• Zalo

Eximbank: Sổ đỏ cầm tay, vẫn treo tài sản của khách

Thị trườngThứ Ba, 15/03/2016 03:45:00 +07:00Google News

Dù đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhận về nhưng khách hàng vẫn bị “treo” tài sản thế chấp trên CIC.

Dù đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhận về nhưng khách hàng vẫn bị “treo” tài sản thế chấp trên CIC.

Sổ đỏ cầm tay, tài sản vẫn treo trên CIC

Mới đây, VOV.VN nhận được đơn thư của ông Lê Đình Sơn (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho biết, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhận về nhưng vẫn bị Ngân hàng Eximbank Vinh (tỉnh Nghệ An) “treo” tài sản thế chấp trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước nên chủ sở hữu không thể tiến hành mọi giao dịch liên quan.

Theo trình bày của ông Lê Đình Sơn, vụ việc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Vinh (Eximbank Vinh) “treo” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông hơn 4 năm nay trên CIC bắt nguồn từ Hợp đồng thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên thứ 3 (Hợp đồng số 0026/EIB.ĐL – TD/BĐTS/2010 ngày 15/10/2010).

Hợp đồng được lập giữa Chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Vinh (Eximbank Vinh), cá nhân ông Lê Đình Sơn (bên bảo lãnh) và Công ty TNHH Nguyên Nghĩa (bên vay vốn).

Theo đó, ông Lê Đình Sơn đứng ra thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ô 140 Lô C, Khu đô thị mới Định Công – Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL375992. Mảnh đất được định giá 3 tỷ 712 triệu đồng.

 Sổ đỏ cầm tay, tài sản vẫn treo trên CIC
Theo ông Lê Đình Sơn, sau khi thế chấp tài sản, thông qua Công ty TNHH Nguyên Nghĩa, gia đình ông có vay tổng cộng 3 tỷ đồng tại Eximbank Vinh, Phòng giao dịch huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Đến tháng 4/2011,  khoản vay 3 tỷ đồng của gia đình ông và Công ty TNHH Nguyên Nghĩa đã trả hết cả gốc và lãi. Ngày 15/4/2011, Eximbank Vinh, Phòng giao dịch huyện Đô Lương đã có đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL375992 và hoàn trả cho ông Sơn.

Tuy nhiên, khi gửi Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Eximbank Vinh, Phòng giao dịch huyện Đô Lương lại gửi nhầm địa chỉ đến Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Đô Lương thay vì gửi đến UBND quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) – là nơi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL375992 cho gia đình ông Lê Đình Sơn khiến việc tiến hành giải chấp không thực hiện được.

“Tôi đã làm đơn đề nghị Ngân hàng Eximbank phòng giao dịch Đô Lương gửi lại Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất số, tài sản gắn liền với đất thửa đất đến  Phòng Tài nguyên môi trường, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội để đảm bảo quyền và lợi ích của tôi. Tuy nhiên, Eximbank Phòng Giao dịch Đô Lương đã không thực hiện khiến cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn”- ông Lê Đình Sơn cho biết.

Vụ việc sau đó càng trở nên phức tạp khi cuối năm 2011 xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Eximbank Vinh. Trong đó, Đặng Nam Hải – Phó phòng phụ trách khách hàng cá nhân, Eximbank Vinh, Trưởng phòng giao dịch Đô Lương bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng tại nhiều hợp đồng tín dụng. Eximbank Vinh, Phòng giao dịch huyện Đô Lương sau đó đã từ chối cấp lại Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL375992 cho ông Lê Đình Sơn dù trước đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL375992 đã được hoàn trả cho khách hàng.

Bị đẩy vào “danh sách đen” vì khoản nợ “trên trời rơi xuống”

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc Eximbank Vinh “treo” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng, chúng tôi trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Dung – Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank Vinh thì được biết: Do Công ty Nguyên Nghĩa còn dư nợ trên hệ thống của Eximbank Vinh nên không thể giải chấp tài sản cho bên thứ 3 đứng ra bảo lãnh khoản vay (là quyền sử dụng đất của ông Lê Đình Sơn).

Bà Dung cho biết thêm: Vụ việc liên quan đến vụ án Đặng Nam Hải – Giám đốc Eximbank Đô Lương giai đoạn 2010 – 2011, đến nay Ngân hàng chưa thể giải chấp tài sản cho khách hàng.

Liên quan đếnHợp đồng tín dụng 3 bên giữa Chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Vinh (Eximbank Vinh), cá nhân ông Lê Đình Sơn (bên bảo lãnh) và Công ty TNHH Nguyên Nghĩa (bên vay vốn), ông Nguyễn Nguyên Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Nghĩa cho biết: Năm 2010, Công ty TNHH Nguyên Nghĩa có quan hệ tín dụng với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Vinh (Eximbank Vinh), Phòng giao dịch Đô Lương; sau một thời gian vay, Công ty đã thanh toán toàn bộ dư nợ.

Về tài sản thế chấp, ông Nguyễn Nguyên Nghĩa cho biết: Trong quá trình quan hệ tín dụng với Eximbank Vinh, Công ty TNHH Nguyên Nghĩa đưa 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào thế chấp tại Ngân hàng.

Khi công ty Nguyên Nghĩa tất toán các khoản vay thì Ngân hàng trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp. Riêng bất động sản thế chấp tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, do sai sót của Ngân hàng trong đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp nên chủ sử dụng đất chưa thực hiện được thủ tục xóa đăng ký thế chấp. Các tài sản thế chấp còn lại đã thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp thành công.

Còn về dư nợ của Công ty Nguyên Nghĩa trên hệ thống của Eximbank Vinh như thông tin bà Nguyễn Thị Thu Dung – Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank Vinh cho biết, theo ông Nghĩa là do: Cán bộ và lãnh đạo Phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Ngân hàng Eximbank Vinh đã lập khống và giả mạo toàn bộ hồ sơ để rút vốn và chiếm dụng để sử dụng mục đích cá nhân.

Theo ông Nghĩa: Sự việc vỡ lở khi ông Đặng Nam Hải (Trưởng phòng giao dịch Đô Lương), ông Nguyễn Tiến Dũng (Phó phòng giao dịch Đô Lương) bị bắt thì Công ty TNHH Nguyên Nghĩa mới biết Công ty đang có dư nợ tại Ngân hàng với số tiền là 6 tỷ 180 triệu đồng. Dư nợ còn lại tính đến ngày 20/6/2015 là 5 tỷ 126 triệu đồng.

Công ty TNHH Nguyên Nghĩa cũng đã nhiều lần làm việc và yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Chi nhánh Vinh xử lý dứt điểm khoản nợ của Công ty nhưng đến nay Ngân hàng vẫn không thực hiện xử lý. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cũng như việc vay vốn, mở rộng sản xuất của Công ty trong thời gian qua vì bị đưa vào “danh sách đen” nợ xấu.

Ông Nghĩa cho biết thêm: Công ty Nguyên Nghĩa cũng đã làm đơn báo cáo và đề nghị Công an cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An vào điều tra làm rõ vụ việc.

Ông Đặng Đình Hồng – Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank huyện Đô Lương xác nhận những vướng mắc xảy ra giữa cá nhân ông Lê Đình Sơn, Công ty TNHH Nguyên Nghĩa và Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương là có thật. Vụ việc xảy ra trong giai đoạn 2010 – 2011, khi Eximbank lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại nhiều địa phương.

Đặng Nam Hải -  Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank huyện Đô Lương giai đoạn 2010 – 2011 đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng từ các hợp đồng tín dụng, trong đó có Hợp đồng số 0026/EIB.ĐL – TD/BĐTS/2010 ngày 15/10/2010. Đặng Nam Hải sau đó đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 20 năm tù.

Ông Đặng Đình Hồng cho biết, đã nhiều lần thúc giục lãnh đạo Eximbank Vinh giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nhưng đến nay Eximbank Vinh vẫn chưa giải quyết.

Tính đến nay đã qua gần 5 năm, vụ việc vẫn chưa được Eximbank có câu trả lời thỏa đáng trong khi khách hàng gặp rất nhiều khó khăn với các tài sản đảm bảo và các khoản nợ do cán bộ của đơn vị này gây ra.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn