Tham dự Đoàn công tác có đồng chí Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban, đồng chí Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và các chuyên gia. Chương trình làm việc của Đoàn công tác nhằm giám sát việc thực hiện các yêu cầu cảu Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội đã nêu qua đợt giám sát năm 2019 tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và một số Nhà máy nhiệt điện của EVN.
Nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu trong quá trình kiểm tra, ông Nguyễn Đức Hoà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Qua giám sát của tỉnh Bình Thuận thời gian vừa qua, tình hình môi trường tại TTĐL Vĩnh Tân nhìn chung ổn định, các thông số quan trắc môi trường nước thải, khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Đặc biệt, không còn tình trạng bụi than xuất hiện tại khu vực xóm 7, xã Vĩnh Tân (khu vực quanh TTĐL Vĩnh Tân) như vài năm trước.
Còn đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường ghi nhận, nhờ thực hiện đầy đủ việc che chắn bụi trên các dây chuyền tải than, phun tưới tại kho than, thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý từ xa với công tác môi trường...; do đó, môi trường tại TTĐL Vĩnh Tân đã được cải thiện. Đến nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng không còn nhận được các ý kiến phản ánh về môi trường tại TTĐL Vĩnh Tân.
“Các nhà máy sạch, đẹp như công viên” là ý kiến đánh giá của lãnh đạo Vụ KHCN&MT - Bộ Xây dựng khi kiểm tra, làm việc tại TTĐL Vĩnh Tân. Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần tiếp tục duy trì các nhà máy thân thiện, đảm bảo môi trường trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra và làm việc ngày 17/3/2021, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Trần Văn Minh nhận định: Đoàn công tác đánh giá cao việc EVN đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của đoàn giám sát Ủy ban KHCN&MT Quốc hội.
Một số kết quả đáng chú ý theo đánh giá của đoàn công tác gồm: EVN đã hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo pháp luật; triển khai lắp đặt một số bảng điện tử hiển thị công khai thông số quan trắc môi trường. EVN cũng đã tổ chức rà soát và triển khai quan trắc môi trường liên tục với 1 số thông số; đầu tư trang thiết bị bảo vệ môi trường. Cùng đó, EVN đã đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ và đạt được những kết quả tích cực nhất định.
Trong thời gian tới, Đoàn giám sát Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội yêu cầu EVN tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; duy trì thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường với các dự án đầu tư mới. EVN cần chỉ đạo các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO 14001; triển khai quan trắc môi trường liên tục với đầy đủ thông số và tiếp tục kết nối về các cơ quan quản lý Nhà nước...
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Trần Văn Minh cũng yêu cầu EVN cần tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ, giảm tải bãi chứa; thực hiện quản lý ngày càng tốt hơn các chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; tiếp tục trồng thêm cây xanh tại khu vực các nhà máy nhiệt điện. Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiêu thụ tro, xỉ.
Những nỗ lực từ EVN
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng tham dự chương trình giám sát, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết, EVN luôn chấp hành các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Toàn Tập đoàn triển khai công tác bảo vệ môi trường một cách thực chất, nghiêm túc, gắn với việc phát triển bền vững, lâu dài.
Hiện nay, Tập đoàn đã hoàn thiện đầy đủ tất cả các thủ tục về môi trường theo quy định. 100% các dự án công trình điện của EVN đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đều đã lập/trình thẩm định và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường dự án.
Thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát, đến nay toàn bộ 14/14 nhà máy nhiệt điện của EVN đều đã và đang triển khai lắp đặt các bảng điện tử hiển thị công khai số liệu quan trắc tự động khí thải, nước thải cho cộng đồng dân cư theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, EVN và các đơn vị đã thực hiện các hình thức truyền thông đa dạng nhằm kịp thời, chủ động cung cấp các thông tin chính xác về nhà máy nhiệt điện. Các nhà máy đều duy trì hoạt động định kỳ đón tiếp người dân, đại diện các đoàn thể, chính quyền địa phương đến tham quan hoạt động sản xuất điện; tìm hiểu và giám sát công tác bảo vệ môi trường.
Tại các nhà máy nhiệt điện của EVN được lắp đặt bổ sung thiết bị/hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục; được đầu tư các hệ thống xử lý khí thải và duy trì tốt sự vận hành nhằm bảo đảm quy chuẩn của Việt Nam. Bên cạnh đó, EVN cũng đã thường xuyên chỉ đạo và giám sát các đơn vị quản lý bãi xỉ đảm bảo vận hành an toàn, kiểm soát và thường xuyên quan trắc định kỳ công trình. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lắp...
Hiện nay, tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than của EVN đều đã được hợp chuẩn hợp quy tương ứng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn từng mục đích sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng phù hợp. Tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong EVN đã kí hợp đồng tiêu thụ tro xỉ, thạch cao ngắn hạn/dài hạn với các đối tác tiếp nhận và tiêu thụ tro xỉ. Đến ngày 31/12/2020, tổng khối lượng tro, xỉ đã được các đối tác tiếp nhận và tiêu thụ là 7,1 triệu tấn, đạt 83,46% tổng khối lượng tro xỉ phát sinh.
Đặc biệt, với tinh thần tích cực hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, các nhà máy nhiệt điện cũng đã và đang tiếp tục thực hiện chăm sóc và trồng mới bổ sung thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên nhà máy, đồng thời phát huy hiệu quả che chắn bụi.
Bình luận