Nguyên nhân do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và hội tụ gió. Trong mưa dông có khả năng gió giật mạnh.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố đáng tiếc do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo các Công ty Điện lực rà soát các thiết bị của hệ thống lưới điện, củng cố, thay thế các điểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm tra kết cấu cơ khí, xây dựng của hệ thống điện và thiết bị điện ngoài trời, trong nhà, khu vực đông dân cư trú và sinh hoạt; đảm bảo cách điện phải tốt, chống rò điện, các kết cấu vững chắc an toàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền an toàn điện mùa mưa bão trong nhân dân Thủ đô.
Các Công ty Điện lực sẽ tiếp tục bám sát các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chung của Tổng công ty đã được diễn tập; tăng cường ứng trực; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị; đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trên địa bàn hoặc khu vực để phối hợp kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất.
Xử lý ngay những vị trí, các điểm không đạt tiêu chuẩn quy định của lưới điện, củng cố tiếp địa cao áp, hạ áp của cột điện, trạm điện, tủ pillar để đảm bảo an toàn cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong tất cả các tình huống trong mùa mưa bão, ngập úng.
Kiểm tra củng cố các đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tiêu, đảm bảo công suất, nguồn dự phòng để các trạm bơm tiêu ngập úng sẵn sàng vận hành; thống kê các khu vực vùng thấp trũng, khi bão lụt có thể xảy ra úng ngập các thiết bị điện hoặc gây sạt lở móng cột; tăng cường kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; kiểm tra chống úng, ngập nước tại hầm cáp, mương cáp, thiết bị của các trạm 110kV…
Để phòng ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện cho người xảy ra trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khuyến cáo khách hàng sử dụng điện một số nội dung cần biết như sau:
- Khi có bão, mưa to gió lớn, ngập úng cần chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm: đường dây điện, trạm điện; đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như: cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện.
- Cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước do úng, lụt. Không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt.
- Cầu dao, cầu chì, áp tô mát, công tác, ổ cắm trong gia đình phải đặt ở nơi khô ráo. Nên đặt ở vị trí cao hơn 1m40 để an toàn cho trẻ nhỏ và tránh rò điện khi mưa to gây úng ngập.
- Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không xâm phạm: đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
Nghiêm cấm các hành vi:
- Vào trạm điện, trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ.
- Các hành vi trộm cắp, phá hoại gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện.
- Thả vật bay, bóng bay, bắn pháo giấy tráng kim loại gần công trình lưới điện cao áp.
- Lắp đặt ăng ten, dây phơi, giàn giáo, biển quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi đổ, rơi có thể va quệt vào công trình lưới điện cao áp.
- Trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm điện, hoặc cây đổ có thể chạm vào đường dây điện.
- Bắn chim hoặc quăng ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; tháo dây néo tiếp địa và các phụ kiện khác của cột điện; đào đất gây sụt lún công trình lưới điện; đổ đắp đất, cát vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều quán, buộc trâu bò hoặc gia súc.
Khi phát hiện có người bị điện giật, cây đổ vào đường dây, trạm điện, dây tải điện bị đứt, cột điện bị đổ, vỡ sứ, phóng điện, trạm điện bị ngập nước, cần báo ngay cho Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội theo số điện thoại 19001288, hoặc chính quyền, công an địa phương, đơn vị quản lý điện gần nhất để xử lý cắt điện.
Bình luận