây dựng đề cương tinh giản kiến thức theo quy định của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TP.HCM, do đó học đề cương, học sinh cũng hiểu được nội dung bài. Hình thức 4, học sinh gọi điện trực tiếp cho thầy cô bộ môn để được hướng dẫn, giải đáp bài tập",  ông Phú nói.

Ông Phú cho hay, trường vận dụng linh hoạt nhiều cách làm, chọn hình thức học nào thì nhà trường vẫn đảm bảo việc học, kiến thức cho các em.  Tuy nhiên, nhà trường không chờ đợi khi F0 nhiều mới chuyển sang học trực tuyến mà luôn luôn đảm bảo hai hình thức song song, nhưng ưu tiên học trực tiếp.

“Hai hình thức luôn luôn song hành với nhau, hiện thầy cô đang dạy cả hai. Nhưng chúng tôi cố gắng hết mức tận dụng học trực tiếp, khi nào khó khăn lắm mới chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo lượng kiến thức cho các em. Vì dù gì học trực tiếp hiệu quả rất cao, học trực tuyến không thể bằng”, ông Phú nhấn mạnh.  

F0, F1 liên tục tăng, trường học ở TP.HCM ứng phó thế nào? - 2

Thầy Huỳnh Thanh Phú. (Ảnh: Website trường)

Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du cho biết thêm, khi học qua các hình thức như trên không thể tốt bằng trực tiếp, do đó khi kiểm tra, đánh giá trường cân nhắc đề trên nội dung mà các em đã học. Học sinh học sao ra đề kiểm tra như vậy để tạo tâm lý thoải mái cho các em, không gây áo lực, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng học tập.

“Chỉ có lo lắng nhất là học sinh khối 12, nghỉ học ở nhà sẽ càng làm các em lo lắng hơn nữa nên nhà trường bố trí dạy phụ đạo thêm cho các em học sinh 12 vào chiều 3, 5, 7. Học sinh 12 được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn để kỳ thi sắp tới các em không  bị “khập khiễng” về kiến thức. Làm sao khi các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp kiến thức được đầy đủ”, ông Phú nói.

Còn tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cô Lê Thị Quy Thục, Phó Hiệu trưởng cho biết, từ khi học sinh toàn thành phố đi học lại (14/2) đến nay, trung bình trường ghi nhận hơn 20 ca F0/ngày. Một tuần qua, trường ghi nhận 7 - 10 F0/ngày, nhiều nhất là trên 10 ca/ngày như cuối tuần vừa rồi.

Trước việc ghi nhận F0 trường học vẫn ở mức cao, nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến song song để phù hợp với tình hình thực tế.

“Những học sinh F0, F1 sẽ học trực tuyến. Trường linh động, phối hợp với phụ huynh có thể dạy trực tuyến hoàn toàn nếu phụ huynh không đồng ý cho con đến trường. Nếu phụ huynh đồng thuận cho con đến trường thì trường tổ chức dạy học trực tiếp. Nhà trường vẫn tổ chức song song hai hình thức”, cô Thục cho biết.  

F0, F1 liên tục tăng, trường học ở TP.HCM ứng phó thế nào? - 3

Học sinh khối 9 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đi học trực tiếp hồi tháng 12/2021.

Về công tác phòng, chống dịch, cô Thục cho biết, Trường áp dụng quy trình, hướng dẫn mà Sở Y tế và Sở GD&ĐT TP.HCM ban hành, nhưng sẽ linh hoạt, chủ động các biện pháp để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại trường như: phối hợp với phụ huynh tầm soát F0, tăng cường thêm các biện pháp phòng, chống dịch để giảm F0, lập Tổ COVID-19 trong mỗi lớp học.

Tổ này có học sinh tham gia nhắc nhở thành viên lớp mình thực hiện 5K trong lớp, trong trường, rèn các kỹ năng, tinh thần trách nhiệm với tập thể, tổ chức sắp xếp các biện pháp phối hợp với nhau cùng chống dịch”, cô Thục nói.

Tương tự như hai trường trên, cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cho biết, trong tình hình hiện nay, F0 TP.HCM đang có xu hướng tăng, nên khó tránh F0 trong trường cũng tăng lên, để đảm bảo công tác dạy và học, nhà trường đã linh hoạt kết hợp việc học trực tiếp và trực tuyến. 

“Có phụ huynh muốn con học trực tuyến để yên tâm hơn về dịch bệnh, có phụ huynh lại muốn con đến trường học trực tiếp do đó nhà trường sẽ linh hoạt 2 hình thức học tập, trực tiếp và trực tuyến”, cô Hương cho biết.   

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, thành phố đã giao quyền chủ động cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện và của các trường để quyết định việc tổ chức dạy học. Dựa trên cấp độ dịch của phường, xã thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các quận, huyện sẽ xem xét, đánh giá lại tình hình thực tế của các trường ở những địa phương này để đưa ra quyết định cho từng trường. 

Nếu có 2 ca bệnh trong một lớp thì trường sẽ quyết định hình thức học của lớp đó. Còn nếu trường có từ 2 lớp trở lên có yếu tố dịch tễ phức tạp, có nguy cơ cao thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quận, huyện sẽ quyết định hình thức học trực tiếp hay trực tuyến của trường đó dựa trên đánh giá tình hình thực tế.

MAI CÁT
Bình luận
vtcnews.vn