EURO 2020 chứng kiến nhiều cú sốc. Sau vòng 1/8, cả đương kim vô địch (Bồ Đào Nha) và đương kim á quân (Pháp) đều bị loại. Những ứng viên vô địch khác như Hà Lan, Đức cũng lần lượt rời cuộc chơi. Bóng đá tiềm ẩn bất ngờ, tuy nhiên, vẫn có những logic đằng sau cú ngã của những ứng viên vô địch.
Bùng nổ quá sớm
Trường hợp của Hà Lan ở EURO 2008 là một trong những ví dụ kinh điển về việc bùng nổ quá sớm sẽ khiến các đội tuyển nhanh chóng hụt hơi.
Ở giải đấu trên đất Áo và Thụy Sĩ, Hà Lan rơi vào bảng tử thần, gồm đương kim vô địch thế giới (Italy), á quân thế giới (Pháp) và Romania. Ở trận ra quân, Hà Lan đè bẹp Italy 3 bàn không gỡ. Trận thứ hai, thầy trò HLV Marco van Basten tiếp tục lấn lướt Pháp để thắng 4-1. Trận hạ màn, Hà Lan thắng Romania 2-0.
"Hà Lan thật đẹp" là dòng tít trên báo Italy sau lượt cuối. Đã hết mục tiêu, nhưng "Cơn lốc màu da cam" vẫn đá với 100% khả năng để loại Romania, qua đó mở đường cho Italy vào tứ kết. Tất nhiên, Hà Lan không chiến đấu vì Italy. Đội bóng áo cam tận hiến trong mọi trận đấu, bởi đây là thói quen của họ.
Hà Lan tôn sùng cái đẹp, nhưng bóng đá đỉnh cao nhiều toan tính. Hà Lan thua Nga 1-3 ở tứ kết, trong trận đấu đội bóng áo cam sập bẫy trước sự tinh quái của đối thủ vừa chật vật vượt qua vòng bảng.
Từ chỗ khen ngợi, dư luận đặt dấu hỏi: nếu Hà Lan của Van Basten giữ sức, không bung hết lực ở trận gặp Romania, bi kịch liệu có tới?
13 năm sau EURO 2008, nỗi đau quay lại với Hà Lan. Đội bóng áo cam lại toàn thắng 3 trận vòng bảng và trình diễn lối chơi bắt mắt, nhưng cũng giống trước đây, Hà Lan đã bung hết những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất ở vòng bảng.
Tại vòng knock-out, nơi các đối thủ chủ yếu đá chắc chắn, thực dụng và hạn chế sai lầm, sự ngây thơ của Hà Lan cùng HLV Frank de Boer đã để lại cái giá rất đắt.
Bước vào vòng bảng, mỗi đội bóng có một mục tiêu khác nhau. Các đội mạnh muốn dẫn đầu để tránh đối thủ "cứng", có đội chỉ cần vượt qua vòng bảng là đủ. Có đội muốn vô địch nên phải tính toán từng trận, cũng có đội vào đến đâu hay đến đó, nên căng sức như thể trận phía trước là trận đấu cuối cùng.
Dù vậy, khó phủ nhận thực tế là trình độ bóng đá châu Âu ngày càng xích lại gần nhau. Các đội bóng nhỏ cũng chơi toan tính, chặt chẽ và kỷ luật hơn, nên các ứng viên vô địch không còn hiển nhiên lấy mạnh thắng yếu.
Lịch sử cũng chứng minh các đội bóng vô địch luôn chơi rất chật vật ở vòng bảng. Đức từng suýt thua Ghana và chỉ thắng tối thiểu trước Mỹ ở vòng bảng World Cup 2014. Bồ Đào Nha còn không thắng trận nào ở vòng bảng EURO 2016, hay Pháp thắng chật vật ở vòng bảng World Cup 2018.
Xa hơn, Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 bằng sáu trận thắng với cách biệt 1 bàn. Trận mở màn, "Bò tót" thua cả Thụy Sĩ.
Không có công thức chung cho nhà vô địch. Cũng toàn thắng vòng bảng, nhưng chắc chắc Bỉ hoặc Italy sẽ góp mặt ở bán kết. Toàn thắng và bung sức là hai khái niệm khác hẳn nhau. Bỉ cũng có 9 điểm như Hà Lan, nhưng đội bóng của Roberto Martinez tạo ra cảm giác: họ chưa phô diễn những gì tinh túy, nguy hiểm nhất.
"Chết hụt" thì sống dai?
Tuyển Anh bị chỉ trích sau vòng bảng, nhưng đấy là cách "Tam Sư" giấu bài cho những trận căng thẳng ở vòng knock-out.
Đức đã phô diễn những điểm mạnh nhất trong lối chơi ở trận thắng Bồ Đào Nha, đó là đôi cánh Robin Gosens - Joshua Kimmich. Sau khi giành ngôi nhất và nhìn thấy triển vọng gặp Đức, HLV Gareth Southgate có tới 1 tuần nghiên cứu đối thủ. Trong khi đó, Đức rất khó nghiên cứu Anh, bởi "Tam Sư" không thể hiện nhiều ở vòng bảng.
Việc sớm bộc lộ vấn đề giúp các đội bóng vừa đá, vừa sửa và đặt điểm rơi phong độ vào những trận quan trọng. Tây Ban Nha hòa thất vọng 2 trận đầu, song đã bùng nổ đúng lúc để đánh chìm Croatia, ghi 10 bàn trong 2 trận gần nhất.
Ngược lại, các đội bóng phải gồng hết khả năng từ chặng xuất phát như Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Điển nhanh chóng "lộ bài" và đuối sức.
Với thể thức thi đấu ngắn ngày, tích lũy thể lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Khi phải căng sức như một chiếc lò xò và phô diễn những gì tốt nhất ở vòng bảng khiến các đại diện bảng tử thần không còn nhiều năng lượng chiến đấu.
Trong 8 đội có mặt ở tứ kết, có tới 3 đội là Thụy Sĩ, Ukraine, Séc chỉ đứng thứ ba, còn Đan Mạch xếp cuối bảng sau 2 lượt đấu đầu tiên. Không được đánh giá cao, từng ở rất gần ngưỡng cửa bị loại, nên nhóm các đội bóng hiện tượng tiềm ẩn sức chiến đấu mãnh liệt.
Không giống các "ông lớn" phải toan tính từng trận, từng nhánh, việc chơi trận nào tốt trận nấy giúp các đội bóng nhỏ duy trì sự hưng phấn và tập trung cao độ. Họ tận hưởng từng phút giây còn được góp mặt ở EURO, hơn là đằm mình vào những toan tính tham vọng. Những bất ngờ tại EURO cũng nảy sinh từ điểm này.
Bình luận