Có hai cơn sốt mang tên EURO diễn ra cùng thời điểm. Một là giải bóng đá EURO 2012 chuẩn bị khai mạc ở Ba Lan và Ukraine. Thứ hai là cuộc họp khẩn của bộ trưởng tài chính G7, để bàn về cơn khủng hoảng nợ tại eurozone- các nước dùng đồng tiền chung euro.
Nếu đội tuyển Tây Ban Nha vẫn được cho là ứng cử viên lớn nhất cho chức vô địch năm nay thì nền kinh tế của nước này đang đứng trước những rủi ro rất lớn khi hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha có khả năng sụp đổ.
Khủng hoảng nợ công, tình trạng thất nghiệp... của eurozone có thể bao phủ một đám mây lên EURO 2012 cho dù chính giải bóng đá này đang được kỳ vọng là mang đến "những điều phấn khích" cho người dân Châu Âu nói chung.
Ba Lan và Ukraine đang kẹt cứng giữa những khoản đầu tư khổng lồ cho EURO và khả năng "thu hồi vốn" khá mờ mịt nhưng ngay trước giờ G- giờ khai mạc thì tất cả đều phải hô khẩu hiệu về ngày hội bóng đá lớn của thế giới.
Đối với tình hình kinh tế Châu Âu hiện này, hậu cơn sốt EURO 2012 cũng là điều phải lo lắng.
Cách đây 2 năm, khi World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi, các nhà kinh tế thế giới đã ước đoán rằng đã có hàng chục tỷ USD...bốc hơi. Riêng nước Anh- nơi có lực lượng CĐV đông đảo và cuồng nhiệt đã thiệt hại 7,3 tỷ USD. Lý do chủ yếu là năng lực sản xuất kinh doanh của các công ty sụt giảm vì các nhân viên trễ nải và gà gật trong công việc.
4 năm mới có một lần |
Việt Nam có bị tác động bởi cơn sốt bóng đá EURO 2012 hay không?
Từ trước tới nay, chưa có nhà phân tích nào đưa ra con số cụ thể là nền kinh tế Việt Nam thiệt hại bao nhiêu tiền vì những giải bóng đá lớn được tổ chức tại Châu Âu hay Châu Phi. Những thiệt hại này là vô hình.
Năm nay, giờ thi đấu của EURO vẫn "gây khó" với NHM Việt Nam khi các trận đấu bắt đầu ở hai khung giờ 23h và 1h45. 31 trận đấu, gần 1 tháng ăn ngủ cùng EURO sẽ trở thành một cuộc marathon kinh dị, đặc biệt với những công chức trót mê bóng đá.
Làm thế nào để có thể thức, xem đá bóng tới gần 4 giờ sáng để rồi 6 giờ dậy chuẩn bị tới công sở?
Nhiều mùa bóng trở lại đây, những người quản lý lao động gần như "bó tay" trước cảnh "vật vờ" thiếu ngủ nơi công sở của nhân viên. Đương nhiên nó kéo theo sự sụt giảm về năng suất, doanh thu, lợi nhuận.
Song, chuyện nào ra chuyện đó. Bóng đá vẫn có sứ mệnh riêng của nó.
Người Việt luôn có tâm lý "chẳng mấy khi" nên có thể bất chấp sự sụt giảm của doanh nghiệp, để vui cùng bóng đá.
Thậm chí, bóng đá sẽ là cái cớ để "tạm quên" những vấn đề quay cuồng của cuộc sống hàng ngày: chuyện giá cả hay nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Khổ, khó rồi cũng thành quen. EURO, 4 năm mới có một lần. Vui thôi.
Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012 Xem thêm tại đây |
Song An (Thể thao 24h)
Bình luận