• Zalo

EVFTA mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt

Thị trườngThứ Tư, 26/01/2022 11:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhờ những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam sang thị trường EU được đánh giá cao.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) trong 11 tháng năm 2021 dù chưa ghi nhận sự gia tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu và trị giá thu về đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, lượng xuất khẩu đạt 53.910 tấn, trị giá 38,07 triệu USD, chỉ tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.

EVFTA mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt - 1

Nhiều loại gạo đặc sản của Việt Nam được thị trường EU ưa chuộng.

Mặc dù EU hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao. Trong 11 tháng năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 37.390 tấn, trị giá 26,82 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU. Tỷ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021 so với 64% của cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, ngoại trừ nhóm gạo hữu cơ, gạo huyết rồng… có sự sụt giảm mạnh 87% về khối lượng xuất khẩu sang EU, các chủng loại gạo khác đều tăng mạnh như gạo trắng tăng 40,9%; gạo giống Nhật tăng 137,6%; gạo nếp tăng 323,2%.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng mạnh so với 11 tháng năm 2020 như gạo thơm tăng 17,5%, đạt bình quân 665 USD/tấn; gạo trắng tăng 41,8%; gạo giống Nhật tăng 7,5%; nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo huyết rồng... tăng 38,5%.

Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cũng cho biết, trong số 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU trong 9 tháng năm 2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU đạt mức tăng mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.

Với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới.

Với Việt Nam, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Nguyễn Quỳnh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn