Theo đó, đề án sắp xếp, tái cấu trúc EVN tập trung vào ba nội dung chính: Tái cơ cấu ngành nghề; Tái cơ cấu về sở hữu và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tập đoàn.
Cụ thể, EVN sẽ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện và đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, rút vốn.
Về tái cơ cấu sở hữu, tập đoàn đang xin ý kiến Thủ tướng cho bán tiếp cổ phần đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hoá mà nhà nước không nắm giữ cổ phần như Cty cổ phần thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận-Đa Mi, Thuỷ điện Thác Bà, Thác Mơ, Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh...
Nguồn vốn thu được sẽ tập trung đầu tư nguồn và lưới điện. Cùng với đó sẽ tập trung thành lập các tổng công ty phát điện, trước mắt trực thuộc EVN sau đó sẽ tách ra và cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp.
EVN cũng cho biết sẽ xây dựng lại chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2011-2015, đổi mới chức năng, nhiệm vụ, phương thức quản lý của công ty mẹ, tăng tính chủ động, trách nhiệm của tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Phạm Tuyên/ Tiền Phong
Bình luận