• Zalo

EVFTA giúp xuất khẩu thủy sản Việt rộng cửa vào thị trường Đức

Thị trườngChủ Nhật, 19/09/2021 10:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức bước đầu đã tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức trong 6 tháng đầu 2021 tăng nhanh chóng.

EVFTA giúp xuất khẩu thủy sản Việt rộng cửa vào thị trường Đức - 1

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức bước đầu đã tận dụng được ưu đãi từ EVFTA. (Ảnh: MOIT) 

Theo đó, nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 14,6 nghìn tấn, trị giá 91,9 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 18,9% về trị giá so với 6 tháng đầu 2020.

Tôm các loại, cá ngừ các loại và cá tra, basa là 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Đức. Cụ thể, tôm các loại chiếm 50,3% về lượng và chiếm 72,9% về trị giá; cá ngừ các loại chiếm 25,2% về lượng và chiếm 14% về trị giá; cá tra, basa chiếm 15,8% về lượng và chiếm 7,1% về trị giá trong tổng xuất khẩu.

Trong khi nhập khẩu tôm của thị trường Đức trong những tháng đầu năm 2021 có xu hướng giảm thì xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này vẫn đạt kết quả tích cực.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Đức 6 tháng đầu năm 2021 tăng 35,1% về lượng và tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Eurostat, nhập khẩu tôm của Đức 4 tháng đầu 2021 đạt 20,9 nghìn tấn với trị giá 183,24 triệu EUR (tương đương 215,7 triệu USD), giảm 2,3% về lượng và giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong các thị trường nhập khẩu tôm ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Đức với lượng đạt 3,01 nghìn tấn, trị giá 30,6 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so với cùng kỳ 2020.

Với mặt hàng cá ngừ, xuất khẩu sản phẩm này sang Đức trong 6 tháng đầu năm nay tăng 59,6% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Eurostat, nhập khẩu cá ngừ của Đức 4 tháng đầu năm 2021 đạt 25,9 nghìn tấn với trị giá 104,8 triệu EUR (tương đương 123,4 triệu USD), giảm 37,2% về lượng và giảm 37,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong các thị trường nhập khẩu cá ngừ ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp cá ngừ lớn thứ 3 cho Đức, chiếm 5,3% trong tổng lượng nhập khẩu cá ngừ của Đức trong 4 tháng đầu 2021.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người của Đức trong năm 2020 khoảng gần 14kg/người/năm, không cao so với bình quân tiêu thụ thuỷ sản thế giới, nhưng ngày càng nhiều người dân Đức nhận thấy việc tiêu thụ thuỷ sản rất có lợi cho sức khoẻ và lựa chọn tiêu dùng thuỷ sản cũng tiện dụng như các sản phẩm thịt khác.

Đức với dân số 83,8 triệu người và là quốc gia phát triển nhất trong Liên minh châu Âu, nên nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Đức sẽ tăng trong thời gian tới, do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của Đức tăng.

“Do đó, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu sang Đức và sẽ tận dụng tốt Hiệp định EVFTA với những sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực mà Việt Nam có lợi thế như tôm, cá ngừ...”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn