Nội bộ Eximbank đang mâu thuẫn dẫn đến vụ kiện yêu cầu hủy quyết định bầu Chủ tịch HĐQT. Sau những lùm xùm với khách hàng chưa kết thúc, cuộc chiến pháp lý lại nảy ra trong nội bộ Eximbank, từ nhà đầu tư đến HĐQT.
Đối tác chiến lược bế tắc
Trong công cuộc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, một trong những giải pháp của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức tài chính, ngân hàng có kinh nghiệm, có tiềm lực. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng trong nước.
Thực tế cho thấy, dù có chủ trương từ phía Nhà nước, dù các nhà đầu tư nước ngoài có thiện chí, thì việc các cổ đông nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự khác biệt về văn hóa quản trị, về tính chuyên nghiệp, về mục tiêu tôn trọng lợi ích chung. Không ít cổ đông nước ngoài đã phải rời bỏ các ngân hàng trong nước trong thời gian qua, trong đó có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu tại Nhật Bản.
SMBC là đối tác chiến lược tại Eximbank từ năm 2008 với một số tiền gấp nhiều lần để sở hữu 15% vốn điều lệ của Eximbank. Giao dịch của SMBC đem lại lợi ích vô cùng lớn cho Eximbank, các cổ đông vào thời điểm đó. SMBC đã hỗ trợ cho Exibank thông qua nhiều hình thức: nhân sự, công nghệ, quản trị nhưng dường như mọi nỗ lực của SMBC đều không có kết quả với Eximbank. Không những vậy, chính đối tác chiến lược này gần như đang sa lầy với những mâu thuẫn nội bộ của Eximbank.
Với sự hỗ trợ của SMBC, Hội đồng quản trị Eximbank đã thành lập một Ủy ban độc lập để đánh giá và đưa ra các kiến nghị với các họat động của Eximbank. Ủy ban độc lập được làm việc với các đối tác tư vấn nước ngoài có uy tín nhằm đưa Eximbank nhanh chóng vượt qua các khó khăn, đuổi kịp các ngân hàng khác. Việc thành lập Ủy ban độc lập được cả 10 thành viên Hội đồng quản trị nhất trí cao. Tuy nhiên, đến khi Ủy ban bắt đầu đưa ra các kiến nghị độc lập của mình thì gặp khó khăn từ chính HĐQT Eximbank.
Trước các yêu cầu của thực tế, Chủ tịch Lê Minh Quốc mời họp HĐQT vào ngày 26/2/2019 để nghe Ủy ban độc lập và các nhà tư vấn trình bày ý kiến về Eximbank. Nhưng ngày 25/2/2019, ông Lê Minh Quốc lại tự ý hủy cuộc họp ngày 26/2/2019 vì việc đột xuất; ông Ngô Thanh Tùng, Nguyễn Quang Thông (cùng là thành viên) không tham dự. Các thành viên HĐQT còn lại (7/10 người) và 03 thành viên BKS vẫn có mặt tại địa điểm họp và trao đổi cùng các thành viên Ủy ban độc lập và các nhà tư vấn. Các thành viên này đều ghi nhận tầm quan trọng của Báo cáo của Ủy ban độc lập và đề nghị HĐQT cần xem xét các ý kiến này.
Sau đó, ông Lê Minh Quốc lại mời họp HĐQT vào ngày 01/03/2019 nhưng không đề cập đến nội dung xem xét Báo cáo của Ủy ban độc lập. Ông Tùng, ông Thông (thành viên) tiếp tục xin dời cuộc họp. Ông Quốc tiếp tục thông báo dời cuộc họp ngày 01/03/2019 sang một ngày khác nhưng không xác định ngày nào.
Chưa hết, ông Quốc tiếp tục mời họp vào ngày 08/3/2019 nhưng cũng không có nội dung xem xét báo cáo của Ủy ban độc lập và các nhà tư vấn. Có 6 thành viên HĐQT đã đề nghị đưa nội dung này vào chương trình họp. Sáng ngày 8/3/2019, ông Quốc lại đột ngột hủy phiên họp HĐQT ngày 8/3/2019. Ông Tùng và ông Thông tiếp tục không có mặt tại phiên họp này.
Quyền cổ đông không được thực hiện
Sau nhiều lần bị trì hoãn, sau nhiều lần yêu cầu không được đáp ứng, một số thành viên đã triệu tập họp HĐQT và 7/10 thành viên quyết định bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc. Trong số 7 thành viên có 2 thành viên Nhật Bản. Khác với sự trì hoãn về các cuộc họp, ngay lập tức ông Lê Minh Quốc khởi kiện các thành viên HĐQT ra Tòa và 2 thành viên Nhật Bản trở thành bị đơn tại Tòa. Nghị quyết bãi nhiệm ông Quốc bị Tòa tạm dừng. SMBC gửi kiến nghị đến nhiều nơi, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Dự kiến ngày 26/4/2019 Eximbank tổ chức Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, ngày 22/4/2019, SMBC đã đề nghị bổ sung vào Đại hội các nội dung: Ủy ban độc lập báo cáo các cổ đông ý kiến đánh giá, kiến nghị về Eximbank; đề nghị các cổ đông bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên HĐQT và miễn nhiệm các thành viên không được trên 51% cổ đông tín nhiệm.
Yêu cầu của SMBC là hợp lý nhưng dường như quá nghiêm khắc, làm cho một số thành viên HĐQT lo lắng. Cho đến sát ngày tổ chức Đại hội, vẫn chưa rõ các yêu cầu chính đáng của SMBC có được Eximbank xem xét hay không?
Dư luận cũng đặt dấu hỏi tại sao ông Lê Minh Quốc phải né tránh việc công bố báo cáo của Ủy ban độc lập? Nội dung Báo cáo này có gì bất lợi cho ông Quốc? Dù các bên đúng sai ra sao, các cổ đông cần phải biết về báo cáo đánh giá của Ủy ban độc lập. Dù các bên đúng sai ra sao, thì việc cổ đông bỏ phiếu tín nhiệm thành viên HĐQT, đặc biệt trong tình trạng “rối ren” của Eximbank hiện nay, cũng là điều cần thiết.
Đừng để SMBC, một nhà đầu tư nước ngoài gắn bó với Eximbank bao năm qua, bế tắc trong việc tham gia tái cơ cấu Eximbank.
Bình luận