EURO 2012 hạ màn: Lần đầu và lần cuối

Tổng hợpThứ Hai, 02/07/2012 02:27:00 +07:00

Đông Âu đã chờ đợi một thời gian dài mới có được vinh dự tổ chức EURO và thật may cho Ba Lan/Ukraine khi họ có được vinh dự đấy đúng lúc.

Vậy là lần đầu tiên có thể sẽ là lần cuối cùng. Đông Âu đã chờ đợi một thời gian dài mới có được vinh dự tổ chức EURO và thật may cho Ba Lan/Ukraine khi họ có được vinh dự đấy đúng lúc. Nói vậy bởi đây có thể là lần duy nhất EURO diễn ra ở phía Đông và lần cuối cùng giải thi đấu theo thể thức 16 đội.

Vấn đề của đồng chủ nhà


Cho đến khi World Cup 2018 diễn ra tại Nga, EURO 2012 là sự kiện bóng đá lớn nhất được tổ chức ở Đông Âu trong 50 năm qua. Khoan hãy nói đến vấn đề chuyên môn, UEFA có lẽ cũng không nghĩ được rằng, Ba Lan và Ukraine đồng tổ chức lại mang đến nhiều rắc rối như vậy. Tại Ukraine, những khán đài trống vắng khi giá vẻ rẻ nhất, 35-50 euro, cũng đã ngốn tới nửa tháng lương của nhiều công nhân.

 


Thậm chí, các CĐV khách còn không hào hứng sang phía đông, ngoại trừ Hà Lan và Thụy Điển. Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến du lịch bóng đá trở nên xa xỉ với tất cả nhưng nguyên nhân chính vẫn là họ lo sợ một môi trường nhiều nguy hiểm và nếu cho rằng, quan niệm đấy đã bị hiểu sai, Ukraine hoặc Ba Lan trước đó cũng đã không làm gì để xóa đi sự e dè của người phía tây.


Và thực tế sân cỏ càng khiến nỗi lo của các CĐV trở nên có cơ sở hơn, đặc biệt tại Ba Lan. CĐV Nga, Croatia và Tây Ban Nha bị phạt vì những hành vi phân biệt chủng tộc. Thậm chí, CĐV Ba Lan còn lăng mạ Mario Balotelli ngay trong một buổi tập của đội tuyển Italia tại Krakow. Ashley Cole và Ashley Young bị chửi bới trên Twitter. Rồi những vụ bạo động giữa CĐV Nga và Ba Lan trước trận đấu của 2 đội ở Warsaw.


Nếu phân biệt chủng tộc trở thành rắc rối lớn của bóng đá Ba Lan và EURO 2012, người ta không thể không chú ý đến một vấn đề chính ở Ukraine: tham nhũng. Chẳng hạn như các HĐ về xây dựng SVĐ, đường xá và các cơ sở hạ tầng khác được chỉ định thầu cho một số ít công ty bí ẩn, bao gồm cả đối tác của trụ sở tận… Belize (một quốc gia rất nhỏ tại Caribê). Theo phe đối lập ở Ukraine, các công ty này chính là sân sau của các quan chức chính phủ.


Nhờ quyết định khó hiểu ấy, các “tham quan” đã biển thủ tới 4 tỷ USD. Cũng theo cáo buộc này, thực tế chính phủ Ukraine đã chi tổng cộng tới 10 tỷ USD để tổ chức EURO 2012, tức là nhiều hơn 2,25 tỷ USD so với dự toán ban đầu được UEFA duyệt hồi năm 2007 và gấp 2 lần con số 5 tỷ USD mà chính phủ nước này vẫn công bố.


Và những điều còn đọng lại


EURO 2012 không có những ngôi sao nổi bật, không có những đội bóng được xem là hiện tượng hay ngựa ô
nhưng nếu nhìn lại 30 trận đã qua cho đến trước trận chung kết vào rạng sáng nay, tất cả sẽ khó quên được những khoảnh khắc ấn tượng xuất hiện trong gần 1 tháng trời.

 


Đấy là cú đánh đầu của Robert Lewandowski cho Ba Lan ở trận khai mạc và mở đầu cho một EURO nhiều bàn thắng bằng đầu nhất trong lịch sử, là pha cứu bóng của Iker Casillas sau cú dứt điểm của Ivan Rakitic và giúp TBN tránh khỏi bị loại ngay ở vòng bảng, là cú nã đại bác của Balotelli trong trận gặp Đức tại bán kết để khẳng định sự trưởng thành của một ngôi sao...


Dĩ nhiên, nếu EURO 2012 không có những ngôi sao quá sáng, người ta cũng sẽ phải nhắc đến Andrea Pirlo, Andres Iniesta, Ronaldo... về một thứ bóng đá tấn công hấp dẫn mà Đức, Italia, Bồ Đào Nha hay Croatia đem lại, về công tác trọng tài gần như hoàn hảo trừ một sai lầm lớn là bàn thắng đã qua vạch gôn không được công nhận của Ukraine. Nếu có bất ngờ, đấy là thất bại của á quân World Cup 2010 là Hà Lan ngay tại vòng bảng, của Pháp ở vòng tứ kết và việc người Anh một lần nữa không vượt qua được lời nguyền trên chấm 11m.


Với thể thức thi đấu mới được áp dụng từ năm 2016 khi số đội tham dự được tăng từ 16 lên 24, EURO tại Pháp sẽ giống như một World Cup thu nhỏ. Khi đó, dù không thực sự hấp dẫn, EURO 2012 cũng sẽ được tất cả nhớ đến như là kỳ EURO đầu tiên và gần nhất diễn ra ở Đông Âu, và là kỳ EURO cuối cùng giải còn có 16 đội.


Những câu chuyện hot nhất

1. Tây Ban Nha không cần tiền đạo khi Vicente del Bosque xếp Cesc Fabregas như là số 9 ảo và bỏ quên cả Fernando Torres, Fernando Llorente và Alvaro Negredo. La Roja vẫn vào đến chung kết.

2. Đếm ngược...vứt xó
Phát kiến của UEFA là đếm ngược từ 10 trước khi bóng lăn nhưng rồi
chỉ mới tới 5, trận Bồ Đào Nha và Đức đã diễn ra.


3.
Trọng tài phụ cũng...vứt xó

Có thêm 2 trọng tài đứng ở cuối mỗi khung thành nhưng cú sút đi qua vạch gôn tới 50cm của Marko Devic vẫn không được công nhận

4.
Nhớ bạch tuộc Paul

Vô số các động vật được lôi vào dự đoán nhưng rồi chẳng con vật nào có thể làm người ta quên được bạch tuộc Paul. Mới đó đã 2 năm và EURO 2012 này không có một chuyên gia dự đoán chính xác như thế.




Mạnh Hào (Thể thao 24h)





Bình luận
vtcnews.vn